ClockThứ Ba, 10/05/2022 06:45

Tăng học phí, phải tránh gây “sốc” cho người học

TTH - Từ năm học 2022 - 2023, học phí đại học (ĐH) sẽ tăng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Với các trường mới tự chủ, sẽ có sự điều chỉnh theo hướng tăng cao hơn, nhưng cần tính đến điều kiện của người học, tránh gây “sốc”.

Học phí đại học tăng cao là theo lộ trìnhHọc phí đại học tăng dần đều

Các trường tự chủ sẽ tăng học phí cao hơn

Trường nào cũng tăng học phí

Theo đại diện ĐH Huế, từ năm 2022, học phí của các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được điều chỉnh theo Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Về mặt thực tế, học phí các trường sẽ tăng so với năm học cũ và tăng đều qua các năm.

TS. Trần Đăng Huy, Trưởng ban Kế hoạch, Tài chính và Cơ sở vật chất ĐH Huế cho biết, theo Nghị định 81, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên từ năm học 2022 - 2023 của các khối ngành khác nhau. Học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là 12,5 triệu đồng/năm; khối ngành nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm; khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm; khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là 13,5 triệu đồng/năm; khối ngành toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật: 14,5 triệu đồng/năm; khối ngành y dược là 24,5 triệu đồng/năm; các khối ngành sức khỏe khác là 18,5 triệu đồng/năm; khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường là 12 triệu đồng/năm.

“Nghị định 81 cũng quy định đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học”, đại diện ĐH Huế thông tin.

Học phí đào tạo ĐH tính theo tín chỉ, mô-đun thì mức thu học phí của một tín chỉ, mô-đun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa.

Theo đại diện ĐH Huế, năm nay, ĐH Huế có 4 đơn vị thực hiện lộ trình tự chủ. Trong đó, nhóm 1 (mức 1) có Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Luật tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Nhóm 2 có Trường ĐH Y - Dược, Trường ĐH Ngoại ngữ tự đảm bảo chi thường xuyên. Các đơn vị tự chủ sẽ được tự quyết mức học phí theo quy định của Nhà nước tại Nghị định 81.

PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật cho biết, dự kiến, mức học phí năm học mới sẽ không tăng quá 20% so với năm học trước. Trong khi đó, theo ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, học phí dự kiến năm học 2022 - 2023 là 320 nghìn đồng/tín chỉ, tăng 10% so với năm trước. Khung học phí mới áp dụng với khóa sinh viên mới. Mức tăng các năm tiếp theo cũng sẽ không quá cao, chỉ khoảng 10 -15%/năm.

Theo đại diện Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế, trước quy định tự chủ, mức học phí dự kiến có thể tăng 30 - 50% tùy ngành, dựa trên nhu cầu của xã hội. Học phí tăng đi kèm việc phải đầu tư chất lượng, từ đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ, học liệu. Mức học phí đề xuất lên nhưng còn phải được xem xét, phê duyệt.

Đại diện Ban Kế hoạch, Tài chính và Cơ sở vật chất ĐH Huế cho hay, riêng đối với các học phần, môn học chung: Chính trị, ngoại ngữ, quốc phòng, giáo dục thể chất… dự kiến, ĐH Huế sẽ ban hành mức học phí chung.

Tránh gây “sốc” cho người học

Tăng học phí là câu chuyện chung của các trường ĐH trên toàn quốc, nhất là các trường phải thực hiện lộ trình tự chủ. Những năm trước, mức học phí tăng đều qua từng năm đã được áp dụng theo Nghị định 86. Hiện nay, lo ngại lớn nhất là việc tăng học phí quá cao, ảnh hưởng đến người học, nhất là với đời sống của sinh viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có nhiều gia đình đang còn rất khó khăn. “Tăng học phí luôn là áp lực với sinh viên. Vẫn biết chuyện tăng học phí để đảm bảo, nâng cao chất lượng  của nhà trường, nhưng người học tụi em vẫn rất lo lắng”, Anh Thư, sinh viên một trường thuộc ĐH Huế chia sẻ.

Học phí gắn liền câu chuyện tuyển sinh. Trong điều kiện học phí quá cao, người học cũng phải cân nhắc, tính toán yếu tố học phí để đảm bảo điều kiện theo học suốt các năm tại giảng đường ĐH. Cũng vì vậy, tăng học phí phải tránh gây “sốc” cho người học.

Theo đại diện ĐH Huế, tăng học phí thực hiện theo đúng quy định. So sánh mức học phí, các trường ĐH tại Huế đang thấp hơn mặt bằng chung học phí các trường hai đầu đất nước. Tuy nhiên, yếu tố học phí phải được cân nhắc trên cả hai khía cạnh, dựa vào tình hình đời sống của các gia đình trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tình hình tuyển sinh. Bên cạnh đó, học phí tăng thì ĐH Huế và các trường cũng chú trọng hơn các nguồn học bổng, tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi để mọi sinh viên đều được đến trường.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top