ClockThứ Bảy, 21/10/2017 13:31

Tăng chế tài và nghiêm túc, minh bạch trong xử lý vi phạm

TTH - Công tác tuyên truyền là không ít và không hề thiếu sức bền bỉ. Nhưng sự vi phạm và tai nạn giao thông mãi vẫn đang là nan đề khó giải. Tại sao?...

Rất nhiều phương tiện cố tình tràn sang phía đường đã được phân chia bằng cả sơn kẽ lẫn cọc tiêu ở điểm giao cắt với đường sắt trên tuyến Điện Biên Phủ (ảnh chụp chiều 14/10/2017)

Cách đây chừng 1 tháng, bài báo "Điểm nghẽn ác mộng" của chúng tôi được Báo Thừa Thiên Huế đăng tải. Trong bài viết này, chúng tôi phản ảnh thực trạng giao thông bất ổn ở cuối con dốc đường Điện Biên Phủ (ĐBP), đoạn giao cắt với gác chắn đường sắt khi đường ĐBP được cho phép lưu thông 2 chiều do tuyến đường Phan Bội Châu song song bên cạnh bị ngăn để thi công hệ thống cải thiện môi trường nước. Bất ổn nhất là khi có tàu hỏa ngang qua, gắc chắn đóng lại làm dòng phương tiện dồn cứng ở 2 đầu. Đến lúc hết tàu, chắn mở, do không có phân cách "cứng" nên mạnh ai nấy đi, 2 luồng giao thông trở nên "đối đầu" khiến ai cũng mất thời gian và rất dễ xảy ra va quệt. Dòng xe nói trên lại còn vướng thêm nút ngã tư ĐBP-Phan Đình Phùng với dòng phương tiện đông đúc từ cầu Dã Viên về, từ Bến Ngự lên. Vào những giờ cao điểm, không đèn xanh đèn đỏ, không người điều tiết giao thông, mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy chen khiến giao thông ở đây trở nên hỗn loạn, rất mất an toàn.

Bài viết kiến nghị ngành giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông, cảnh sát giao thông (CSGT), và các cơ quan có trách nhiệm lưu tâm. Có thể bằng những dải phân cách, bằng cử người hướng dẫn, phân luồng trong những giờ cao điểm, hoặc bằng những giải pháp chuyên môn nào đó.... Bằng không thì điểm giao thông nói trên sẽ trở thành điểm nghẽn ác mộng của cả người dân lẫn du khách.

Không biết có phải là do một phần tác động từ bài viết không mà sau đó không lâu, vào những giờ cao điểm, chúng tôi bắt gặp các đồng chí CSGT đến làm nhiệm vụ, phân luồng cho dòng phương tiện. Tất nhiên, trật tự được cải thiện đáng kể. Có lẽ không chỉ chúng tôi mà nhiều người tham gia giao thông đều mừng và cảm thấy hài lòng. Mừng hơn là dịp cuối tuần vừa rồi, trong các ngày thứ sáu, thứ bảy (13-14/10), thấy ngành giao thông cho tiến hành sơn kẻ, và dựng những cọc tiêu phân luồng ở 2 bên gác chắn đường sắt- Một giải pháp khá căn cơ, bền vững và cả văn minh hơn; lại giúp giải tỏa bớt sức ép cho lực lượng CSGT.

Điều kỳ dị là, ngay sau khi hệ thống sơn vạch, cọc tiêu phân định phần đường hoàn tất, cứ ngỡ là mọi người sẽ tự giác đi vào phần đường của mình, nhưng hóa ra không. Ngay trong chiều thứ bảy (14/10) đứng chờ tàu tại điểm giao cắt trên, tôi buộc phải chứng kiến cảnh rất nhiều những phương tiện phía trước, chủ yếu là xe máy, vẫn cố lách lên, tràn qua cả phần đường phía bên kia hàng cọc phân cách, bất chấp luật lệ, bất chấp sự khó chịu của nhiều người xung quanh. Kiểu đi lại "chụp giật" vô lối như thế, trách gì chúng ta chẳng đã thấy rất nhiều những cọc tiêu đứng làm nhiệm vụ phân luồng đã "tử nạn" chóng vánh trên các nẻo đường: Cái cong, cái bẹp, cái tanh banh xác pháo... Những cọc tiêu ở đầu đường ĐBP không khéo rồi cũng sẽ cùng số phận trong một ngày không xa (?!!)

Đêm về xem ti vi, ngẫu nhiên thấy chương trình thời sự của Truyền hình Việt Nam chiếu một phóng sự ngắn về giao thông ở Đài Loan. Phóng sự cho biết, trước đây giao thông ở xứ này cũng loạn xạ vì xe máy. Sau đó, chính quyền siết lại quy định lề lối đi đứng, gắn với xử phạt rất mạnh tay. Và kết quả là tất cả buộc phải nhanh chóng đi vào nề nếp. Ở ta, công tác tuyên truyền là không ít và không hề thiếu sức bền bỉ. Nhưng sự vi phạm và tai nạn giao thông mãi vẫn đang là nan đề khó giải. Tại sao? Theo chúng tôi, đã đến lúc cần xem lại mức chế tài và sự nghiêm túc, minh bạch trong xử lý vi phạm. Làm quyết liệt và song hành được 2 việc ấy, trật tự giao thông nhất định sẽ đi vào quy củ.

Bài, ảnh:  Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý ngành dược theo thị trường, công khai, minh bạch, chất lượng an toàn

Quản lý ngành dược theo thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, có kiểm soát chất lượng an toàn, giá rẻ nhất. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, chiều 19/2, tại Trụ sở Chính phủ.

Quản lý ngành dược theo thị trường, công khai, minh bạch, chất lượng an toàn
Thực hiện "3 gặp, 4 biết" chặt chẽ, công khai và minh bạch

Sau khi hoàn thành công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2024, Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) 9 huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác thâm nhập "3 gặp, 4 biết" chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy trình.

Thực hiện 3 gặp, 4 biết chặt chẽ, công khai và minh bạch
Loại trừ nạn phóng uế bậy nơi công cộng

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, một việc nữa không thể không làm là phải tăng cường phát hiện, chế tài xử phạt thật nghiêm, thật nặng đối với bất kỳ ai thiếu ý thức, cố tình xâm hại môi trường công cộng.

Loại trừ nạn phóng uế bậy nơi công cộng
Minh bạch trong chi trả dịch vụ môi trường rừng

Tính riêng năm 2022, toàn tỉnh chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với tổng kinh phí trên 71 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí lớn, chi trả cho nhiều chủ rừng là các tổ chức, cá nhân, cộng đồng song luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Minh bạch trong chi trả dịch vụ môi trường rừng
Return to top