ClockThứ Năm, 26/12/2019 14:50

Tăng cường các giải pháp chống hạn hán, dịch bệnh:Biến khó khăn thành động lực phát triển

TTH.VN - Là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ tại hội nghị triển khai các giải pháp chống hạn, tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 và phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (TLCP) sáng 26/12. Tham dự còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và lãnh đạo các sở ngành, địa phương trong tỉnh.

Đông chưa qua, hạn đã tớiNông dân đối mặt với mùa vụ khóMở lối cho rau quả Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU

Nhiều nguy cơ

Năm 2019, lượng mưa trên toàn địa bàn thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Dự báo trong những tháng đầu năm 2020, hiện tượng ENSO (El Nino Sounthern Oscillation) ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và sẽ duy trì trạng thái này trong những tháng cuối năm 2020 với xác suất khoảng 60%-70%. 

 Chuyển đổi từ nuôi lợn sang chăn nuôi bò, gia cầm

Hiện, mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60-100% dung tích thiết kế, riêng hồ Phú Bài 2 đạt 30,5% dung tích thiết kế. Các hồ thủy điện cũng đạt mức thấp, hồ Tả Trạch 75,3%; Hương Điền 53,7%; Bình Điền đạt 20,5% dung tích thiết kế. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng thủy văn, khả năng trên địa bàn sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ đông xuân năm 2019-2020 và vụ hè thu năm 2020.

Số liệu từ ngành nông nghiệp, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 28.667 ha lúa và 3.591 ha rau các loại, trong đó, dự kiến sẽ có 2.192 ha bị thiếu nước và sẽ chuyển đổi 491 ha. Riêng vụ lúa hè thu năm 2020 sẽ có khoảng 3.000 ha không chủ động được nguồn nước ở vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng núi Nam Đông, A Lưới và các vùng cuối kênh.

Ngoài hạn hán, dịch TLCP, chuột, sâu bệnh bùng phát mạnh cũng đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất. Riêng dịch TLCP đã gây thiệt hại 73.743 con, ước tính kinh phí hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn tiêu hủy là hơn 132,967 tỷ đồng. Do không có vắc xin phòng dịch, ngành nông nghiệp khuyến khích người chăn nuôi, nếu chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học thì chuyển sang nuôi gia cầm và các loại vật nuôi khác để bù đắp một phần lượng thịt lợn bị giảm.

Tính đến nay, tổng đàn lợn có 137.830 con, số lượng đàn lợn giảm nhưng chất lượng đàn lợn tăng mạnh (đàn lợn nạc chiếm trên 94% tổng đàn). Đàn lợn nái vẫn giữ được khoảng 16.000 con, cơ bản đáp ứng được nhu cầu lợn giống cho các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học trong tỉnh. Tổng đàn gia cầm có khoảng 3.985 nghìn con, tăng 31,4%; riêng đàn gà tăng 47,2%, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường, không làm biến động, xáo trộn đời sống của người dân trong dịp cuối năm và tết cổ truyền sắp tới.

4 tại chỗ

 Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng lợn giống vẫn đảm bảo tái đàn

Trước tình hình trên, ông Hồ Sĩ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương phải bám theo chỉ đạo với phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ). Đối với vùng không chủ động được nguồn nước, các địa phương chủ động chuyển đối cơ cấu cây trồng hoặc bỏ hoang tránh gây thiệt hại cho Nhân dân; triển khai ra quân vớt bèo, rác trên sông, hói, kênh rạch khơi thông dòng chảy, vệ sinh đồng ruộng.

Đồng thời chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí triển khai nạo vét các hói, kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ sông, hói vào kênh mương nội đồng bị bồi lấp. Nhất là hệ thống hói 5 xã, 7 xã, thị xã Hương Trà; hói Bến Trâu, sông Nịu huyện Quảng Điền; kênh Xuân Lương Hồ, huyện Phú Vang và các hói nội đồng.

Tại hội nghị, các địa phương và sở ngành, đơn vị liên quan đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm phòng chống hạn, xâm ngập mặn cũng như thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch TLCP. Trong đó, kịch bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng, từng khu vực có khả năng thiếu nước, ra quân diệt chuột, bèo tây đã được chỉ ra. Đề xuất những giải pháp công trình như đầu tư nâng cấp các trạm bơm, nạo vét hồ chứa cũng được thực hiện.

Liên quan đến việc tái đàn và đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp tết, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, công tác tái đàn vẫn đảm bảo. Hiện các doanh nghiệp, trang trại lớn đã tăng tổng đàn lên 15%, số lượng con giống vẫn đạt 160.000 con.

Chi cục khuyến cáo người dân chăn nuôi an toàn sinh học mới tái đàn, đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, trang trại quy mô lớn, cách ly với môi trường xung quanh. Các địa phương, cơ quan báo chí truyền thông chú ý tuyên truyền khách quan, chính xác, không tạo tâm lý thiếu hàng, dẫn đến găm hàng, làm giá.

 Chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng chịu hạn

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đơn vị dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ rõ, nông nghiệp là ngành mang lại giá trị thu nhập thấp nhưng lại góp phần quan trọng đảm bảo an sinh, an ninh lương thực. Vì thế, mỗi ngành, địa phương phải chung sức cùng người dân đẩy lùi những thách thức khó khăn này, biến nó thành động lực để phát triển. Ví như trong công tác phòng dịch, cần tuyên truyền để người dân chuyển từ chăn nuôi tự phát không đảm bảo an toàn sang chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi quy mô lớn đảm bảo an toàn sinh học, đẩy lùi được dịch bệnh. Với những hộ chăn nuôi không an toàn nhưng tiếp tục tái đàn sẽ không thực hiện chính sách hỗ trợ.

Những khó khăn về thời tiết thiên tai sẽ là động lực để địa phương đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thay vì bám vào cây lúa cho thu nhập thấp, bấp bênh sẽ chuyển sang những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Các địa phương cần căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân để có giải pháp cụ thể, lâu dài không trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh với phương châm 4 tại chỗ. Thực hiện hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi dựa trên cơ chế hỗ trợ của Quyết định 32 (chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp).

Cùng với chống dịch bệnh, hạn hán các địa phương cũng tập trung cho 4 nhiệm vụ gồm ra quân diệt chuột, bèo tây, xử lý rơm rạ sau thu hoạch, khai thác thủy sản hủy diệt và công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Return to top