ClockThứ Năm, 05/11/2020 06:15

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

TTH - Sau khi dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng công bố rộng rãi, đã có nhiều ý kiến góp ý của cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh. Đa số các ý kiến đều nhất trí cao với nội dung của dự thảo văn kiện.

Đổi mới hoạt động công đoàn, nâng cao đời sống người lao độngTạo điều kiện để phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho đất nước

Cán bộ, đảng viên Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh tham gia góp ý kiến dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Nội dung dự thảo các văn kiện được chuẩn bị chu đáo, công phu

Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết, trong số 156 lượt tham gia đóng góp ý kiến, tất cả các ý kiến tham gia thảo luận, góp ý đều xác định tốt tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên đối với Đảng. Các cán bộ, đảng viên đã đầu tư thời gian, trí tuệ, nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn để góp ý vào các dự thảo của Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Hầu hết, các ý kiến đều cơ bản nhất trí và cho rằng nội dung dự thảo các văn kiện được chuẩn bị chu đáo, công phu, nghiêm túc, cô đọng, súc tích, ngắn gọn và dễ hiểu; vừa có sự kế thừa của các nhiệm kỳ trước vừa có những bổ sung mới từ tổng hợp thực tiễn.

 Đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng, các ý kiến đều nhất trí với nhận định, đánh giá tổng quát, đó là: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Văn kiện đã nêu bật kết quả phát triển kinh tế-xã hội; công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc phòng. Đồng thời, đề cập đến thành tựu trong công tác xây dựng Đảng, nhất là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, làm trong sạch bộ máy của Đảng, tạo được lòng tin trong Nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội.

Về phần hạn chế, một số ý kiến đề nghị bổ sung nền kinh tế có chiều hướng phát triển tốt nhưng chưa vững chắc. Trên một số ngành, một số lĩnh vực, năng lực sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, chậm hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về giáo dục và đào tạo còn quá nhiều bất cập. Nhất là vấn nạn chạy theo thành tích, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Việc giải quyết đầu ra sau đào tạo còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hầu hết ý kiến nhất trí với nội dung trong dự thảo. Một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá của các thế lực thù địch”.

Đề nghị bổ sung thêm một số giải pháp

Về Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hầu hết ý kiến nhất trí cao với những nhận định, đánh giá và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Các ý kiến đều cho rằng, báo cáo đã đánh giá, nhận định đầy đủ và sát, đúng tình hình. 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và nổi bật như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Đối với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội: Về củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số giải pháp như: “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc”. Bởi vì trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các văn bản khác đều xác định giải pháp đó là đầu tiên để tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, nhưng trong Dự thảo Báo cáo chính trị lần này không đề cập, do vậy cần bổ sung để bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ giữa các văn kiện về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đóng góp vào Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, hầu hết ý kiến nhất trí với những nhận định, đánh giá trong dự thảo báo cáo. Một số ý kiến tham gia đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm khoảng 7%/năm, đề nghị điều chỉnh giảm xuống 6,5% - 7%/năm. Vì xuất phát từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước đều chịu sự tác động mạnh của dịch bệnh, xung đột cũng như sự cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt của các nước lớn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta…

Thanh Thảo (lược ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển

Ngày 9/11, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đại học Huế tổ chức hội thảo "Phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết (NQ) số 36-NQ/TW và định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”.

Đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển
Return to top