ClockThứ Ba, 12/10/2021 06:30

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài

TTH - Dịch COVID-19 là một nguyên nhân khách quan khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, địa phương cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt phối hợp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tếĐẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cựcQuy hoạch tốt - yếu tố cốt lõi để có nhà đầu tư tốtRà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư công

Khu đô thị mới An Vân Dương có một số hạng mục từ nguồn vốn ODA cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Tỷ lệ giải ngân thấp

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm của các địa phương là 63.709 tỷ đồng. 9 tháng qua, nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu đạt 11,51% dự toán; vốn cho địa phương vay lại đạt 7,78% dự toán. Đây là mức giải ngân rất thấp, tốc độ giải ngân rất chậm. Với tình hình này, Bộ Tài chính dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt khoảng 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.

Tại Thừa Thiên Huế, năm 2021 có 10 dự án ODA triển khai trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021 được giao gần 855 tỷ đồng, trong đó vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương gần 623 tỷ đồng, vốn vay lại 232 tỷ đồng. Khối lượng giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 của các dự án ODA đến cuối tháng 9/2021 là hơn 333 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện và đăng ký giải ngân vốn theo từng tháng, từng quý. Tuy nhiên 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên các nhà thầu ngoài tỉnh không tập trung được lực lượng nhân công, thiết bị để thi công theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, còn có việc chậm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định/thỏa thuận vay. Theo quy định hiện nay, chỉ khi hoàn thành việc điều chỉnh chủ trương đầu tư mới có thể điều chỉnh hiệp định vay (nếu có). Điều này dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn, do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp; giá cả vật liệu như thép, gạch, ngói tăng... đã tác động, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài, nhân công lao động khó khăn; thời gian xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ kéo dài; một số gói thầu khởi công mới đang tập trung thực hiện thủ tục tuyển tư vấn, lập thiết kế, dự toán và tổ chức đầu thầu; một số gói thầu phải điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của nhà tài trợ; công tác giải phóng mặt bằng chậm... Những vướng mắc trên đã làm cho tỷ lệ giải ngân vốn ODA của tỉnh thấp.

Tăng tốc

Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đề nghị thực hiện tổ chức giao ban về giải ngân đầu tư công 10 ngày 1 lần để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ. Yêu cầu các chủ đầu tư có kế hoạch giải ngân, cam kết đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thi công cụ thể từng dự án, đăng ký với UBND tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các dự án. Thường xuyên theo dõi thực hiện điều chuyển vốn các dự án ODA chậm thực hiện và giải ngân không đạt yêu cầu, điều chuyển sang cho các dự án cấp bách cần vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Tăng cường công tác quản lý, giám sát đầu tư; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi tiến độ giải ngân các dự án, kịp thời xử lý các vướng mắc, phát sinh.

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài 9 tháng đầu năm 2021 và thúc đẩy giải ngân cho những tháng còn lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà lưu ý: Vốn đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu chi đầu tư phát triển cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021. Đặc biệt, 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025, tiến độ thực hiện năm 2021 thấp sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 và các năm tiếp theo, tác động không nhỏ đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị, cần tập trung triển khai các công việc có khối lượng hoàn thành đã thực hiện kiểm soát chi theo đúng quy định để có căn cứ ký đơn rút vốn, không để tồn đọng khối lượng đã kiểm soát chi nhưng chưa thực hiện giải ngân như hiện nay, đặc biệt là không để dồn hồ sơ hoàn chứng từ chi tiêu tài khoản tạm ứng trong một giai đoạn dài mới tập hợp đề nghị giải ngân... Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có cơ chế đơn giản hóa, hoặc rút gọn quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với trường hợp được gia hạn thời gian thực hiện dự án, có cơ chế bố trí kế hoạch phù hợp với đặc thù giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021, tiếp tục rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh
Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công

Giao kế hoạch vốn sớm, song song hỗ trợ các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn ngay từ đầu năm đã tạo nên tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công, từ đây tạo thế và lực trong thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2024.

Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đầu năm

Đơn hàng tăng, tinh thần lao động hăng say trở lại ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là bức tranh chung tại các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hiện nay.

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đầu năm
Tăng tốc giải ngân vốn giao thông ngay từ đầu năm

Tổng kế hoạch vốn xây dựng giao thông Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao năm 2024 là 56.666 tỷ đồng, mặc dù thấp hơn năm 2023, nhưng để giải ngân hết đòi hỏi ngành phải quyết liệt ngay từ đầu năm.

Tăng tốc giải ngân vốn giao thông ngay từ đầu năm

TIN MỚI

Return to top