ClockThứ Năm, 17/07/2014 14:04

Tạo sức hút cho các khu công nghiệp

TTH - Giảm so với cùng kỳ 16,7% về số dự án mới đăng ký đầu tư (chỉ có 5 dự án) và giảm hơn 50% tổng vốn đầu tư đăng ký (505 tỷ đồng) vào các khu công nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2014 ... là những con số đáng suy nghĩ.

Trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh, ngành công nghiệp đứng ví trí thứ hai sau dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, đây lại là ngành giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, việc đầu tư các khu công nghiệp là điều tất yếu nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ở tỉnh ta, ngoài khu công nghiệp Phú Bài hình thành sớm nhất, hiện cơ bản lấp đầy diện tích, một số khu công nghiệp như Phong Điền, Tứ Hạ, Phú Đa... có nhiều khởi sắc. Hiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 90 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 18 nghìn tỷ đồng. Điều đáng ghi nhận, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi, có tiền lực kinh tế đã chọn các khu công nghiệp ở Thừa Thiên Huế để đầu tư, như Scavi, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, HBI, Vinatex... Một số dự án có nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ trong nội địa, mà còn được xuất khẩu sang những thị trường khó tính, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp đạt giá trị sản xuất trên 4,3 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu đạt 180 triệu USD, nộp ngân sách 602 tỷ đồng.

Trở lại con số giảm về số dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư mới vào các khu công nghiệp có nhiều cách lý giải, như do khó khăn chung của nền kinh tế, biến động phức tạp trên Biển Đông gần đây... Hơn nữa, chỉ nhìn trong thời gian ngắn hạn chưa hẳn đã phản ánh đúng tình hình thu hút đầu tư. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy, các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp hiện chưa có quan hệ gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau mà chỉ hoạt động riêng lẽ. Trong khi đó, để phát triển bền vững khu công nghiệp cần được tổ chức như một cơ thể sống, có quan hệ mật thiết với nhau, sản phẩm của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia và ngược lại. Kinh nghiệm ở một số khu công nghiệp, khi có một số doanh nghiệp mạnh làm chủ lực sẽ tạo sức hút các nhà máy vệ tinh vào đầu tư sản xuất, phục vụ nhà máy chủ lực. Với Thừa Thiên Huế, ngành dệt may phát triển khá mạnh và theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, miền Trung được xác định là trung tâm dệt may của cả nước; trong đó Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng là hạt nhân. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức trong thu hút đầu tư. Muốn trở thành trung tâm dệt may, bên cạnh sự phát triển cả về số lượng doanh nghiệp lẫn quy mô sản xuất, cần phải khép kín quy trình sản xuất từ sợi đến dệt, nhuộm, may, hoàn tất. Để khép kín quy trình sản xuất cần có các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu cung cấp cho ngành dệt may. Thậm chí có những công đoạn tác động lớn đến môi trường như nhuộm, giặt tẩy chúng ta cũng cần tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xử lý môi trường. Để làm được điều này, Nhà nước cần đầu tư nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Bởi chi phí đầu tư cho việc xử lý nước thải có khi còn cao hơn cả dự án đầu tư một nhà máy may trung bình.

Một yêu cầu không thể thiếu đối với một khu công nghiệp là tổ chức tốt các dịch vụ, trong đó quan trọng nhất là dịch vụ cung cấp nguồn nhân lực, vệ sinh môi trường, ngân hàng. Tình trạng khan hiếm lao động ngành dệt may đang hiện rõ, nhất là lực lượng lao động có tay nghề. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có khá nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề, nhưng lại không đào tạo các chuyên ngành như thiết kế, kỹ thuật cắt may, dệt nhuộm… Chính những điều này đã giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn.

Một cách làm hay, được nhiều địa phương áp dụng và chúng ta cần học tập là kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Điều này không chỉ đơn thuần là cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mà còn là giải pháp tích cực thu hút các nhà đầu tư vào thuê đất ở các khu công nghiệp. “Đồng tiền liền khúc ruột”. Khi đó, họ sẽ thay chúng ta trong việc quảng bá, xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư vào thuê đất. Mà lợi thế của họ chính là thu hút các nhà đầu tư ở chính nước họ, tạo ra những khu công nghiệp tập trung các nhà đầu tư một quốc gia nhất định, theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”.

Để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư theo các lĩnh vực mà tỉnh đang khuyến khích, ưu tiên, đặc biệt chú trọng thu hút những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án tạo ra sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

Hoàng Gian
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top