ClockThứ Ba, 09/06/2020 07:00
PHÒNG, CHỐNG CÂY XANH NGÃ ĐỔ:

Tập trung chỉnh trang, quy hoạch

TTH - Theo số liệu điều tra, khảo sát, hiện toàn TP. Huế có khoảng trên 5 loài cây xanh (phượng đỏ, phượng vàng, me tây, so đo cam, bằng lăng...) có tỷ lệ nguy cơ cao về gãy đổ.

Khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp trồng cây xanh tại Khu đô thị mới An Vân DươngQuy hoạch, chỉnh trang cây xanh - việc làm thường quy để tôn tạo di sảnCây xanh- trước tiên và xuyên suốtTP. Huế đảm bảo tiêu chuẩn về cây xanh đô thị loại 1Phản ứng vội vàngCấp bách ngăn ngừa cây xanh đường phố gãy đổ

Cây gãy đổ là nỗi lo chung nên cần có kế hoạch chăm sóc, quản lý đảm bảo

Nguy cơ ngã, đổ cao 

Liên tiếp thời gian gần đây, một số vụ cây xanh bật gốc, gãy cành gây thương vong tại một số địa phương đã dấy lên mối lo ngại, đặc biệt trong thời tiết dông lốc bất thường mùa hè dễ làm cây xanh bật gốc, gãy cành.

Trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, ngay sau khi xảy ra các trường hợp cây ngã đổ tại các địa phương trong nước, đơn vị đã lên kế hoạch, lập danh sách đề xuất UBND TP. Huế cho phép tiến hành cắt mé và chặt hạ một số cây có nguy cơ cao gãy đổ và một số cây tạp do người dân trồng tự phát.

Sau vụ việc cây đổ gây thương vong cho nhiều em học sinh ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều trường học trên địa bàn đã gửi đơn đến đề nghị trung tâm xử lý, trong khi nhân lực, phương tiện, dụng cụ của trung tâm có hạn.

Theo số liệu điều tra, khảo sát, tỷ lệ nhóm cây xanh có nguy cơ cao về gãy đổ do già yếu hoặc do các tác động bên ngoài, hiện toàn TP. Huế có trên 5 loài cây xanh như: phượng đỏ, phượng vàng, me tây, so đo cam, bằng lăng... và nhiều cây tạp do người dân tự trồng có nguy cơ cao về gãy đổ, bật gốc, toác cành trong điều kiện mưa gió, dông lốc. Trong đó, cây bằng lăng chiếm tỷ lệ lớn nhất (gần 19%); cây tạp gần 14,5%; cây phượng vàng (phượng vĩ) chiếm gần 12,2%; phượng đỏ chiếm khoảng 6,5%...

Cắt mé, chống đỡ cây xanh để tránh đổ, gãy trong thời tiết giông lốc, mưa bão

Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê của Trung tâm Công viên cây xanh Huế từ hơn 65.000 cây xanh đường phố, công viên do đơn vị này quản lý. Trên thực tế, ở các địa phương, cơ quan, trường học..., mật độ cây xanh đang tăng lên thông qua các dự án chỉnh trang, phát động lễ trồng cây tạo bóng mát, cảnh quan chung. Khả năng tỷ lệ cây xanh xếp vào diện nguy hiểm vẫn còn nhiều, nhất là ở các trường học, đa phần đều trồng giống cây phượng đỏ, loài cây có tuổi thọ ngắn, chỉ khoảng 25-30 năm.

Như trường hợp các cây me tây trên đường Đống Đa. Thời gian đầu mới đưa vào trồng, cây thường bị bật gốc, ngã đổ khi gặp dông lốc, mưa bão. Vì thế, định kỳ, trung tâm phải gia cố, thay thế cọc chống đỡ, cắt mé, tỉa cành để giới hạn tán phát triển và hạn chế gãy đổ.

Dãy cây so đo cam trên đường Lý Thường Kiệt qua thời gian trồng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Về lâu dài, những hàng cây này cũng sẽ được thay thế trồng giống cây khác phù hợp, mà theo dự tính sẽ trồng cây nhội (muối), giống cây bản địa có nhiều ưu điểm và giá trị đặc trưng.

 Chuẩn hoá cây xanh

Việc cây xanh gãy đổ là điều khó lường và gây bất an cho người dân.

Theo quan điểm của các đơn vị quản lý cây xanh cũng như các nhà chuyên môn, giải pháp tất yếu, căn cơ nhất là phải thường xuyên chăm sóc, bảo vệ và có chế độ giám sát cây xanh để xử lý kịp thời, tránh xảy ra gãy đổ, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng, cấp thiết mới buộc phải chặt hạ cây. Ngay cả việc lựa chọn chủng loại cây, kích cỡ trồng, tuổi thọ…cũng phải hợp lý

Thời gian qua, việc chăm sóc, quản lý cây xanh đô thị được các địa phương giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên trách quản lý. Định kỳ, đơn vị phụ trách tiến hành cắt mé, tạo sự thông thoáng, cân đối cho cây, gỡ phụ sinh, dây leo, phun thuốc trừ sâu bệnh để cây phát triển tốt, hài hòa. Riêng đối với những cây cổ thụ, già cỗi, có dấu hiệu bị sâu bệnh, bọng rễ, rỗng ruột, đơn vị có kế hoạch chăm sóc đặc biệt hơn, như chống đỡ, dùng keo dán kết hợp kỹ thuật bít các lỗ sâu, bọng để đảm bảo ngăn côn trùng xâm nhập, ngăn nấm mốc, mối mọt...

Ngoài những cây có thể đánh giá, nhận định nguy cơ qua quan sát bằng mắt thường, có một số cây mặc dù bên ngoài đang xanh tốt, nhưng có thể bên trong phần thân đang bị hư hại. Điều này đang gây khó khăn cho những người làm công tác quản lý cây xanh và đó cũng là lý do dễ xảy ra tình trạng cây xanh bị gãy đổ bất ngờ.

Hiện nay, TP. Huế đang tập trung chỉnh trang, quy hoạch lại hệ thống cây xanh đường phố. Để khắc phục thực trạng còn tồn tại, trong quá trình làm đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp và toàn xã hội. Trong đó cần tham vấn ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu khoa học ở nhiều lĩnh vực như: thực vật, môi trường, kiến trúc, sử học, văn hoá...

Bởi, ngoài yếu tố về pháp lý còn liên quan đến kỹ thuật chuyên sâu, như việc lựa chọn cây trồng, quá trình trồng, vị trí phù hợp, thậm chí cả việc đánh giá hiện trạng dưới ngầm cây xanh, thì những người quản lý “tay ngang” rất khó làm được mà cần có chuyên gia tư vấn, nhà nghiên cứu vào cuộc hỗ trợ.

Theo ông Đặng Ngọc Quý, quá trình quy hoạch, chỉnh trang hệ thống cây xanh cần lồng ghép trồng cây bản địa như nhạc ngựa, long não, nhội, sao đen, dầu rái...Vì ngoài kinh phí đầu tư thấp, chủ động được nguồn giống, cây bản địa có sức chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt ở Huế, tạo bóng mát, an toàn. Cùng với đó kết hợp trồng một số giống cây du nhập có hoa thơm, dáng đẹp như chuông vàng, hoàng yến, muồng hoa đào, ô môi... nhằm đa dạng chủng loại, làm phong phú thêm hệ thống cây xanh đô thị, tạo ra những điểm nhấn độc đáo cho người dân, du khách thưởng lãm.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Tập trung chuẩn bị cho Tháng hành động vì Hợp tác xã

Lần đầu tiên, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức Tháng hành động vì HTX với chuỗi các hoạt động tư vấn, hỗ trợ HTX, diễn ra trong năm 2024, cao điểm nhất từ ngày 29/3/2024 đến ngày 29/4/2024. Với chủ đề “Vì sự phát triển bền vững của HTX”, Tháng hành động vì HTX năm 2024, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh – ông Trần Lưu Quốc Doãn đã có cuộc trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế.

Tập trung chuẩn bị cho Tháng hành động vì Hợp tác xã
Return to top