ClockThứ Tư, 16/11/2016 14:52

Tăng sức hút cho bảo tàng

TTH - Dẫu đang lưu giữ hàng chục nghìn hiện vật quý nhưng các bảo tàng ở Thừa Thiên Huế vẫn chưa thu hút được đông đảo khách tham quan.

Chưa hấp dẫn

Với hàng chục nghìn hiện vật quý hiếm nhưng hệ thống bảo tàng ở Huế vẫn chưa phát huy hết giá trị. Hàng năm, mỗi bảo tàng, nhà trưng bày đón khoảng 100 – 120 nghìn lượt khách, con số khiêm tốn trong số hàng triệu lượt khách du lịch đến Huế. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, so với giá trị của các bảo tàng thì nguồn khách đến tham quan chưa tương xứng. Khách tham quan chủ yếu là học sinh, sinh viên. Đây là bài toán khó không chỉ của Thừa Thiên Huế mà còn của cả nước.

Xem trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Huế

“Các bảo tàng còn chậm đổi mới hiện vật trưng bày. Có những bộ sưu tập, hiện vật trưng bày đã quá lâu, trong khi có rất nhiều hiện vật quý lại… nằm trong kho. Các phương tiện trưng bày, quản lý, bảo vệ chưa tốt là những lý do khiến bảo tàng ngại đưa hiện vật quý ra trưng bày”. Ông Phan Tiến Dũng nói.

Việc chậm đổi mới trưng bày là do thiếu liên kết, thiếu kinh phí, thiếu sự nhạy bén, sáng tạo... Không có nơi để triển lãm lưu động, các bộ sưu tập hiện vật của các bảo tàng hầu như phải trưng bày cố định. Trong khi đó, một bảo tàng muốn hoạt động tốt phải kết hợp giữa trưng bày cố định với triển lãm giao lưu để những bộ sưu tập ở các nơi khác có thể mang tới trưng bày. Ngoài Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, thỉnh thoảng có thêm một số bảo tàng, nhà sưu tập đưa hiện vật đến triển lãm, các bảo tàng khác đang thiếu hoạt động này.

Theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, hoạt động của bảo tàng phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục là chính, chưa hướng đến phục vụ khách du lịch. Đội ngũ cán bộ bảo tàng chưa được đào tạo bài bản, chuyên môn nghiệp vụ chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của du khách. Bảo tàng chưa có những sản phẩm dịch vụ, du lịch để quảng bá cho đơn vị cũng như phục vụ cho du lịch. Những yếu tố đó làm giảm sự hấp dẫn, sức thu hút đối với du khách.

Công tác quảng bá để thu hút công chúng đến với bảo tàng cũng chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng nên người ta không biết bảo tàng có gì hay. Sự phối hợp, mối quan hệ hợp tác giữa bảo tàng với các đơn vị lữ hành chưa chặt chẽ. Ngoài Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, hầu như các tour du lịch rất ít đưa bảo tàng vào tour tuyến. Đây cũng là điểm yếu khiến bảo tàng vắng khách.

“Làm mới” bảo tàng

Huế đang hướng đến thành phố bảo tàng với việc xây dựng đề án trục không gian văn hóa nghệ thuật trên tuyến đường Lê Lợi, khu vực từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân. Để phát huy giá trị của các thiết chế văn hóa này, các bảo tàng phải luôn tự “làm mới”. Theo ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử, bên cạnh hệ thống trưng bày cố định, bảo tàng cần xây dựng nội dung trưng bày các chuyên đề, luân chuyển hiện vật trong bảo tàng để “làm mới” nội dung trưng bày. Do số hiện vật của mỗi bảo tàng có hạn, cần có sự hợp tác, liên kết giữa các bảo tàng để trao đổi hiện vật, tư liệu, kinh nghiệm tổ chức trưng bày các chuyên đề. Mỗi bảo tàng có một ưu thế riêng, sự phối hợp, liên kết này giúp người xem có một cái nhìn tổng quát, toàn diện về di sản, lịch sử Thừa Thiên Huế. Đồng thời, làm phong phú, đa dạng các hoạt động của bảo tàng; khắc phục được tình trạng hạn chế, đơn nhất về hiện vật của từng bảo tàng.

Học sinh tham quan Bảo tàng Văn hóa Huế

Ông Phan Tiến Dũng cho rằng, một người làm công tác bảo tàng cần có kiến thức về văn hóa - lịch sử, có sự sáng tạo về thẩm mỹ, biết định hướng, giới thiệu cho người xem nội dung trưng bày. Bảo tàng phải có hiện vật mới, độc đáo, quý hiếm mới thu hút được người xem, vì thế, thường xuyên biên tập, chọn lựa, hình thành các bộ sưu tập mới để đổi mới nội dung trưng bày, nhất là đưa ra trưng bày các sưu tập có giá trị. Có kế hoạch cụ thể để đầu tư trang bị các phương tiện cần thiết nhằm bảo quản, bảo vệ tốt hiện vật.

Thứ nữa, cần có cách nhìn vượt ra bên ngoài “biên giới” của bảo tàng. Hoạt động của bảo tàng ̀ cần chủ động đưa giá trị của các hiện vật, bộ sưu tập đến với cộng đồng. Để hiện vật kể được câu chuyện với người xem, phải làm cho hiện vật “sống” bằng cách nghiên cứu đời sống của chúng trước đây và bây giờ, từ đó đưa ra thông tin phong phú về nguồn gốc, chất liệu, cách sử dụng, giá trị lịch sử và văn hóa của hiện vật.

Một cán bộ bảo tàng cho rằng: “Trong công tác trưng bày, phải xác định bảo tàng muốn giới thiệu gì với công chúng. Để trưng bày trở nên sống động, có chiều sâu, phải đầu tư kỹ trong thiết kế nội dung câu chuyện qua việc dẫn chứng từ câu chuyện thật, ý kiến của các nhân chứng lịch sử, ảnh minh họa người thật, việc thật, cùng sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, cần có sự kết nối liên hoàn giữa các nội dung trưng bày để câu chuyện đưa ra không ngẫu hứng, tùy tiện”. Cũng không thể thiếu bàn tay của họa sĩ trong việc xây dựng maket trưng bày bắt mắt, thu hút sự chú ý của khách.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: Cần tăng cường giáo dục mỹ thuật, tình yêu với nghệ thuật từ trong trường học để định hình kiến thức cho học sinh như những người xem tiềm năng. Cùng với phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều phối hợp với các trường trên địa bàn tỉnh tổ chức cho học sinh đến tìm hiểu, học tập tại bảo tàng. Đây là cách giáo dục trực quan hiệu quả để giáo dục về văn hóa, lịch sử truyền thống cho học sinh.

Điều quan trọng nữa, các bảo tàng cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lữ hành nhằm tiếp thu các ý kiến đóng góp, nối kết thiết kế tour để tăng lượng khách đến; xuất bản các tài liệu, liên kết với các cơ quan thông tấn báo chí để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024

Từ mờ sáng 21/4, Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024 do Báo VnExpress phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức, được chính thức khởi tranh tại TP Huế thơ mộng.

Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024
Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải

Tuyến Quốc lộ (QL) 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hiện đang quá tải trước sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông. Áp lực này càng gia tăng hơn kể từ ngày 4/4 vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân luồng không cho xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc vào.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Return to top