ClockThứ Năm, 18/12/2014 14:26

Tạo điều kiện bảo tồn & phát huy giá trị di tích

TTH - Khai thác không hiệu quả, Công ty Du lịch Hương Giang chuyển giao Khu di tích lịch sử cách mạng Chín Hầm và sắp tới là Trung tâm Văn hóa Huyền Trân cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Điều khiến dư luận quan tâm là làm sao để khai thác, sử dụng hiệu quả những địa chỉ văn hóa vốn là niềm tự hào của người dân Huế.

Chuyển giao vì lỗ

Khi được Công ty Du lịch Hương Giang đưa vào sử dụng, Khu di tích lịch sử cách mạng Chín Hầm cùng với Trung tâm Văn hóa Huyền Trân hứa hẹn trở thành những địa chỉ đỏ thu hút du khách thập phương. Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác, Khu di tích lịch sử cách mạng Chín Hầm được Công ty Hương Giang chuyển giao cho Sở VHTT&DL và sắp tới là Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Hương Giang cho biết: “Bây giờ công ty đã cổ phần hóa, đang từng bước thoái vốn Nhà nước. Doanh nghiệp đầu tư để sinh lợi nhưng Nhà nước lại muốn Trung tâm Văn hóa Huyền Trân và Chín Hầm trở thành một trung tâm văn hóa. Điều đó không sinh lời được. Nếu nhà nước không khấu hao (1 năm phải trên 3 tỷ đồng) thì không thể nuôi nó được. Nếu giữ là “chết” vì phải khấu hao, làm không đủ chi thì lỗ. Giữ nó, phải bù lỗ, sẽ làm giảm lãi của công ty. Đây là điều nhà đầu tư không muốn”.

Du khách vãn cảnh Trung tâm Văn hóa Huyền Trân

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc khai thác chưa hiệu quả Chín Hầm và Huyền Trân là do hình thức tổ chức và mô hình chưa hợp lý, không liên kết được với các cơ quan văn hóa, các đơn vị lữ hành. Trong thời đại hiện nay, không có maketing, không có tuyên truyền, quảng bá, nối kết thì không thể “hữu xạ tự nhiên hương”. Thêm vào đó, Hương Giang là công ty chuyên về kinh doanh lữ hành và khách sạn, chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức các hoạt động, sự kiện về di tích lịch sử văn hóa. Khai thác không hiệu quả, những công trình này bị xuống cấp nhưng không được tu bổ.

Làm mới “thương hiệu”

Năm 2013, UBND tỉnh quyết định giao khu di tích Chín Hầm cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng thuộc Sở VH-TT&DL quản lý. Ông Dũng cho rằng, di tích được xếp hạng do cơ quan chuyên môn quản lý sẽ có điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị cũng như phát huy những lợi thế trong việc giáo dục truyền thống cách mạng và đưa vào tham quan thuận lợi.

Tiếp quản cơ sở này, Sở VH-TT&DL cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về nhân sự và kinh phí. Khi tiếp nhận Chín Hầm, ngành văn hóa chưa được tăng thêm số lượng cán bộ, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng phải “chắp” từ bộ phận này qua bộ phận khác. Muốn phát huy giá trị thì di tích phải được đầu tư. Nhưng nguồn ngân sách để đầu tư lại chưa có trong khi di tích đã xuống cấp.

Ông Phan Tiến Dũng cho biết: “Sau khi tiếp quản Chín Hầm, Sở VH-TT&DL đã có kế hoạch phát huy hiệu quả khu di tích này. Vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Di sản Văn hóa, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng lập dự án để bảo tồn và phát huy di tích. Trước hết, phải lập hồ sơ để chuyển tải thành các thông tin phục vụ cho nghiên cứu khoa học và du khách. Trước mắt sẽ tu bổ cấp thiết một số hạng mục bị hỏng để phục vụ khách tham quan. Về lâu dài, tùy vào kinh phí, sẽ lựa chọn trong từng giai đoạn cụ thể để tập trung tu bổ di tích. Kể cả Trung tâm Văn hóa Huyền Trân cũng vậy, muốn phát huy hiệu quả, phải làm lại và thiết kế để hoàn thiện sản phẩm, làm mới cho thương hiệu mới thu hút khách”.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng cho biết thêm: “So với các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh, Chín Hầm là điểm sáng gây dấu ấn với du khách trong và ngoài nước. Từ khi tiếp nhận đến giờ, chúng tôi đã cố gắng để duy trì thường xuyên việc đón khách ở Chín Hầm. Hiện nay, công tác quản lý, tổ chức, bảo vệ di tích đã đi vào nề nếp. Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng đã biên tập lại nội dung giới thiệu, chuyển ngữ sang tiếng Anh và cắm biển giới thiệu ở vị trí trước mỗi căn hầm, tạo điều kiện để du khách hiểu rõ hơn về di tích”.

Tiếp quản các địa chỉ văn hóa này, ông Phan Tiến Dũng lạc quan: “Tôi tin chắc rằng, khi giao cho Sở VHTT&DL và có sự đầu tư thì sẽ phát huy hiệu quả của các cơ sở này trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Nếu có chiến lược phát triển đúng đắn, mô hình thích hợp và đồng thời tạo ra được sự tham gia tích cực của xã hội, có sự liên kết của các công ty lữ hành thì về lâu dài những địa chỉ này sẽ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, điểm đến du lịch hấp dẫn. Mới đây, trong hội nghị với các hãng lữ hành, sở cũng đã giới thiệu điểm đến Chín Hầm để các đơn vị sắp xếp đưa vào tour tuyến tham quan”.

Hiện nay, Sở VHTT&DL đang chờ ý kiến của UBND tỉnh, nếu bàn giao Trung tâm Văn hóa Huyền Trân về cho sở thì sẽ lập các kế hoạch tổ chức. Trước mắt, nếu kịp thì đầu năm 2015 sẽ tổ chức một số chương trình về lễ hội, các hoạt động văn hóa, làng nghề phục vụ khách tham quan và từng bước thẩm định lại một số công trình để tiến hành tu bổ cấp thiết cho cơ sở này.

Bài, ảnh: Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Return to top