ClockThứ Năm, 04/02/2016 16:04

Tết đã khác xưa...

TTH - Xứ Huế mình nó lạ. Ví như tầm này không còn bao lâu nữa là Tết đến Xuân về, vậy mà gần như cả mùa đông ấm áp lạ đời không hề lụt bão, nay trời lại tầm tã mưa rơi, còn lạnh nữa chứ với cái rét xếp vào hàng kỷ lục. Bao công việc ứ dồn khiến cho những ngày cuối năm càng thêm tất bật. Thế nhưng, dù có mưa lạnh đến đâu thì bây giờ công việc giáp Tết cũng nhẹ nhàng, ít bận rộn hơn xưa nhiều. Cực như dân ruộng thì làm đất đã có máy móc, còn gieo cấy nay chỉ có gieo chứ không còn cấy nên loáng chốc đã xong việc. Mứt bánh ngày Tết vui thì làm, không thì một vòng ra chợ là xong xuôi. Chưa kể chuyện dọn dẹp nhà cửa cũng đã có dịch vụ lo tất, chỉ cần có tiền.

Niềm vui ngày Tết. Ảnh: D.Quang

 

ưa nó khác. Nghĩ đến Tết xưa là nghĩ ngay đến sự bận rộn. Suy cho cùng, đó là tâm lý và cũng là thói quen bày việc. Người Việt mình, nhất là người Huế cái chi cũng muốn xong xuôi trước Tết, để lại nó phiền, nó không hay, có cảm giác trì trệ, vậy nên dù quỹ thời gian trước Tết eo hẹp đến đâu cũng cố mà làm, ngay cả chuyện nợ nần cũng nhất quyết xong xuôi trước Tết, thế là sinh ra bận rộn. Ngày giáp Tết, đi quanh xóm thấy nhà ai đó im lặng và vắng tanh thì lạ lắm. Vậy nên, phải tất bật và rộn ràng mới vui cửa vui nhà, với nào là chuyện dọn dẹp nhà cửa, nào chuẩn bị cổ cúng tất niên, nào lo nồi bánh Tết, đúc bánh khô, làm bánh thuẫn, rim mứt gừng... Dạo nhỏ ở quê, nhà chỉ mấy mẹ con, tôi lo phần chùi dọn nhà cửa và gánh nước. Công việc chùi rửa làm là xong, riêng gánh nước nó cứ dai dẳng. Buổi sáng 30 Tết ngủ dậy lo đầy vại, xong lễ tất niên là vơi ngay, rồi cả ngày gì cũng cần đến nước nên có khi đến 9-10 giờ tối mà tôi vẫn còn phải gánh nuớc. Mạ bảo, cố gánh cho đầy vại mai tha hồ chơi. Nghỉ ngơi đâu chả thấy, mới chiều mồng một hết nước lại phải lum khum ra giếng.

Ngoại tôi xưa nổi tiếng cả làng Thanh Thủy Thượng về khoản làm ruộng và đẻ con gái. Sự đời, ruộng nhiều thì lắm trâu, dì ba tôi mới lớn được phân công “chự” trâu, quá chán. Bây giờ gặp lại cứ nghe dì càm ràm, chi chứ cái khoản trâu bò là không lo trước được. Tết trâu bò có nhịn ăn nhịn uống đâu nên chỉ sau buổi sáng mồng một là phải “nôm” lên lưng trâu, gặp bạn bè ốt dột không chịu nổi. Một lần, cũng vào dịp Tết đang cỡi lưng trâu thì bất ngờ dì tôi gặp ông anh rể. Mừng vui nhưng lúng túng thế nào đó, dì ngã oạch, máu chảy lênh láng, để lại cái sẹo to đùng nơi màng tang. Mỗi lần nhắc lại chuyện này dì ức lắm, già rồi mà vẫn cứ nói như ghen tỵ, tụi nhỏ mi bây giờ quá sướng chứ đâu có khổ như chị em tau ngày xưa.

Đã ngoài 50, tôi không còn háo hức chờ đợi Tết đến Xuân về. Cứ nghĩ mình già, đời lại gặp nhiều chuyện tào lao và chẳng mấy hay ho nên mất cái cảm giác vui khi mùa xuân tới. Nào ngờ, hai đứa con ở vào độ tuổi ăn, tuổi chơi cũng thấy chả tha thiết chi chuyện tết nhứt. Thì ra Tết đến Xuân về phần nào đó đồng nghĩa với chuyện được ăn ngon và mặc đẹp, được chơi bời và thăm thú, mà mấy thứ ấy bây giờ chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nó khác xưa nhiều lắm, đến Tết mới được ăn lát bánh tét, cắn miếng mứt gừng, “cấp” chút hột dưa, hay ăn bữa cơm không độn sắn mà lại còn có thịt và có cá. Sáng mồng Một Tết gặp nhau, câu hỏi đầu tiên của mấy mệ mấy o là chuyện bánh mứt, năm nay gói bánh tét nhụy chi và mấy đòn, chảo mứt có sự cố chi không, nhà chuẩn bị được mấy cân thịt heo... Ui chao đủ thứ, nghe chuyện rôm rả mà vui và thèm. Miếng ăn bởi thế nó “ấm dậm”, đậm đà và ngon lạ ngon lùng. Mấy thứ đó bây chừ ê hề bảo ngon sao được. Chưa kể các thức ăn ngày Tết đều là “của độc”, kiểu như lắm đường (mứt bánh) có hại cho người già, bị bệnh tiểu đường hay khó tiêu (bánh nếp) không lợi cho con trẻ còn yếu về tiêu hóa. Rồi  mấy thằng nhóc nhà quê như tôi ngày trước giải phóng, Tết về có được vài đồng lì xì là rủ nhau lên Huế coi xi nê, đã đời luôn. Còn nữa nhiều thứ lắm... Nghe tôi kể, mấy đứa con cứ ngẩn tò te, chi lạ rứa, có thiệt không ba.

Người hoài cổ lưu luyến Tết xưa, bảo rằng bây chừ không có Tết, quên hết cả rồi. Kẻ tân thời lại méo miệng bậm môi, “eo ơi chi mà khổ rứa” khi nghe kể hoặc nhớ về Tết xưa đầy bận rộn và nghi lễ. Còn tôi tân cổ giao hòa. Cả năm tất bật mưu sinh, Tết đến là lúc nghỉ ngơi, tạm vứt bỏ đi bao thứ lo toan và cả sự đố kỵ thường nhật để sum vầy đoàn tụ, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên và đó là điều quý nhất. Xem ra chuyện ấy xưa bày nay vẫn còn, dù ít nhiều có phôi pha và đó là niềm vui lớn. Nó cho thấy Tết Việt nay đã có nhiều điều khác xưa lắm nhưng vẫn còn bảo lưu những giá trị căn bản và mang tính tuyền thống. Và tôi, đã nhiều năm rồi có thói quen vào những ngày cận kề Tết thường hay đi bộ về hướng bến xe phía Nam cách không xa nhà để nhìn những chuyến xe chở đầy khách từ phía nam về Huế cập bến. Thật khó tả khi bắt gặp những khuôn mặt có vẻ mệt mỏi sau một chuyến đi xa nhưng lại ánh lên trong ánh mắt bao điều hăm hở về phút giây đoàn tụ cùng gia đình đang tới rất gần. Nó da diết, thiêng liêng lắm và lại nghĩ, với ai đó sẽ thật buồn khi do bởi có điều chi đó mà “xuân này con không về”.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết

Sáng 11/2 (mồng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), trên các tuyến phố chính như Lê Lợi, Hà Nội, Lê Duẩn, Hùng Vương...và hai đầu cầu Phú Xuân, Dã Viên (TP. Huế), tình trạng kẹt xe diễn ra nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết giao thông để kéo giản lượng người, phương tiện qua lại an toàn.

Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết
Đi lễ nhà thờ họ

Trong mưa xuân lất phất bay ngày đầu tiên của năm mới, dân làng lại tề tựu về nhà thờ họ với mâm cúng đủ đầy, mang theo bao ước vọng.

Đi lễ nhà thờ họ
Những người thức cùng mùa xuân

Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, người người, nhà nhà tạm xếp lại những bộn bề cuộc sống để ở bên cạnh người thân, đón chào năm mới. Tuy vậy, đâu đó vẫn có những con người lao động vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc của mình.

Những người thức cùng mùa xuân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top