ClockThứ Tư, 06/04/2016 11:38

Tập trung để nâng chỉ số IIP

TTH - Diễn tiến và tác động đa chiều của thị trường trong thời gian vừa qua đã cho thấy, những cảnh báo về khó khăn và sự sụt giảm tăng trưởng ở lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào cuối năm qua đã thực sự xuất hiện ở quý đầu của năm 2016.

Trong ba tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm 3% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nếu tính riêng trong hai tháng đầu năm thì chỉ số này cũng chỉ đạt mức tăng 5,41%; thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 10,52% so với cùng kỳ trước. Khai thác quặng vẫn tiếp tục giảm do cấm xuất khẩu nguyên liệu thô, chế biến dăm gỗ tiếp tục giảm do thiếu nguyên liệu đầu vào; thiếu nước ở các hồ chứa do lượng mưa thấp dẫn đến sản xuất điện giảm...là những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng IIP thấp. Nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất lại đến từ sự giảm sút của ngành sản xuất bia. Không chỉ giảm ở các thị trường trong khu vực và các thị trường truyền thống khác mà sản phẩm này cũng vấp phải sự cạnh tranh ngày một gay gắt hơn của các sản phẩm bia khác ngay tại địa bàn tỉnh, sức tiêu thụ giảm mạnh, nhất là ở các vùng trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Sụt giảm 7,73% trong hai tháng đầu năm và 23,4% trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ ở ngành sản xuất bia - vốn đóng góp 1/3 vào nguồn thu ngân sách của tỉnh – đã trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm chỉ số IIP trong quý I. Trong khi đó, nhân tố mới có tính đột phá, năng lực tăng thêm trong sản xuất công nghiệp vẫn không nhiều. Nhiều dự án vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán hoặc ở dạng tiềm năng.

Cho dù các con số này mới chỉ ở quý đầu của năm, song nếu “vận tốc” này không được điều chỉnh và thay đổi theo chiều ngược lại, việc đạt kế hoạch đề ra là chỉ số IIP tăng 12,5% trong năm 2016 sẽ khó mà thực hiện được. Để chấn chỉnh và cải thiện chỉ số IIP cũng như phấn đấu đạt kế hoạch đề ra, tại kỳ họp thường kỳ vừa qua, ở lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương tập trung xúc tiến công tác đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án và kêu gọi đầu tư; trong đó chú ý đến việc thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển công nghiệp dệt may và hỗ trợ dệt may; thực hiện tốt kế hoạch khuyến công năm 2016 và chương trình khôi phục, phát triển nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu...

Về lâu dài, việc nâng chỉ số IIP còn phụ thuộc nhiều vào các ngành, sản phẩm có tính đột phá; vào tư duy mở, tính năng động của doanh nghiệp cũng như những cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền các cấp để vừa đảm bảo hành lang pháp lý, vừa phấn đấu trở thành một vùng năng động trong thu hút đầu tư.

Hoàng Mai

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút đầu tư xanh

Hiện nay, Thừa Thiên Huế luôn đưa ra tiêu chí lựa chọn những dự án (DA) công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong thu hút đầu tư. Mục tiêu là để đón được những DA đầu tư xanh vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, xử lý rác thải…

Thu hút đầu tư xanh
Return to top