Thế giới

Tăng cường hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn

ClockThứ Sáu, 09/04/2021 10:07
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hòa bình chỉ bền vững khi những hậu quả của chiến tranh, xung đột được giải quyết, trong đó có hậu quả của bom mìn.

Việt Nam kêu gọi tăng nỗ lực thực hiện hiệp định hòa bình tại MaliViệt Nam tiến hành các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì phiên họp. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 8/4, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021, Việt Nam đã tổ chức Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an.

Phiên thảo luận mang chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” được tổ chức dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.

Phiên họp có sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, 9 bộ trưởng và thứ trưởng cùng Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cùng tham dự và phát biểu tại cuộc họp có Giám đốc Trung tâm Rà phá Bom mìn Nhân đạo Quốc tế Geneva (GICHD) Stefano Toscano, Đại sứ Thiện chí của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh, Quản lý Đội nữ rà phá mìn Quảng Trị thuộc Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) Nguyễn Thị Diệu Linh. Đại sứ Toàn cầu về Xóa bỏ nguy cơ từ mìn và vật nổ, nam diễn viên Daniel Craig gửi thông điệp ghi hình đến sự kiện.

Ngoài ra, cùng tham dự phiên họp còn có lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành và các địa phương của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; đại diện Đại sứ quán các nước thành viên Hội đồng Bảo an; các tổ chức Liên hợp quốc; tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức cuộc họp quan trọng này. Các đại biểu bày tỏ ủng hộ mục đích nhân đạo của việc hạn chế sử dụng bom mìn trên thế giới, nhấn mạnh hậu quả của bom mìn tại các khu vực xung đột và cả những khu vực đã trải qua xung đột, ủng hộ các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, ổn định tình hình, phục vụ tái thiết, phát triển kinh tế-xã hội.

Các nước đề cao hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn, đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường gắn kết, phối hợp trong hệ thống Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, để đóng góp nhiều hơn nữa cho các nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn của Liên hợp quốc và các quốc gia liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hòa bình chỉ bền vững khi những hậu quả của chiến tranh, xung đột được giải quyết, trong đó có hậu quả của bom mìn. Bộ trưởng cũng cho rằng vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ các bài học kinh nghiệm thành công của Việt Nam như sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Lãnh đạo các cấp, đầu tư tăng cường năng lực, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức phi chính phủ và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các chương trình, chính sách cần đặt người dân vào vị trí trung tâm. Hợp tác với các đối tác quốc tế cần được tăng cường, nhất là thông qua khắc phục hậu quả bom mìn để hàn gắn vết thương chiến tranh.

Trên bình diện quốc tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, các nước cần hợp tác tốt hơn nữa để đạt được những kết quả bền vững hơn trong khắc phục hậu quả bom mìn, thông qua cung cấp tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm cho những nước bị ảnh hưởng.

Liên hợp quốc và đặc biệt là Hội đồng Bảo an cần tăng cường các biện pháp để bảo đảm an toàn cho các cán bộ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, bảo vệ thường dân và thúc đẩy hòa bình bền vững.

Nhân dịp này, Hội đồng Bảo an đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất đề cập riêng đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn.

Văn kiện có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh mối liên hệ giữa khắc phục hậu quả bom mìn với duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, khẳng định cam kết của Hội đồng Bảo an, đề cao sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.

Tuyên bố cũng đề cập đến các nội dung mới quan trọng như tác động tiêu cực nhiều mặt của đại dịch COVID-19, khuyến khích tăng cường hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng, xem xét thành lập bộ phận chuyên trách về khắc phục hậu quả bom mìn trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và tính tới các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ, trẻ em trong triển khai các nhiệm vụ liên quan./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030
Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Return to top