ClockThứ Ba, 24/01/2017 06:38

Tết của những cựu tù Côn Đảo

TTH - “Đã là tử tù chính trị bị còng chân trong xà lim Chuồng Cọp, Hầm Đá thì làm gì có Tết. Người tù chỉ cảm nhận Tết qua âm thanh, mùi vị bên ngoài vọng vào. May ra, trong khẩu phần ăn hằng ngày, đôi khi người tù cũng được bổ sung một ít cơm, thêm vài lát thịt. Khi giao thừa đến, nghe tiếng pháo, người tù đứng dậy nghiêm trang, tưởng tượng mình đang chào cờ Tổ quốc mà thầm hát Quốc ca”, ông Lê Quang Vịnh – một trong những cựu tù Côn Đảo nhớ lại.

Tết trong lao tù

Một ngày đầu Xuân ngập tràn ánh nắng, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng ông Lê Quang Vịnh, số 32 đường Nguyễn Phúc Chu, phường Hương Long, TP.Huế. “14 năm ở ngục tù Côn Đảo là chuỗi thời gian đằng đẳng thử thách những người cách mạng. Theo con đường cách mạng chân chính, chúng ta luôn được đồng bào, đồng chí, quần chúng Nhân dân ủng hộ. Cho nên dù khó khăn, gian khổ đến nhường nào cũng sẽ trở thành niềm hạnh phúc lớn lao”, ông Vịnh mở đầu câu chuyện.

Niềm vui khi Tết đến, Xuân về của cựu tù Côn Đảo Nguyễn Xuân Tốn là được sum vầy bên người thân

8 năm biệt giam trong Chuồng Cọp, Hầm Đá và 4 năm chung thân khổ sai, có hai cái Tết ấn tượng nhất đối với ông Vịnh là Tết Mậu Thân 1968 và Tết năm 1971. Ngày mùng 2 Tết Mậu Thân, cựu tử tù Lê Quang Vịnh đang ở Chuồng Cọp II, địch mở cửa, tháo còng, lôi ra khỏi phòng giam. Sau đó, chúng đưa ông cùng các tử tù khác lên tàu thủy Mỹ chở về Sài Gòn. Tuy vẫn bị còng chân, nhưng 4 người tù được hít thở khí Xuân đất trời. Trên đường về Tổng Nha cảnh sát Ngụy, nhiều khu quân sự của địch bị phá nát. Khu căn cứ Hàng Xanh gần như sụp đổ hoàn toàn. Dinh Độc Lập cũng bị nhiều vết tích của một cuộc tấn công. Đường phố Sài Gòn mọc lên nhiều công sự bằng bao cát.

Được tận mắt chứng kiến những dấu tích của một trận đánh rất lớn của quân ta vào đầu não Sài Gòn, những cựu tù Côn Đảo có một cảm giác thật khó tả. Ông Vịnh đọc cho tôi nghe hai câu đối được ông và các đồng chí trong tù kết nên từ những lá bàng khô: “Ngoài ngục đào mai khoe sắc thắm/Trong tù lý tưởng chói lòng son”. Những ngày ấy, ông ước được trở lại thời trẻ thơ để được quây quần cùng gia đình bên nồi bánh chưng, bánh tét. Ông có lòng tin sắt đá về con đường mà đời mình đã xác định là đúng. Không có Đảng, không có cách mạng thì ông cũng không còn. Sau hơn 40 năm đón Tết nơi quê nhà bên cạnh những người thân yêu, những người cựu tù Côn Đảo như ông không cho phép mình quên đi quá khứ.

19 năm ròng rã trong xà lim Chuồng Cọp ở Côn Đảo, cựu tù Nguyễn Xuân Tốn (trú tại 8/2A Đào Tấn, phường Trường An, TP. Huế) đón “Tết” trong bốn bức tường. Tết đối với những người tù Cộng sản là những bài thơ viết vội, với tinh thần hết sức lạc quan. “Chính vào thời khắc linh thiêng của đất trời, có nhiều bài thơ của các tù nhân đã ra đời. Bài “Đón xuân trong Chuồng Cọp” của tác giả Trương Xuân đã cho thấy tinh thần lạc quan cách mạng của những bạn tù: “Đêm hôm nay, Xuân lại về trong ngục/ Bốn bức tường ngăn, Xuân vẫn cứ ùa vào/ Có nghĩa gì đâu, những đòn roi, đói khát/ Xuân lại mang đến cho ta niềm tin và sức sống/ Ta hẹn Xuân dâng hiến cuộc đời/ Ta đón Xuân, Xuân đẹp lắm, Xuân ơi!”. Ông Tốn nói về những cái Tết ở Côn Đảo chính bằng những câu thơ như thế.

Tết đoàn viên

Trải qua biết bao cái Tết đoàn viên, sùm vầy, nhưng cựu tù Côn Đảo Nguyễn Xuân Tốn khó có thể giấu được hạnh phúc của mình bên gia đình. “Có hạnh phúc nào bằng đối với những cựu tù Côn Đảo sau bao năm khi ra khỏi nhà tù được gặp lại người thân. Cảm xúc dâng trào, niềm vui vô hạn. Tôi nhớ lúc đến Huế, giữa dòng người đông đúc đón những tù binh Côn Đảo, có một cô gái trẻ lao ra ôm lấy tôi khóc nức nở: “Ba ơi, ba đã về. Ba có còn nhận ra con gái ba không?”. Ngày tôi đi, con gái tôi bé xíu. Gần 20 năm sau khi tôi về, con gái tôi đã là một người phụ nữ trưởng thành và có chồng con ”.

Ông Lê Quang Vịnh chưa bao giờ quên những kỷ niệm ở nhà tù Côn Đảo

Trong cuộc gặp gỡ sau gần 20 năm chia cách ấy, cha con ông đã không thể nhận ra nhau. Chỉ đến lúc có người chỉ cho, con gái ông mới biết ba mình là người đàn ông gầy gò đang cầm cờ dẫn đầu đoàn người đi giữa quảng trường. Ngay lập tức cô gái lao về phía ông, ngã vào lòng ông và khóc ngất đi vì hạnh phúc. Những ngày tháng sau đó, ông vừa sống trong niềm vui độc lập của dân tộc, vừa hạnh phúc đoàn tụ với gia đình.

Vợ chồng ông Lê Quang Vịnh giờ có một tổ ấm hạnh phúc bên 2 người con Lê Quang Tự Do và Lê Quang Hạnh Phúc. “Hai cái tên tôi đặt cho con để nói lên sự khát khao tự do, hạnh phúc của không chỉ bản thân tôi mà các bạn tù ở Côn Đảo”, ông Vịnh tâm sự. Dù không nói ra, nhưng tôi hiểu rằng, “Tự do – Hạnh phúc” chính là niềm tin, là mùa Xuân của cả gia đình ông sau khi được tự do từ nhà tù Côn Đảo trở về quê hương. Các con ông giờ đã trưởng thành, có công việc ổn định và giữ những cương vị quan trọng trong xã hội. Mỗi độ Tết đến, Xuân về, ông vui khi được đón những người bạn, người đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử của mình khi đến thăm Nhà lưu niệm Lê Quang Vịnh – nơi trưng bày những hiện vật ở Côn Đảo của đời mình. Ở đó, đang lưu giữ những nắm đất Côn Đảo, chiếc còng tay “gắn bó với ông” trong xà lim Côn Đảo hay những bài báo Mỹ - Ngụy tuyên án ông tử hình... như những thước phim quay chậm về cuộc đời ông.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết

Sáng 11/2 (mồng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), trên các tuyến phố chính như Lê Lợi, Hà Nội, Lê Duẩn, Hùng Vương...và hai đầu cầu Phú Xuân, Dã Viên (TP. Huế), tình trạng kẹt xe diễn ra nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết giao thông để kéo giản lượng người, phương tiện qua lại an toàn.

Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết
Đi lễ nhà thờ họ

Trong mưa xuân lất phất bay ngày đầu tiên của năm mới, dân làng lại tề tựu về nhà thờ họ với mâm cúng đủ đầy, mang theo bao ước vọng.

Đi lễ nhà thờ họ
Những người thức cùng mùa xuân

Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, người người, nhà nhà tạm xếp lại những bộn bề cuộc sống để ở bên cạnh người thân, đón chào năm mới. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những con người lao động vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc của mình.

Những người thức cùng mùa xuân
Return to top