ClockThứ Bảy, 17/12/2016 10:50

Tập trung ứng phó mưa lũ, giảm thiệt hại về người và tài sản

TTH.VN - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó với mưa lũ ở khu vực miền Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo ứng phó với mưa lũThủ tướng chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ“Căng mình” ứng phó lũ muộn

Thông báo kết luận nêu rõ, công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, ứng phó của các cơ quan chỉ đạo ở trung ương và địa phương.

Các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động tổ chức di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, qua đó góp phần hạn chế thiệt hại.

Tuy nhiên, thiệt hại do mưa lũ còn lớn: 65 người chết và mất tích, gần 200.000 ngôi nhà bị ngập, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt bị sạt lở, chia cắt, ách tắc nhiều đoạn, tổng thiệt hại vật chất trên 7.000 tỷ đồng; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó thiên tai chưa phát huy hiệu quả cao, còn một bộ phận người dân thiếu kỹ năng ứng phó...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt, các địa phương tập trung ứng phó với mưa lũ giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chủ động khắc phục hậu quả, kiểm soát đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; khôi phục công trình thiết yếu, hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sớm ổn định chỗ ở và đời sống; huy động nguồn lực từ quỹ phòng, chống thiên tai, ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa phát triển các trạm đo mưa chuyên dùng phòng chống thiên tai ở cộng đồng nhằm nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai ở địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra vết lũ, nhận dạng lũ làm cơ sở cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cơ sở hạ tầng, bổ sung phương án phòng tránh, ứng phó thiên tai phù hợp với thực tế; đánh giá tác động của hệ thống hạ tầng, nhất là công trình giao thông, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi tới lũ lụt vừa qua, đề xuất giải pháp căn cơ chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại khi mưa lũ.

Giám sát việc vận hành điều tiết, xả lũ các hồ chứa

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, hư hỏng trên các trục giao thông chính, bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp với các địa phương rà soát, xác định các đoạn tuyến, công trình gây cản trở thoát lũ, xây dựng kế hoạch, triển khai biện pháp xử lý cụ thể, mở rộng khẩu độ thoát lũ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh bất cập (nếu có) của Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, hạn chế tác động tiêu cực, thiệt hại do xả lũ. Có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát việc vận hành điều tiết, xả lũ các hồ chứa.

Bộ Công Thương chỉ đạo việc vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống lưới điện, khắc phục nhanh các sự cố, bảo đảm cung ứng điện cho người dân; đồng thời bảo đảm các hàng hóa thiết yếu, không để lợi dụng thiên tai tăng giá bất thường.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn sãn sàng hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy nhanh xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với mưa, lũ, xử lý tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập.

Nâng cao trách nhiệm, chủ động của người dân

Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm nâng cao trách nhiệm, chủ động của người dân, doanh nghiệp.

UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa chính quyền địa phương với từng chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, quy định rõ trách nhiệm trong thông tin, vận hành, giám sát điều tiết, xả lũ phù hợp với các quy định pháp luật và Quy trình vận hành, đảm bảo thông tin xả lũ kịp thời tới người dân. Xây dựng chế tài, kiên quyết xử lý đối với các chủ hồ chứa nước, các cá nhân vi phạm các quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành xả lũ (bao gồm cả việc thông tin về xả lũ, không lắp đặt đầy đủ trang thiết bị cần thiết theo quy định) dẫn tới thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu, đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nhất là về chất lượng rừng liên quan đến phòng chống thiên tai; có kế hoạch trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần khắc phục tình trạng lũ lụt khi mưa, hạn hán trong mùa khô; chủ trì phối hợp với các cơ quan rà soát quy hoạch thoát lũ ở các vùng, các địa phương gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng và điều kiện mưa lũ hiện nay, từ đó xây dựng Đề án tổng thể đề xuất các giải pháp bảo đảm thoát lũ, hạn chế thiệt hại tại những khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt.

Hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở phòng, tránh bão lụt

Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan chủ động rà soát các công trình hạ tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, có biện pháp xử lý các công trình gây cản trở thoát lũ; phối hợp với các địa phương rà soát bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng thường xuyên bị ngập lụt, hạn chế thiệt hại do thiên tai và tạo điều kiện quy hoạch lại sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các địa phương rà soát lại hệ thống các trung tâm, trạm tìm kiếm cứu nạn để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh phù hợp đáp ứng nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, nhất là tại khu vực miền Trung; đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch và phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, nhất là phương tiện phục vụ sơ tán người (xuồng cao su) khi xảy ra mưa lũ. 

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Return to top