ClockThứ Năm, 05/06/2014 05:28

“Teo tóp” hồ di tích

TTH - Nhiều hồ di tích trong Kinh thành Huế đã và đang tiếp tục bị xâm lấn. Không ít hồ bị biến dạng, thậm chí có hồ gần như bị “xóa sổ”.
Báo động
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến hồ Học Hải (nằm bên đường Đinh Tiên Hoàng, thuộc phường Thuận Lộc, TP Huế). Hồ Học Hải được nhiều người biết đến bởi trên hồ có Lầu Tàng Thơ - một trong những kho lưu trữ tài liệu quốc gia của triều đình nhà Nguyễn trước đây. Hiện trạng hồ hiện nay rất nhếch nhác. Lòng hồ có đoạn trồng rau muống, nhưng nhiều đoạn toàn bèo tây hoặc rác thải của những hộ xung quanh đổ xuống. Chỉ bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy tình trạng xâm lấn xung quanh bờ hồ để cơi nới nhà cửa. Rõ nhất là bờ hồ phía đường Đinh Tiên Hoàng, rất nhiều hộ dân đã đổ các trụ bê tông cắm xuống lòng hồ để làm các công trình xây dựng. Theo bản đồ đo vẽ 1996, diện tích hồ Học Hải rộng trên 47.445m2 và bản vẽ hiện trạng đã thể hiện ít nhất khoảng 1/10 diện tích hồ bị xâm lấn.
Hồ Tịnh Tâm bị lấn chiếm phía đường Tạ Quang Bửu
Đối diện với hồ Học Hải là hồ Tịnh Tâm rộng 11ha, từng là Ngự uyển của Hoàng gia cũng đang trong tình trạng bị xâm lấn, nhất là các hộ dân ở đường Tạ Quang Bửu. Bà Nguyễn Thị Hồng L, một người dân sống gần hồ suốt 42 năm qua cho biết: “Có nhiều nhà dân ban đầu đổ đất, đá lấn hồ, sau đó từng bước xây dựng nhà kiên cố”. Theo cán bộ Phòng Cảnh quan môi trường thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế, tình trạng xả rác xuống hồ và nguồn nước thải sinh hoạt trong nhà dân thải ra đã khiến lòng hồ Tịnh Tâm bị ô nhiễm nặng. Hồ vốn nổi tiếng với loài sen ngát hương cho hạt ngon ngọt, nhưng có nhiều năm, kể cả năm 2014, sen không mọc nỗi mà cứ lụi dần. Dưới lòng hồ giờ chỉ còn những khoanh rau muống đìu hiu.
Bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế cũng phản ánh tình trạng các hộ dân ở Thượng Thành phía nam Kinh thành Huế và ở phía bên đường Trần Huy Liệu (phường Phú Hòa) đổ rác thải sinh hoạt bừa bãi ngay cạnh Hộ thành hào. Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy phản ánh trên là đúng. Báo động nhất là nguồn rác thải sinh hoạt chất đống hôi thối dưới ngay lòng Hộ thành hào đoạn từ kiệt Ngân hàng đi vào.
Ông Trần Minh Sanh, Tổ trưởng Tổ Khoanh vùng di tích thuộc TTBTDTCĐ Huế thông tin: “Trong khu vực Kinh thành Huế có rất nhiều hồ di tích. Qua bao nhiêu năm, một số hồ đã bị xóa sổ, hiện chỉ còn 35 hồ chưa kể các hồ trong khu vực Đại Nội”. Ngoài các hồ Học Hải, Tịnh Tâm, thì hồ nào tiếp giáp với nhà dân cũng đều bị xâm lấn. Có những hồ bị xâm lấn từ nhiều phía một cách đáng báo động. Điển hình như các hồ Nhơn Hậu, Phú Văn, Tiên Y (phường Thuận Lộc), hồ Đoài, Hùng Nhuệ, Mộc Đức (phường Tây Lộc), hồ Sấu (phường Thuận Hòa), hồ Dực Hùng (phường Thuận Thành)... Trong đó, hồ Đoài rộng 4.387m2 bị các hộ dân xâm lấn từ 4 phía với khoảng 2/3 diện tích. Hồ Sấu (còn gọi là hồ Cồn Gai) xưa kia dùng để nuôi cá sấu có diện tích gần 6.000m2 đã bị lấp gần hết để xây dựng nhà cửa, hiện chỉ còn hệ thống cống thoát nước dẫn ra sông Ngự Hà. Hồ Tiên Y có diện tích 5.808m2 cũng đang đứng trước nguy cơ xóa sổ bởi việc xâm lấn của các hộ dân xung quanh.
 Tăng cường công tác quản lý, tôn tạo
Hồ di tích có vai trò quan trọng đối với cảnh quan môi trường của tổng thể khu di sản Huế và là yếu tố phong thủy, yếu tố tâm linh, có tác dụng trong việc tiêu thoát nước... Trong số 35 hồ, có 3 hồ là Học Hải, Tịnh Tâm, Xã Tắc đã được xếp hạng, các hồ còn lại được đưa vào khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ di tích là khu vực phải được bảo vệ nguyên trạng.
Thời gian qua, chính quyền TP Huế và TTBTDTCĐ Huế đã chú trọng công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo hồ. Trong đó, TP Huế đầu tư, tranh thủ các nguồn tài trợ để chỉnh trang các hồ Tân Miếu, Hộ Vệ - Đô Thành Hoàng (phường Thuận Hòa); đồng thời xử lý một số hộ lấn chiếm, đổ rác thải xây dựng xuống lòng hồ di tích. Gần đây nhất, đầu năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP Huế - Hoàng Hải Minh đã ra quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng, buộc trả nguyên hiện trạng ban đầu đối với chủ Trung tâm hội nghị tiệc cưới Wedding Palace với lý do lấn chiếm hồ Tân Miếu (phường Thuận Hòa) để xây dựng chỗ để xe.
Tuy nhiên, trước thực tế các hồ đang bị biến dạng và nhỏ dần đã cho thấy công tác quản lý, xử lý vi phạm việc lấn chiếm hồ vẫn chưa được chính quyền các phường quan tâm rốt ráo. Vấn đề đặt ra hiện nay là UBND TP Huế cần chỉ đạo các phường thực hiện các biện pháp cương quyết xử lý việc xâm lấn, gây ô nhiễm môi trường đối với các hồ di tích. Về phía TTBTDTCĐ Huế, cần tiếp tục quan tâm hơn công tác bảo tồn, tôn tạo, phục hồi hệ thống hồ ao, góp phần tạo thêm những điểm nhấn cho các công trình di tích nói riêng, TP Huế nói chung.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, thời gian qua, Trung tâm đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ, tôn tạo và phục hồi hệ thống hồ ao, thủy hệ. Hiện Trung tâm đang đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo UBND TP Huế đẩy mạnh việc giải tỏa hệ thống dân cư lấn chiếm trên các hồ ao, thủy hệ; có chính sách bảo vệ môi trường và làm sạch hệ thống nước, tạo điều kiện để Trung tâm quản lý về chuyên môn, tôn tạo hệ thống kè hồ, nạo vét bùn, thau nước thường xuyên, trồng sen và các loại thủy sinh...
Trước mắt, Trung tâm đang tìm cách xử lý hệ thống nước hồ ở bên trong và ngoài Hoàng Thành, tại các khu lăng tẩm...; nghiên cứu và khôi phục loài sen trắng đặc hữu của Huế; lập dự án phục hồi thích nghi hồ Tịnh Tâm.
 
Bích Thùy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top