ClockThứ Sáu, 28/07/2017 14:55

Tăng cường quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng

TTH - Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử với chủ đề “Quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh” tổ chức sáng 28/7.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì buổi đối thoại

Quy hoạch phải đi trước một bước

Theo định hướng, Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng đô thị theo hướng “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn, tu bổ những di sản văn hóa, kiến trúc có giá trị nổi bật của đô thị Huế cũng hết sức quan trọng. Vì vậy, thời gian qua, công tác lập, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm. Tỉnh đã phê duyệt nhiều quy hoạch (quy hoạch chung và chi tiết các khu đô thị và dân cư trên địa bàn tỉnh) và ban hành nhiều văn bản quản lý quy hoạch, xây dựng cũng như rà soát các quy hoạch để có sự điều chỉnh thích hợp; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhiều khu vực đô thị còn thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Tình trạng bất cập về trật tự xây dựng, các công trình xây dựng không phép, sai phép, vi phạm chỉ giới xây dựng, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật… vẫn xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, an toàn công trình và mỹ quan đô thị.

Trong gần 3 giờ đối thoại, hơn 40 câu hỏi của người dân liên quan đến những định hướng quy hoạch, công tác thực hiện quy hoạch; xử lý các quy hoạch treo cũng như công tác đảm bảo trật tự đô thị tại một số khu đô thị, khu dân dân cư được lãnh đạo tỉnh, sở, ngành trao đổi thẳng thắn, cởi mở.

Liên quan đến quy hoạch và giải pháp thực hiện quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, để đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị, UBND tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị theo đúng quy hoạch, kế hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Công tác quy hoạch đô thị phải bảo đảm chất lượng, tầm nhìn và đi trước một bước theo hướng đô thị bền vững như: đô thị xanh, đô thị sinh thái. Sau bước quy hoạch, chính quyền các cấp tiến hành lập kế hoạch đầu tư xây dựng trong từng thời điểm để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại các dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã được chấp thuận nhằm hình thành các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng.

Vấn đề điều chỉnh quy hoạch khu đô thị An Cựu City được người dân quan tâm

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong lĩnh vực này theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư để huy động xã hội hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị Huế, đô thị Thuận An, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Sịa, trục Quốc lộ 1A... Tranh thủ tối đa, quản lý tốt, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA đối với các dự án đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị trọng điểm. Đôn đốc hoàn thành xây dựng các công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông; hệ thống cấp nước; hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị.

Tăng cường đảm bảo trật tự đô thị

Tại buổi giao lưu trực tuyến, nhiều ý kiến xung quanh vấn đề quản lý đô thị, cấp giấy phép xây dựng và trật tự đô thị cũng được người dân trao đổi. Trong đó, vấn đề hoạt động của dự án Cải thiện môi trường nước (dự án) thi công chậm gây khó khăn cho người dân thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Vấn đề trên được Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, Võ Lê Nhật chia sẻ, dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư 24.008 triệu JPY (trong đó vốn vay: 20.883 triệu JPY), do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu thi công từ tháng 6/2016 triển khai đồng loạt trên 11 phường thuộc khu vực phía nam. Tuy nhiên, do móng đào quá sâu, thủ tục cấp phép của các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật kéo dài; năng lực thực tế của các nhà thầu không đạt theo hồ sơ trúng thầu nên tiến độ thi công vẫn chậm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, vệ sinh môi trường.

Theo kiểm tra, quá trình triển khai thi công, các nhà thầu chưa nghiêm túc thực hiện theo các quy định về việc triển khai công trình xây dựng. Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố đã giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì cùng Công an thành phố, các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề về an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng công trình lân cận... Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào tháng 8/2018.

Thi công dự án Cải thiện môi trường nước ảnh hưởng đời sống người dân

Trước một số câu hỏi về quản lý trật tự đô thị, ông Nguyễn Văn Phương cho biết: Các cơ quan quản lý, nhất là chính quyền địa phương, chưa chú trọng, thiếu tính chủ động trong xử lý vi phạm; ý thức người dân chưa cao là nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm liên quan đến lĩnh vực nói trên. Vì thế, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo để chấn chỉnh các tình trạng vi phạm trật tự đô thị. Theo đó, công tác đảm bảo trật tự xây dựng cơ bản có những chuyển biến. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra xử lý 355 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó 63 trường hợp xây dựng không phép, 172  trường hợp xây dựng sai phép, 51 trường hợp xây dựng lấn chiếm không gian, vỉa hè, 69  trường hợp xây dựng lều quán lấn chiếm vỉa hè với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1,1 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Phương cũng khẳng định: Những câu hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến thể hiện được sự quan tâm của người dân trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, trật tự đô thị. Qua đây, giúp UBND tỉnh nắm bắt những ý kiến của người dân, làm cơ sở điều chỉnh phù hợp trong công tác quản lý. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn, hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành đô thị thông minh, thân thiện.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top