ClockThứ Ba, 27/08/2013 05:21

Tạo động lực cho phát triển đô thị - Bài 2: Động lực lên thành phố

TTH - Đã và đang có nhiều dự án giao thông lớn được triển khai. Những tuyến đường này sẽ tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa đô thị hạt nhân thành phố Huế với các đô thị động lực, đô thị vệ tinh trong tương lai, làm động lực cho cả tỉnh lên thành phố.

Nỗ lực từ địa phương

Đường về Thuận An đang được mở rộng

Cùng với QL49A Huế-Thuận An, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến Thủy Dương-Thuận An dài hơn 9km. Đây là tuyến đường được xây dựng với quy mô lớn, có tổng mức đầu tư hơn 285 tỷ đồng. Đến nay, đoạn từ cầu vượt Thủy Dương đến TL10 dài gần 5km, rộng 44 m đã hoàn thành và đang chuẩn bị triển khai đoạn còn lại. Đường Thủy Dương - Thuận An có nhiệm vụ đảm bảo chức năng tuyến vành đai thành phố, phục vụ giao thông vận tải, phát triển quỹ đất và cơ sở hạ tầng, mở rộng và phát triển đô thị về phía đông nam thành phố Huế. Đường Thủy Dương - Thuận An còn nối thành phố Huế, thị xã Hương Thủy với đô thị Thuận An; hỗ trợ cho QL49A Huế - Thuận An lâu nay quá tải; đồng thời, thúc đẩy Thuận An trở thành đô thị động lực, theo KL48 của Bộ Chính trị, xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng với đường Thủy Dương - Thuận An, đường Thủy Phù - Vinh Thanh dài hơn 14km, tổng mức đầu tư hơn 155 tỷ đồng đang được xây dựng, với nền đường được mở rộng từ 7m lên thành 12m; mặt đường được thảm 2 lớp bê tông nhựa. Ngoài mục tiêu phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn... đường Thủy Phù - Vinh Thanh sẽ làm tiền đề để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho nhân dân khu vực đầm phá, ven biển và là động lực để phát triển đô thị Vinh Thanh, Phú Đa…
 
Ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Tỉnh đang tìm nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông kết nối. Riêng đường Nguyễn Chí Thanh Huế - Sịa đã có dự án sẽ được mở rộng ra 12m. Nếu có vốn, đường Nguyễn Chí Thanh Quảng Điền sẽ được triển khai sớm, bởi rất thuận lợi về mặt bằng. Chúng ta đã thực hiện đền bù giải tỏa từ năm trước. Một số tuyến đường khác như đường La Sơn-Nam Đông; đường 16 nối Hương Trà-Bình Điền, cửa ngõ phía bắc TP Huế đang được triển khai thực hiện các giai đoạn tiếp theo”.
 
<< Thông tin liên quan:
Tạo động lực cho phát triển đô thị - Bài 1: Kết nối nhưng chưa hoàn chỉnh
 
 
Kết nối qua hệ thống quốc lộ
 
Quốc lộ 49 qua Thừa Thiên Huế hiện có 4 đô thị chính nằm trên trục là Thuận An, Huế, Bình Điền, A Lưới. Hiện tại, đoạn từ thành phố Huế đi A Lưới, dài hơn 71km đang được Bộ GTVT đầu tư nâng cấp, với tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng. Đoạn qua thành phố Huế sẽ được mở rộng 26m; đoạn qua Bình Điền được mở rộng 27m; các đoạn còn lại được mở rộng 12m. Bộ GTVT đồng ý ưu tiên triển khai thi công sớm đoạn từ TP Huế đến cầu Tuần nhằm góp phần tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Tuyến QL1A qua TP Huế, nơi kết nối các đô thị Phong Điền, Hương Trà, Huế, Hương Thủy, Phú Lộc, Lăng Cô và nhiều khu đô thị khác cũng đang được mở rộng với quy mô hiện đại hơn. Ngày 19-5 vừa qua, đoạn từ giáp ranh với Quảng Trị đến ngã 3 La Sơn, dài hơn 30km được khởi công. Đoạn ngoài đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 20,5m, bao gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, với vận tốc thiết kế từ 60km/h đến 80km/h. Đoạn qua đô thị theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, nền rộng từ 21,5 đến 25,5m với vận tốc 60km/h. Cụ thể, đoạn qua thị trấn Phong Điền nền rộng 25,5m; đoạn qua Bệnh viện đa khoa Thừa Thiên Huế (Phong An) nền rộng 23,5m; đoạn qua thị xã Hương Trà nền rộng 21,5m; các đoạn còn lại ngoài đô thị được mở rộng 20,5m... Dự án còn triển khai xây dựng mới 8 cây cầu; trong đó, có cầu vượt chắn đường sắt Đồng Lâm (Phong Điền) được xây dựng với bề rộng 20,5m; các cầu còn lại là Phò Trạch, Thượng An Trong, Thượng An Ngoài, An Lỗ, Phú Bài, An Nong, La Sơn được xây mới với bề rộng từ 10,5m đến 13m. Các cầu cũ vẫn giữ nguyên hoạt động song song với cầu mới, khi có điều kiện sẽ được phá bỏ để xây mới, đảm bảo quy mô cấp đường, tần suất. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, theo hình thức BOT và sẽ hoàn thành vào năm 2015.
 
Cùng với nhiều tuyến đường tỉnh được đầu tư xây dựng trong những năm qua, hệ thống quốc lộ trên địa bàn được đầu tư mở rộng nâng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; đồng thời, tạo sự kết nối giữa đô thị Huế với các đô thị trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Bài, ảnh: Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

TIN MỚI

Return to top