ClockThứ Ba, 06/09/2022 10:15

Tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản về việc tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, trong thời gian qua, ở địa phương, công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông tại nhà trường cơ bản đã được UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện, đồng thời, thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Ở Trung ương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện một số giải pháp để triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông và đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Phòng tư vấn tâm lý học đường được thành lập tại nhiều trường học; nhận thức của lãnh đạo, cán bộ giáo viên trong các nhà trường về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh ngày càng được nâng cao; đội ngũ giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về tư vấn tâm lý cho học sinh trong các nhà trường... Những kết quả bước đầu này đã góp phần phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với học sinh đang hoặc có nguy cơ gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội về sức khỏe tinh thần và tâm lý học đường chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu… Nhiều học sinh phổ thông đã gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, tự tử...

Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, để bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. 

Trong đó, tiếp tục quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, gia đình – nhà trường – xã hội về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh. Hoạt động truyền thông cần thực hiện thường xuyên, liên tục, có chiều sâu và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong triển khai phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp với những trường hợp học sinh có khó khăn về tâm lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể và hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, hình thức, nội dung tư vấn tâm đường; có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời về tư vấn tâm lý học đường; có đánh giá, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục về tư vấn tâm lý học đường.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường theo quy định; nghiên cứu cơ chế bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý theo diện hợp đồng lao động.

Các địa phương xem xét bố trí ngân sách, cơ sở vật chất cho dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý tại địa phương; triển khai giải pháp huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục cũng như hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh tại các tổ chức, đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Hàn Quốc sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển

Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), Hàn Quốc sẽ mở rộng các hoạt động của hội đồng hợp tác tài chính quốc tế của quốc gia này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc mở rộng ra nước ngoài của các doanh nghiệp địa phương, cũng như giúp phát triển lĩnh vực tài chính của các quốc gia khác.

Hàn Quốc sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”

TIN MỚI

Return to top