ClockThứ Bảy, 09/04/2022 13:45

Tăng thực hành, thực tập cho sinh viên sau đại dịch

TTH - Sau thời gian dài học online ảnh hưởng đến quá trình thực tập, thực tế của sinh viên, các trường đại học (ĐH) đang triển khai nhiều hoạt động gắn kết doanh nghiệp, tạo môi trường cho sinh viên cọ xát với ngành nghề, môi trường công việc thực tế.

Học sinh, sinh viên các nước đang phát triển gánh chịu “vết sẹo đại dịch” sâu hơn gấp đôi

Sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học tham quan, trải nghiệm hoạt động trưng bày

Điều chỉnh ngay chương trình đào tạo

Sau khi các lớp học tập trung trở lại ổn định, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế nhanh chóng triển khai kế hoạch vừa học vừa thực hành, thực tập cuốn chiếu, bố trí lịch thực hành song song với học lý thuyết. TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm chia sẻ: “22 nhóm học phần thực hành của học kỳ 2 bị gác lại trong giai đoạn học online nay đã được triển khai. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch học kỳ trong doanh nghiệp cho sinh viên”.

Các đơn vị đào tạo thiên về kỹ thuật, công nghệ, du lịch… cũng nhanh chóng điều chỉnh chương trình đào tạo để thích ứng nhanh với bối cảnh bình thường mới. TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế cho biết, trong thời gian dịch bệnh, hoạt động thực hành của sinh viên được triển khai qua các bài mô phỏng. So với tiếp cận thực tế, chắc chắn thực hành qua mô phỏng kém hiệu quả hơn. Cũng vì vậy, khi các hoạt động mở lại ở trạng thái bình thường mới, khoa nhanh chóng điều chỉnh để sinh viên có cơ hội tiếp cận học kiến thức, văn hóa, môi trường doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động thực tiễn về sản xuất của doanh nghiệp. “Định hướng của chúng tôi là 40% thời gian cho sinh viên thực tập doanh nghiệp. Sắp tới toàn bộ sinh viên năm thứ hai sẽ được đưa đi thực tập tại doanh nghiệp”, TS. Lịch thông tin.

Sinh viên Trường đại học Phú Xuân tìm hiểu mô hình hoạt động của các khách sạn

Hiện nay, hầu hết các đơn vị đào tạo ĐH đã chuyển sang giảng dạy tập trung, vì thế, ngoài củng cố lại kiến thức thì một trong những thay đổi lớn được áp dụng là tăng cường các hoạt động thực hành, thực tế. Ngay với nhóm ngành đào tạo nghệ thuật, các hoạt động cho sinh viên trải nghiệm thực tế cũng đã được tổ chức và tăng thời lượng nhiều hơn. Đại diện Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế cho biết, mới đây, nhà trường còn tổ chức trại sáng tác mỹ thuật và di sản tại Đại Nội và một số địa điểm khác. Thông qua hoạt động này, sinh viên có thể có cơ hội để học hỏi, trải nghiệm và được các giảng viên hướng dẫn thực tế nhiều hơn.

Các trường ĐH tư thục cũng tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên thực hành, thực tế khi học tập trung. Theo đại diện Trường ĐH Phú Xuân, mới đây, nhà trường đã cho các sinh viên ngay từ năm thứ nhất ngành quản trị khách sạn được đi tìm hiểu về mô hình hoạt động của ngành khách sạn. Cán bộ các khách sạn trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn cho sinh viên hình dung về ngành khách sạn bao gồm những bộ phận, hoạt động gì và vai trò, cách thức vận hành của khách sạn, qua đó tạo cơ sở để sinh viên tiếp tục có những hoạt động thực tế, thực tập tiếp theo tốt hơn.

Hình thành tour trải nghiệm, học kỳ doanh nghiệp

Các lớp học tập trung cơ bản ổn định, các trường ĐH đang triển khai một loạt các giải pháp để phối hợp các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tạo cơ hội trải nghiệm và trau đổi kỹ năng, kinh nghiệm từ chính môi trường doanh nghiệp.

ThS. Trần Võ Văn May, giảng viên Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường ĐH Nông Lâm kể, mới đây đoàn cán bộ của khoa vừa vào làm việc cùng 6 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An để triển khai các đợt học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên, mỗi đợt kéo dài 3 - 6 tháng. Sinh viên sẽ được ở lại trải nghiệm, học tập tại các nhà máy, công ty và có sự hướng dẫn trực tiếp từ phía doanh nghiệp để hiểu hơn và làm quen về thực tế công việc. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tuyển dụng và đảm bảo đầu ra cho sinh viên.

Theo TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng Công tác sinh viên - Thư viện, Trường ĐH Kinh tế, dựa trên những ký kết hợp tác doanh nghiệp, dự kiến một vài tháng tới, nhà trường sẽ tái triển khai các tour trải nghiệm cho sinh viên đến trực tiếp doanh nghiệp. Trong chương trình này, sẽ bố trí để sinh viên tham gia quy trình vận hành, quản lý của nhiều doanh nghiệp và nghe doanh nghiệp chia sẻ cơ hội việc làm, kết hợp với các hoạt động kỹ năng dưới vai trò quản lý, tổ chức của nhà trường.

Hiện nay, các trường ĐH cũng mở rộng hơn phạm vi và mạng lưới kết nối doanh nghiệp trong cả nước, mở rộng các ký kết hợp tác để tăng cơ hội học tập tại doanh nghiệp nhiều hơn cho sinh viên. PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế cho biết, vừa qua và sắp tới, chúng tôi đã và sẽ có nhiều đợt đi làm việc, ký kết với các doanh nghiệp không chỉ trong phạm vi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên mà còn có nhiều doanh nghiệp ở các địa phương hai đầu đất nước. Từ hợp tác, sẽ tạo ra những môi trường đa dạng hơn để sinh viên học tập, thực tập tại doanh nghiệp, trải nghiệm ở nhiều vị trí công việc, cập nhật những kỹ năng mới thích ứng với bối cảnh dịch bệnh để tăng kỹ năng nghề nghiệp và nhiều kiến thức liên quan đến chuyên môn trước khi các em ra trường.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top