ClockThứ Năm, 05/07/2012 03:23

Tăng trưởng xuất khẩu...

TTH - Trong 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Thừa Thiên Huế ước khoảng 213,6 triệu USD, đạt trên 53,4% kế hoạch năm và tăng trên 27% so cùng kỳ năm trước. Đặt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, khi lượng hàng hóa tồn kho tăng cao, hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản và đình trệ sản xuất kinh doanh… mới thấy mức tăng trưởng nói trên là quan trọng. Đây cũng là lĩnh vực có tốc độ phát triển khả quan nhất của tỉnh trong điều kiện hiện nay.

Theo số liệu của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) các nhóm hàng tăng khá gồm: hàng dệt may đạt 158,5 triệu USD, tăng 23% so cùng kỳ năm trước; dăm gỗ đạt 26 triệu USD, tăng 7,3%; vật liệu khoáng sản 14,4 triệu USD, tăng 2,62 lần; thủy sản đạt 7,5 triệu USD, tăng 73,9%... Với kết quả này, có thể xem việc hoàn thành chỉ tiêu về giá trị KNXK 400 triệu USD năm nay là trong tầm tay. Từ đó có thể dự ước, khả năng giá trị KNXK năm 2012 của tỉnh sẽ được thực hiện ở mức trên dưới 450 triệu USD, đạt trên 110% kế hoạch năm.

Thị trường xuất khẩu của tỉnh cũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ đều tăng. Trong đó thị trường châu Mỹ ước đạt 108,2 triệu USD, chiếm 41,6% tổng giá trị KNXK, tăng 21,6% so cùng kỳ; thị trường châu Á tăng 32%; thị trường châu Âu cũng tăng 28,6%...
 
Qua theo dõi, hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng xuất nhập khẩu của tỉnh dần ổn định, phát triển và có mức tăng trưởng khá từ 3 năm trở lại đây. Mức tăng trưởng bình quân của hàng năm khoảng 60%. Riêng năm 2011, giá trị KNXK đạt 380,3 triệu USD; đạt bình quân 341,7 USD/người. Gần bằng mức chỉ tiêu phấn đấu của Chính phủ giao cho các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.  
 
Các nhóm hàng chính đã định hình sản phẩm và thị trường bao gồm: dệt may, dăm gỗ, thủ công mỹ nghệ, thủy sản, khoáng sản, đồ uống… Trong đó, sản phẩm dệt may và sợi chiếm tỷ trọng 75% trong tổng giá trị KNXK của tỉnh. Không còn tình trạng kinh doanh xuất khẩu theo kiểu ký kết hợp đồng rồi thu mua, gom hàng để xuất như trước đây mà các DN đã hình thành theo chuỗi tổ chức sản xuất, chế biến gắn với xuất khẩu theo hợp đồng cho các thị trường và khách hàng truyền thống.

Theo hướng đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành hệ thống các cơ sở sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu có qui mô, thu hút hàng ngàn lao động. Đó là hàng loạt nhà máy dệt may của các tập đoàn kinh tế có uy tín trong nước và quốc tế; nhiều cơ sở thu mua, chế biến dăm gỗ; các cơ sở sản xuất hàng mộc và mỹ nghệ cùng các cơ sở chế biến hàng thủy sản, khoáng sản xuất khẩu… Đó không chỉ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, mà còn là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất khẩu của tỉnh. 

Hoàng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top