ClockThứ Bảy, 17/07/2021 06:45

Tận tình với người có công

TTH - Công tác chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho người có công (NCC) với cách mạng luôn là nghĩa cử cao đẹp được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị và toàn xã hội chung sức thực hiện. Đáp lại sự tận tâm đó, NCC đang vươn lên và có nhiều đóng góp hữu ích cho xã hội.

Tận tâm & yêu thươngChủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm hỏi, tặng quà người có công

NCC được tham gia điều dưỡng định kỳ tại cơ sở chăm sóc, điều dưỡng NCC  (Ảnh chụp thời điểm trước bùng phát dịch COVID-19)

Chăm lo đời sống NCC

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên vào năm 2020, nhiều trường hợp NCC bị tác động, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Mặc dù được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng, song những đối tượng này vẫn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Vì thế, trong nhóm các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh đã có 13.790 người có công với cách mạng được nhận hỗ trợ kịp thời với tổng kinh phí 20,685 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đắc Tương, thương binh nặng ở xã Phong An (Phong Điền) thời điểm này đang sửa chữa lại nhà cửa do đã xuống cấp trầm trọng cũng được hỗ trợ gần 50% tổng chi phí sửa chữa cho đối tượng NCC thuộc diện khó khăn cần xoá nhà tạm.

Hiện nay, ngành chức năng luôn thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ trợ cấp hàng tháng cho hơn 18.000 NCC trên địa bàn với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng và thực hiện trợ cấp một lần cho những đối tượng trong diện.  Nhân các ngày lễ, tết, kỷ niệm..., các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” và bản chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, ngoài đóng góp của các tổ chức chính trị xã hội và cá nhân hảo tâm, các xã, phường đều rất tích cực trong công tác chăm sóc NCC. Các địa phương tổ chức gặp mặt, tặng quà, thăm hỏi, động viên NCC và thân nhân NCC trên địa bàn. Năm 2020, có 145/145 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc NCC với cách mạng.

 Đến nay, toàn tỉnh có 54 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Các mẹ đều được các cơ quan, tổ chức chăm sóc, phụng dưỡng đến suốt đời. Hàng tháng, quý và nhân dịp lễ, tết hoặc những lúc ốm đau, các đơn vị nhận phụng dưỡng kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các mẹ. Chính quyền, các đoàn thể ở địa phương cũng thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của các mẹ, kịp thời báo cáo và tham mưu các cơ quan liên quan hỗ trợ khi các mẹ gặp khó khăn.

 Với kinh phí điều dưỡng Trung ương phân bổ hằng năm, ngành chức năng đã xem xét, phân bổ các suất điều dưỡng tập trung, điều dưỡng ngoại tỉnh và điều dưỡng tại gia đình theo đúng chế độ. Đơn cử trong năm 2020, qua nguồn kinh phí điều dưỡng Trung ương phân bổ hơn 12,23 tỷ đồng, địa phương đã phân bổ 1.531 suất điều dưỡng tập trung với kinh phí 8,339 tỷ đồng; 244 suất điều dưỡng ngoại tỉnh với kinh phí 3,398 tỷ đồng và 3.963 suất điều dưỡng tại gia đình với tổng kinh phí 4,399 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, bão lụt kéo dài, nên trong năm 2020 chỉ tổ chức điều dưỡng tập trung đối với 392 suất, điều dưỡng ngoại tỉnh đối với 143 suất và chi trả trợ cấp điều dưỡng tại gia đình.

Góp sức xây dựng quê hương

NCC đang tích cực tham gia, cống hiến bằng những về việc làm rất thiết thực. Hiện nay, một số tổ chức hội ra đời như Hội Tù yêu nước, Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã góp phần kết nối, trở thành nơi hoạt động, giao lưu của những NCC với cách mạng. Những tổ chức chính trị đặc thù này được sáng lập không ngừng chăm lo công tác chính trị tư tưởng cho hội viên và gia đình, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ... Ngoài ra, thông qua các tổ chức hội, nhiều hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, gặp hoạn nạn, ốm đau đã kịp thời được sẻ chia, đẩy mạnh tương thân tương ái, giúp nhau về tinh thần và vật chất, san sẻ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, góp phần vun đắp tình đồng chí, đồng đội.

Hội Tù yêu nước huyện Phong Điền được thành lập vào năm 2005, từ Ban liên lạc hội tù yêu nước của huyện đến nay đã có gần 300 hội viên. Qua quá trình hoạt động, hội đã gắn kết những hội viên cùng tham gia các hoạt động tình nghĩa, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận phát động, như: cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá toàn diện; cuộc vận động vì người nghèo. Thực hiện cuộc vận động xanh sạch đẹp, nhiều hội xã, thị trấn, như Phong An, Phong Hiền, thị trấn Phong Điền... tích cực vận động hội viên hăng hái tham gia hiến đất, hiến cây, xây dựng tuyến đường không rác...

Nhiều hội viên trong các tổ chức hội còn giúp nhau phát triển sản xuất đẩy mạnh cuộc sống, vật chất tinh thần, quyết tâm phấn đấu để không có người bị đói, giảm mạnh hộ nghèo, từng bước vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Các tổ chức hội còn phát huy tinh thần cách mạng, tính gương mẫu để tham gia tích cực các phong trào thi đua như “Phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Gia đình cựu chiến binh văn hoá”, “Cựu chiến binh gương mẫu”... Đồng thời, cùng với khối Mặt trận vận động Nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị.

 Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Tận tình như người anh, thân thiết như người bạn

Với những chiến sĩ mới nhập ngũ, khẩu hiệu “Đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ là anh em” càng thêm ý nghĩa với sự giúp đỡ, bảo ban tận tình từ những điều nhỏ nhất của cán bộ đơn vị.

Tận tình như người anh, thân thiết như người bạn
Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân
Return to top