ClockThứ Ba, 16/09/2014 23:32

Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư

TTH - Hội nghị khoa học và tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa quốc tế vừa được Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện TW Huế và Trường đại học Y-Dược Huế tổ chức tại Huế cuối tháng 8 đã cập nhật nhiều thông tin mới, quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế

Từ lâu ở hầu hết các bệnh viện, bệnh nhân ung thư đến khoa nào thì khoa đó tự điều trị, không có sự phối hợp, hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị chuẩn giữa các khoa. Tập huấn lần này nâng cao nhận thức của đội ngũ điều trị ung thư, đó là sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau từ chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Các chuyên gia sẽ hội chẩn và đưa ra một kế hoạch điều trị tổng thể, dựa trên phác đồ chuẩn quốc gia và quốc tế.

Đáng chú ý là phương pháp điều trị nhắm trúng đích phân tử (targeted therapy). Theo GSTS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, đây là liệu pháp dùng các loại thuốc để khóa sự tăng trưởng và lan tràn của ung thư. Các nhà nghiên cứu gọi các phân tử này là “các đích phân tử”, nên được gọi là liệu pháp nhắm đích phân tử hay là liệu pháp trúng đích (LPTĐ). Các LPTĐ được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau, hoặc kết hợp với các liệu pháp khác.
LPTĐ can thiệp vào sự tăng trưởng và sự phân đôi của tế bào ung thư theo nhiều đường khác nhau cũng như tại những điểm thay đổi trong suốt quá trình hình thành tăng trưởng và lan tràn của ung thư. Nhiều loại LPTĐ nhắm vào các prôtêin có liên hệ tới quá trình dẫn truyền tín hiệu. Khi khóa các tín hiệu báo cáo cho các tế bào ung thư tăng trưởng và sinh sôi vô tổ chức, các LPTĐ có thể giúp làm dừng sự tăng trưởng và phân đôi của các tế bào ung thư. Các đích phân tử khác là sự biểu hiện gen, sự sinh mạch, sự chết tế bào... LPTĐ đầu tiên trong điều trị ung thư gan đang được áp dụng tại hơn 60 nước với hoạt chất sorafenib. Chất này tác động trực tiếp lên tế bào ung thư, ngăn cản máu đến nuôi khối u cũng như thay đổi tính chất của tế bào ung thư để chúng tự lập trình thời gian chết như các tế bào thông thường. LPTĐ này được chỉ định cho bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật và ung thư gan tiến triển nhằm ngăn cản khả năng tái phát. 
TS, bác sĩ Phạm Nguyên Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện TW Huế cho biết, cơ sở đã áp dụng liệu pháp này trong điều trị ung thư vú, gan, phổi, u lymphô ác tính không Hodgkin, GIST... bước đầu cho kết quả khả quan.
Cũng rất đáng chú ý là phương pháp xạ trị trong mổ (IORT) nhằm điều trị các ung thư vú giai đoạn sớm. Khối u vú được cắt bỏ, sau đó đưa một dụng cụ có nguồn phóng xạ vào nền u để diệt tế bào ung thư. Lợi ích của phương pháp này đối với các trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm là hạn chế chỉ định can thiệp rộng rãi, mạnh tay trong phẫu thuật và xạ trị. Tuy nhiên giá thành đắt, chưa phù hợp với phần lớn bệnh nhân. Dù vậy, nếu điều trị theo phương pháp cổ điển thì phẫu thuật viên thường phải cắt đi một phần vú khá rộng và bệnh nhân phải xạ trị dài ngày để tiêu diệt tế bào ung thư.
Điều trị ung thư gan bằng nút phóng xạ vi cầu là một trong những phương pháp được đánh giá cao. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan, đó là phẫu thuật, sóng nhiệt cao tần (RFA), tác mạch hóa dầu (TOCE)... Điều trị bằng hạt phóng xạ vi cầu là một phương pháp thêm vào để điều trị ung thư gan. Bác sĩ đặt một catheter qua động mạch đùi vào động mạch gan, chọn nhánh động mạch nuôi khối u gan. Sau đó, bơm hạt vi cầu phóng xạ Y-90 trong dung dịch Natriclorua 0,9% vào động mạch nuôi u gan theo liều lượng đã tính. Các hạt vi cầu phóng xạ Y-90 đó phát tia be-ta với quãng chạy trong tổ chức khối u rất ngắn để diệt tế bào ung thư. Như vậy, nhờ các vi cầu phóng xạ được đưa trực tiếp và chọn lọc vào trong lòng khối ung thư gan, cho nên chúng bị nhận liều bức xạ cao nhất nhưng lại giảm ở mức thấp nhất tại các cơ quan lân cận chung quanh khối u. Vì vậy, hiệu quả tiêu diệt khối u cao, chọn lọc và các tế bào lành chung quanh được bảo vệ. Ðây là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, tăng thời gian sống thêm, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Kỹ thuật mới này được chỉ định điều trị cả ung thư gan nguyên phát, thứ phát, hoặc không còn chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật khó, hiện chỉ có một số nước tiến hành được do phải phối hợp nhiều chuyên khoa khác nhau, đòi hỏi các bác sĩ chuyên ngành ung bướu, y học hạt nhân, chấn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức... cần có sự phối hợp chặt chẽ để giúp quá trình chẩn đoán, đặc biệt quá trình điều trị đạt hiệu quả cao. Ðồng thời, cần có nhiều thiết bị hiện đại như máy SPECT, PET/CT, máy chụp mạch...
Mổ nội soi qua lỗ tự nhiên (đường hậu môn, sinh dục) để loại bỏ khối u trực tràng ác tính của Bệnh viện Trung ương Huế là phương pháp điều trị hiệu quả, được thực hiện thành công lần đầu tiên ở Việt Nam. Điều trị theo phương pháp này, không gây mất máu, mà vẫn bảo tồn các bộ phận liên quan, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe, chỉ một, hai ngày sau có thể xuất viện, giảm chi phí cho bệnh nhân.
Sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân hỗ trợ trong điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn muộn bằng hóa chất liều cao, là một thành công mới của Bệnh viện TW Huế. Bệnh nhân được thu thập tế bào của chính mình, bảo quản ở nhiệt độ -196 độ C, sau đó dùng chính tế bào này để ghép lại cho bệnh nhân.  Bệnh viện TW Huế đang tiếp tục áp dụng phương pháp này để hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân ung thư buồng trứng và ung thư vú giai đoạn muộn.
Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước
Return to top