ClockThứ Sáu, 28/02/2020 14:31

Tăng cơ chế đào tạo ưu tiên ngành du lịch, công nghệ thông tin

TTH - Nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và du lịch đang thiếu nguồn nhân lực lớn, việc tăng cơ chế ưu tiên trong đào tạo các ngành nói trên là hướng đi cần thiết.

Trải nghiệm sáng tạo cho học sinh qua du lịchDoanh nghiệp hài lòng với chất lượng sinh viênDoanh nghiệp tham gia đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực du lịch

Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin đang rất lớn (Ảnh minh họa)

Khát nguồn nhân lực

Anh Đinh Văn Tâm, đại diện Công ty TNHH phần mềm Quốc tế 3S Huế cho biết, nhu cầu nguồn nhân lực của công ty lớn nhưng theo hợp tác với các trường tại Huế hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 300 – 500 sinh viên mỗi năm.

Thực ra, câu chuyện khát nguồn nhân lực ở lĩnh vực CNTT đã từng được các doanh nghiệp nhắc đến. Anh Lê Vĩnh Chiến, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh tiết lộ, muốn mời gọi các doanh nghiệp lớn, cần đảm bảo nguồn nhân lực. Lo ngại về việc thiếu nhân lực từng được các doanh nghiệp cân nhắc khi về Huế.

Không riêng gì CNTT, lĩnh vực du lịch cũng đang khát nhân lực. PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch (ĐH Huế) phân tích, theo thống kê sơ bộ của ngành Du lịch Việt Nam 2019, nước ta hiện có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 20% chỉ được huấn luyện tại chỗ, chưa qua đào tạo chính quy với chất lượng mang tính chuyên nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, đòi hỏi mỗi năm cần phải đào tạo thêm khoảng 40.000 lao động mới, kết hợp với công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có.

Theo đại diện Khoa Du lịch, hiện cả nước có 346 cơ sở đào tạo về du lịch các cấp từ sơ cấp đến bậc ĐH. Hằng năm, các trường ĐH tại Việt Nam tiếp nhận và đào tạo hàng chục nghìn cử nhân, nhưng chỉ 1/3 trong số đó đáp ứng được những tiêu chí ngành du lịch đề ra. Đến nay, số lượng lao động lĩnh vực khách sạn - lữ hành mới chỉ chiếm 2,5% tổng lao động cả nước, trong khi quy mô ngành cần nhiều hơn thế.

Việt Nam đang rất thiếu nhân lực có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong xu hướng đầu tư ngày càng tăng đối với các nhà hàng, khách sạn, resort 5 sao, thị trường nhân lực của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị “chiếm dụng” từ nguồn nhân lực các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…

PGS.TS. Trần Hữu Tuấn khẳng định, cùng với chủ trương phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng và số lượng là cấp thiết, đòi hỏi phải chỉnh sửa ngay những vấn đề bất cập trong quy mô đào tạo, sự liên kết giữa cung - cầu của nhà trường và các doanh nghiệp, cùng những chính sách và hành lang pháp lý tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực cả về chất và lượng.

Tăng cơ chế ưu tiên trong đào tạo

Hiện, các nhóm ngành đào tạo về CNTT và du lịch đã có cơ chế đào tạo đặc thù. Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng tính đến phương án bổ sung cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ ĐH ngành du lịch và nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực CNTT để đáp ứng thiếu hụt nguồn lực. Đây là điều kiện cần thiết để các cơ sở đào tạo mở rộng quy mô tuyển sinh.

Đại diện Khoa Du lịch chia sẻ, mùa tuyển sinh 2020, sẽ tăng khoảng hơn 200 chỉ tiêu (ở mức 1.410 chỉ tiêu), chủ yếu tăng ở các ngành đào tạo theo cơ chế đặc thù. Trong đó, năm nay khoa tuyển sinh 4 chương trình đào tạo ĐH theo cơ chế đặc thù của Bộ GD & ĐT là du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Điểm nổi bật của chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù là phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và các chuyên gia trong quá trình đào tạo nhằm tăng năng lực thực tiễn và khả năng thích ứng nhanh với nhu cầu công việc ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp bằng việc gia tăng thời gian thực hành, thực tập tối thiểu là 50% tổng thời lượng chương trình đào tạo.

Khoa Du lịch cũng mở mới ngành quản trị du lịch và khách sạn, đồng thời đào tạo 2 ngành trình độ thạc sĩ là du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và tiến sĩ ngành du lịch. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh đào tạo bằng tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, định hướng trong năm 2020 sau đợt xét tuyển sẽ chọn lọc sinh viên để đào tạo một lớp khoảng 20 sinh viên theo hướng CEO trẻ, ra trường đảm nhận vai trò quản lý.

Đối với các ngành CNTT, sẽ mở rộng đào tạo đặc thù và đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp. TS. Lê Văn Tường Lân, Phó Trưởng Khoa CNTT Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết, năm nay khoa tăng khoảng 150 chỉ tiêu so với năm 2019, ở mức khoảng 500 sinh viên, trong đó đào tạo theo cơ đặc thù là 200. Vừa qua, khoa ký kết với nhiều doanh nghiệp để phối hợp trong đào tạo. Nếu thuận lợi, từ năm 3, nhiều em đã có thể đi thực tập hưởng lương.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho biết, nhà trường đang phát triển ngành CNTT trở thành ngành mũi nhọn. Ngoài việc kết nối doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở vật chất, ĐH Huế đã đồng ý chủ trương dự án đầu tư các phần mềm, thiết bị giảng dạy chất lượng với nguồn kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

TIN MỚI

Return to top