ClockThứ Năm, 27/02/2014 06:03

Tạo đột phá từ Khu công nghiệp Phú Đa

TTH - Năm 2004, Phú Đa được chọn làm trung tâm huyện lỵ Phú Vang và sau đó, ngày 19/8/2011, trở thành thị trấn Phú Đa. Xen giữa 2 cột mốc đó là vào tháng 7 năm 2009, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu công nghiệp (KCN) Phú Đa. Đó được xem là niềm hy vọng mang tính đổi đời của vùng đất này   

Khi Phú Đa có quyết định chuyển thành trung tâm huyện lỵ của Phú Vang, tôi nhớ là mình vội về thăm. Gặp anh Phan Văn Quang, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, lúc đó còn là Chủ tịch UBND huyện, nghe anh chuyện trò tâm sự, vừa thấy mừng nhưng cũng vừa thấy lo. Mừng là điều thấy rõ khi đây là “cơ hội vàng” cho vùng đất nhưng lo thì cũng thật nhiều. So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, với Phú Đa mọi cái hình như đều là sự khởi đầu. Cái thế trung tâm của huyện đặt ra bài tính mới cho Phú Vang nói chung và Phú Đa nói riêng. Đầu tiên là mục tiêu khoả lấp những cách biệt quá lớn với đơn vị bạn cùng cấp. Một vấn đề không dễ khi mà dân cư thưa thớt, lại còn chân quê lắm, ngành nghề chưa có điều kiện phát triển.

Không lâu nữa, Nhà máy may Thiên An Phú sẽ mọc lên tại KCN Phú Đa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Ảnh: Thanh Hương

Trong lúc chuyện an cư và phát triển đặt ra như một nhu cầu bức thiết thì KCN Phú Đa ra đời. Với quy mô 250 ha, Phú Đa được xem là một trong những KCN có quy mô lớn nhất ở Thừa Thiên Huế. Tính ra, trong danh sách 22 KCN và cụm CN-TTCN cho đến thời điểm hiện nay, KCN Phú Đa đứng thứ tư về độ lớn, chỉ sau các KCN Phú Bài, KCN Phú Bài mở rộng và KCN La Sơn, tương đương với KCN Tứ Hạ. KCN Phú Đa còn có những thuận lợi rất căn bản. Chẳng hạn về vị trí, KCN này chỉ cách Quốc lộ 1A và sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 6 cây số, cách ga đường sắt Hương Thủy 10 cây số, nằm cạnh Tỉnh lộ 10A và 10C, cách cảng Chân Mây 35 cây số và cảng Thuận An chỉ 10 cây số. Ở một địa phương như Thừa Thiên Huế thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, KCN Phú Đa lại có khả năng “miễn dịch” lớn bởi vị trí đất cao, có cốt bình quân là 4,5 m; có điều kiện thuận lợi để mở rộng quỹ đất. KCN Phú Đa thuộc địa bàn huyện Phú Vang có hệ thống đầm phá với diện tích trên 6.800 ha mặt nước, là tiềm năng lớn để nuôi trồng thuỷ hải sản. Đó chính là lợi thế để KCN Phú Đa được định hướng là KCN tổng hợp, đa ngành, bao gồm: gia công sửa chữa cơ khí phục vụ nông - ngư nghiệp và dân dụng, chế biến khoáng sản; chế biến thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản, hải sản và chăn nuôi gia súc gia cầm; may mặc, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp điện tử và sản phẩm gia dụng; công nghiệp gia công, in ấn bao bì, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, chế biến cát, nông lâm sản...

Một KCN giàu tiềm năng và sức phát triển, thế nhưng những gì mà Phú Đa có được trong hơn 5 năm thật là điều đáng để suy nghĩ. Mãi đến 2 năm sau khi thành lập, KCN mới khánh thành, đưa vào sử dụng dự án nhà máy sản xuất gạch bê-tông siêu nhẹ của Công ty TNHH Trường An với tổng kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng, công suất 40.000 mét khối/ năm. Mới đây nhất, ngày 5-8-2013, Công ty TNHH Giống cây trồng Liên Việt tổ chức lễ khai trương Nhà máy sản xuất, chế biến hạt giống cây trồng nông nghiệp tại KCN Phú Đa. Sau một năm thi công xây dựng và lắp đặt các thiết bị, hạng mục công trình của giai đoạn 1, đến nay nhà máy sản xuất, chế biến hạt giống cây trồng nông nghiệp thuộc Công ty TNHH Liên Việt chính thức đi vào hoạt động, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8 tỷ đồng. Quy mô nhà máy bao gồm hệ thống máy sấy, chế biến, phân loại, tuyển chọn các loại giống lúa, ngô, lạc, rau màu... với công suất lò sấy 25 tấn/ngày, chế biến 3 tấn/giờ và kho chứa với khối lượng khoảng 2.000 tấn. Đó là dấu hiệu vui nhưng đáng tiếc, nó còn tỏ ra quá khiêm tốn so với tiềm năng của KCN nằm ở vùng ven đầm phá này. Cái khó nằm ở chỗ thiếu sự quyết tâm cần thiết và thiếu một nhà đầu tư hạ tầng.

Mọi chuyện có vẻ đang khác đi vào những cuối năm 2013 khi xuất hiện thông tin việc triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy may công nghiệp tại KCN Phú Đa của Công ty cổ phần dệt may Thiên An Phú. Mới đây, gặp ông Hồ Văn Diện, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế (HUEGATEX) đã nghe “khoe” về dự án này. Theo tiết lộ của ông Diện, dự án có tổng vốn đầu tư huy động lên tới 80 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn, trong đó tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 dự kiến nếu không có gì trở ngại sẽ lên tới 50 tỷ đồng. Điều rất đáng mừng là có rất nhiều người muốn và xin được góp vốn vào dự án này. Giai đoạn 1 dự kiến vào giữa năm 2014 sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa hoạt động 8 phân xưởng thu hút khoảng 800 công nhân. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục với 50% công việc còn lại. Việc xây dựng được khép kín, bao gồm nhà xưởng, căng tin… Khi chúng tôi viết bài báo này, được biết mọi thủ tục liên quan đến giấy tờ đã cơ bản xong. Nhà đầu tư cũng gần như ngay lập tức tổ chức phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện và các địa phương tổ chức tuyển chọn vào đào tạo nghề cho số lao động đạt tiêu chuẩn để có thể đáp ứng được ngay khi dự án đi vào hoạt động. Theo tính toán chung thì số lao động được nhắm tới trở thành công nhân may chủ yếu là các địa phương ở huyện Phú Vang và một phần của huyện Phú Lộc. 

Cùng lúc với việc triển khai dự án nhà máy may của Công ty cổ phần Dệt may Thiên An Phú, UBND huyện Phú Vang cũng đã có nhiều động thái tích cực nhằm khơi dậy tiềm năng của KCN Phú Đa lâu nay được xem như bị “bỏ quên”. Huyện đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết hạ tầng KCN Phú Đa. Việc đầu tư hạ tầng bên ngoài KCN như giao thông, điện, nước, hệ thống thoát nước, cây xanh… Còn nhớ, có dịp trao đổi với một đồng chí lãnh đạo huyện Phú Vang cách nay đã mấy năm, tôi được biết một trong những nguyên nhân khiến cho sản xuất công nghiệp nói chung và hoạt động của KCN Phú Đa nói riêng gặp khó khăn là do hạ tầng trên địa bàn chưa đảm bảo. Cầu Phú Thứ qua sông Đại Giang là một ví dụ. Được xây dựng cách nay đã hàng chục năm dưới thời bao cấp, do khả năng và với mục tiêu đặt ra là đáp ứng nhu cầu thông thương, đi lại, nên cầu Phú Thứ có tải trọng chỉ dưới 10 tấn. Được biết, tải trọng trung bình của một xe công- ten-nơ hiện nay đã là 18-20 tấn. Khắc phục khó khăn này, nhà máy may hoạt động sẽ thực hiện hình thực tăng- bo hàng qua cầu Phú Thứ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tình thế. Lâu dài, gắn với sự phát triển nhanh và bền vững, Phú Vang cần có một chiếc cầu hiện đại và đi kèm theo là sự phát triển tương thích của hệ thống đường sá. Nếu không các yếu tố thuận lợi, như gần sân bay, gần Quốc lộ 1A, gần bến cảng… đều trở nên vô nghĩa.

Tôi đã nghĩ nhiều đến con số chừng 1.600 lao động ngành may sẽ làm việc ở KCN Phú Đa trong nay mai. Nó rất lớn đối với điều kiện dân cư còn khá thưa thớt như hiện nay ở Phú Đa. Khi mà hoạt động và sinh hoạt của họ không thể chỉ gắn liền với 4 bức tường rào của nhà máy thì đó được xem là cơ hội cho các loại dịch vụ phát triển, kể cả dịch vụ về nhà ở. Rồi nữa là các yêu cầu về trường học, cơ sở y tế, thiết chế văn hóa…cũng sẽ được hình thành theo sự gia tăng dân số và sự thay đổi của yếu tố “sắc dân”, trong đó yếu tố phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, có nhu cầu và khả năng tiêu dùng nhiều hơn. Rõ ràng, cuối cùng thì Phú Đa và KCN Phú Đa cũng đã tìm ra được cú hích cho riêng mình. Hơn bao giờ hết, thị trấn ven phá Tam Giang đang đứng trước cơ hội lớn khi đang cùng với cả tỉnh trong hành trình thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đô thị trung tâm của Phú Vang được xác định phải là cực phát triển năng động phía đông nam của thành phố Huế.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5

Nhằm đảm bảo cấp điện trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 tới, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban chức năng, các đơn vị trực thuộc thực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu sinh hoạt, lễ hội của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cấp điện dịp Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30 4 và 1 5
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh
Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

TIN MỚI

Return to top