ClockThứ Hai, 09/09/2019 19:23

Tăng công suất thu mua sắn chạy lũ

TTH.VN - Sáng 9/9, hàng trăm phương tiện chở củ sắn tươi nằm chờ chực từ ngoài vào trong cổng Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế, khiến không khí ở đây trở nên ngột ngạt. Các phương tiện chen chúc nhau chờ làm các thủ tục nhập sắn cho nhà máy với gương mặt nhiều bơ phờ sau nhiều ngày chờ đợi.

Hối hả thu hoạch sắn sau mưa lũ

Hàng trăm phương tiện chờ nhập sắn ùn ứ trên đường vào nhà máy

Thiệt đơn, thiệt kép

Theo nhiều nông dân, sắn tươi bỏ ngoài trời thời gian dài chừng nào thì lượng tinh bột càng hao hụt khiến nông dân, thương lái “thiệt đơn thiệt kép”!

Ông T. Đ. Đ (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) cho biết, gia đình ông trồng 5 ha sắn, từ sau ngày mưa lớn trên địa bàn đến nay ông đã thu hoạch được 1ha với khoảng 14 tấn củ chia làm 2 xe tải chở đến nhà máy. Ngồi trước cổng nhà máy đợi đã hơn 2 ngày nhưng mới nhập được 1 xe với giá 1.300 đồng/kg, thấp hơn năm 2018 khoảng 500-600 đồng/kg.

Theo ông Đ., hiện do ảnh hưởng những ngày mưa lũ trước đó, để tránh tình trạng ngập úng, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phong Điền và các địa phương ồ ạt nhổ sắn bán cho nhà máy. Thông thường bắt đầu tháng 9 mới vào vụ thu hoạch sắn, năm nay do ảnh hưởng mưa lũ nên có nhiều diện tích thu hoạch sớm hơn, chất lượng sắn không đảm bảo.

Nhà máy cam kết sẽ thu mua hết sắn cho người dân trong 3 ngày tới

Mặt khác, khi nhập sắn cho nhà máy, với lượng thu mua chậm như hiện nay khiến một khối lượng sắn ùn ứ bên ngoài, phơi mưa nắng dẫn đến chất lượng tinh bột giảm, nhà máy thu mua giá thấp.

Có mặt trên tuyến đường nội bộ dẫn vào nhà máy, anh N.T.L (thôn Lai Lâm, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền)- một thương lái thu mua sắn, với gương mặt bơ phờ bởi xe chở hơn 10 tấn của anh đã gần 2 ngày nay chưa nhập được.

Anh L., cho biết nếu tiếp tục để phơi mưa nắng kéo dài, cứ bình quân 10 tấn sắn sẽ hao hụt khoảng 500kg, chất lượng bột giảm, sắn thối sẽ “lan” khắp xe khiến nhà máy thu mua giá thấp. Theo quy định của nhà máy, đối với sắn có độ bột dưới 20% thì giảm 1% độ bột giá sẽ giảm 50 đồng/kg. Đối với sắn có đột bột từ 20-30% sẽ mua với giá từ 1,6 đến 1,7 nghìn đồng/kg. Do vậy, càng để lâu nông dân, thương lái càng thiệt.

Theo anh L. từ ngày mưa lũ đến nay, anh thu mua của người dân trên địa bàn khoảng 30 tấn sắn tươi, với giá 1,3 nghìn đồng/kg. Nếu tiếp tục để xe phơi nắng như hiện nay, giá nhà máy thu mua thấp chắc chắn anh bị thua lỗ. “Cả thảy mình mua đến thời điểm hiện tại được 5 xe, vẫn còn 2 xe chưa nhập được. Thời điểm năm ngoái mua của người dân 2,2-2,3 nghìn đồng/kg, nhập cho nhà máy 2,4-2,5 nghìn đồng. Năm nay lượng sắn ở Quảng Trị vô nhiều, lượng tinh bột sắn trên địa bàn giảm do nhổ sớm chạy lũ, nên cả nông dân, thương lái đều thua lỗ”, anh L. nói thêm.

Sẽ thu mua hết trong 3 ngày tới

Theo UBND huyện Phong Điền, vụ sắn năm nay toàn huyện có hơn 1.000 ha với giống sắn chủ yếu là KM94, sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 30 nghìn tấn/năm. Đến thời điểm hiện tại đã thu hoạch gần 500 ha diện tích sắn chạy lũ ở các địa phương Phong Xuân (150 ha), Phong Sơn (95 ha), Phong Hiền (50 ha), Phong An (50 ha), Phong Hòa (30 ha).

Nông dân ngồi chờ...nhập sắn cho nhà máy

Đồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương yêu cầu người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với những diện tích cây sắn đã đến tuổi; theo dõi diễn biến thời tiết nhằm chủ động phương án thu hoạch, tránh thiệt hại; làm việc với Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế để có phương án, lịch trình, giá cả thu mua hợp lý sắn chạy lũ cho bà con nông dân nhằm tránh tình trạng ép giá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng phòng Tổng hợp - Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện nay do một số diện tích người dân thu hoạch sớm, chạy lũ nên chất lượng bột không đạt, dẫn đến giá thu mua không bằng năm 2018. Hiện tại, nhà máy đang thu mua cho người dân với giá sắn củ tươi khoảng 1.700 đồng/kg, thấp hơn 200-300 đồng so với năm ngoái.

Do ảnh hưởng mưa lũ nên số lượng sắn thu hoạch đại trà ở các địa phương đổ về nhiều, sớm hơn dẫn đến có hiện tượng ùn ứ. Để giải quyết tình trạng trên, nhà máy đã chủ động tăng cường thu mua, tăng 3 ca sản xuất. Trong 4 ngày vừa qua đã thu mua của người dân 2.400 tấn sắn. Công suất nhà máy bình thường chỉ đạt 500 tấn/ngày, hiện tại nhà máy đang nâng công suất thu mua thu mua lên 800-1.000 tấn/ngày, nên dự kiến trong 3 ngày tới sẽ giải quyết hết số sắn tồn đồng còn lại của người dân trên ruộng.

“Nhà máy có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân 5 huyện, thị xã trên địa bàn với giá thu mua hợp lý và hỗ trợ 1 kg sắn 20 đồng cho các nông dân khi bán cho nhà máy”, ông Hạnh cho biết thêm.

Theo Sở NN&PTNT, trong những năm gần đây, cây sắn đã trở thành cây nguyên liệu có vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng của nhiều địa phương, đem lại thu nhập đáng kể cho nông dân. Đến nay, diện tích sắn toàn tỉnh khoảng 7.000 ha với các giống như KM94, Ba Trăng, trong đó có khoảng 6.000 ha sắn công nghiệp, hàng năm cung cấp khoảng 60- 80 ngàn tấn nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Người dân "thiệt đơn thiệt kép" khi chờ nhập sắn cho nhà máy

Bài, ảnh: Hà Nguyên- Hùng Dũng

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 12/3, HĐND huyện Phong Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 khóa VII, nhiệm kỳ (2021 - 2026) để xem xét, cho ý kiến về chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top