ClockChủ Nhật, 08/05/2022 09:15

Tăng trưởng bền vững cho ngành thép

Các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ đã và đang được triển khai gần đây, cùng sự biến động của thị trường thép thế giới đang tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp ngành thép trong năm 2022 khi nền kinh tế dần hồi phục sau đại dịch COVID-19. Từ đó, các doanh nghiệp thép có thêm nhiều cơ hội để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới.

Bắt đối tượng lừa bán sắt thép qua mạng giá rẻ'Loay hoay' bình ổn thị trường vật liệu xây dựngNăm 2021, chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% do biến động giá thép

Sản xuất thép cán tại Tập đoàn Hòa Phát

Tuy nhiên, để giữ được sự tăng trưởng bền vững, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành thép phải bảo đảm cân đối cung-cầu, nghiên cứu cải tiến công nghệ nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển vượt bậc

Thời gian qua, ngành thép Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về công suất sản xuất cũng như chủng loại sản phẩm. Năm 2000, tổng công suất phôi toàn ngành chỉ đạt khoảng 300 nghìn tấn, sản xuất thép thành phẩm chỉ đạt 2,4 triệu tấn, nhưng đến năm 2015, công suất phôi đạt hơn 12 triệu tấn, tăng hơn 40 lần so với năm 2000; thép thành phẩm các loại đạt hơn 26 triệu tấn, tăng hơn 10 lần.

Thời kỳ này, ngành thép Việt Nam như được thay da đổi thịt, xuất hiện nhiều dự án đầu tư theo chiều sâu, liên doanh với đối tác nước ngoài và thu hút được sự quan tâm từ các ngành trọng điểm khác của nền kinh tế như: cơ khí, xây dựng, quốc phòng,... Theo đó, khi nhu cầu về thép tăng cao, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư theo chiều sâu các dự án nhằm đáp ứng cao nhất cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Tăng trưởng ngành thép Việt Nam những năm gần đây đều ở mức hai con số với tổng sản phẩm đã đạt khoảng 30 triệu tấn vào năm 2021. Sản lượng phôi thép cũng liên tục tăng từ 4,3 triệu tấn vào năm 2010 lên khoảng 22 triệu tấn vào năm 2021. Bên cạnh sản lượng, sự đa dạng trong chủng loại sản phẩm cũng giúp ngành thép Việt Nam bổ sung đủ loại sản phẩm mà hiện nay vẫn đang còn thiếu. Các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam rất “chịu chi” khi liên tiếp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng và phát triển các sản phẩm thép có chất lượng, không chỉ được trong nước và thế giới ưa chuộng mà còn giúp Việt Nam tự chủ hơn trong các sản phẩm thép, thay thế hàng nhập khẩu.

Một số dự án sản xuất thép có quy mô lớn, thiết bị hiện đại đã được hình thành và đưa vào hoạt động. Nhờ đó, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ngành thép Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển rất mạnh trong khu vực, đến nay đã vươn lên đứng thứ 14 thế giới. Đây là bước tiến rất lớn đối với thép Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp thép thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long nhận định, những năm 2000, ngành thép Việt Nam còn rất non trẻ, công nghệ lạc hậu, nhỏ lẻ, phân tán nhưng đến nay đã có bước tiến rất dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ tương đương tầm cỡ thế giới. Các doanh nghiệp đã tự chủ sản xuất được thép cuộn cán nóng, thép chuyên dụng chất lượng cao, thép rút dây, thép lõi que hàn, thép dự ứng lực,... thay thế hàng nhập khẩu. Điều này cho thấy, tính ưu việt của công nghệ, hệ thống dây chuyền thiết bị của doanh nghiệp thép trong nước, giúp tối ưu hóa giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực

Theo báo cáo mới đây từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong quý I/2022, thép thành phẩm từ các doanh nghiệp thành viên đạt 8,456 triệu tấn, tiêu thụ đạt 8,137 triệu tấn, so với năm 2021 tăng lần lượt 3,2% và 11,9%. Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,275 triệu tấn thép, giảm 22,15% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,53%, tập trung vào thị trường ASEAN, EU, Mỹ, Hàn Quốc,... Đặc biệt, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, năm 2021, Việt Nam vẫn xuất khẩu được hơn 14 triệu tấn thép, thu về hơn 12,7 tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Sản phẩm thép của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới. Điều này đã giúp ngành thép Việt Nam lần đầu vượt mốc kỷ lục về xuất khẩu và gia nhập tốp các nước xuất khẩu thép đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép đều xác định đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để không ngừng đổi mới công nghệ, giảm chi phí và giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hậu Covid-19. Với rất nhiều thách thức mà ngành thép đang phải đối diện như vấn đề thừa cung, phòng vệ thương mại gia tăng, áp lực về biến động giá nguyên liệu, các chính sách về thuế, sức cạnh tranh,... đòi hỏi ngành thép Việt Nam, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những biện pháp chấn chỉnh mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết những bài toán khó của ngành, đưa ngành thép phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Trong đó, việc tăng chất lượng thép Việt Nam tiệm cận với thế giới đang là một trong những cách giúp ngành thép phát triển bền vững trong tương lai trước những biến động khó lường của thị trường. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải đầu tư thiết bị máy móc hiện đại hóa cao, đa dạng hóa sản phẩm, đi sâu vào sản phẩm chất lượng, công nghệ cao, tiết giảm tiêu thụ năng lượng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Khi đã chuẩn hóa được nguyên liệu đầu vào, công nghệ thì chắc chắn sản phẩm sẽ tốt hơn, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường trên thế giới.

Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa cho rằng, hiện ngành thép Việt Nam đang từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại hóa để cải thiện sức cạnh tranh. Tuy nhiên, để bảo đảm phát triển bền vững của ngành thép, VSA khuyến nghị Nhà nước có các chính sách nhất quán để khuyến khích đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ sản xuất thép trong nước ổn định, lâu dài.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp thép trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, với việc huy động nguồn lực phát triển hạ tầng, sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn, giúp các doanh nghiệp ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng tích cực. Về phía các doanh nghiệp, cần tiếp tục bám sát thị trường, thể hiện tốt năng lực cạnh tranh thông qua cơ cấu lại sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm phát triển lâu dài, hiệu quả và bền vững dựa trên yếu tố cải tiến, đổi mới công nghệ, bảo đảm cân đối cung-cầu, thích ứng linh hoạt với những biến động trên thị trường trong thời gian tới.

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

TIN MỚI

Return to top