ClockThứ Năm, 23/01/2020 05:45

Tết đầu tiên của những công dân Việt mới

TTH - Với những cư dân vùng biên giới A Lưới, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này thật ý nghĩa và hạnh phúc, bởi sau nhiều năm sống trong tình trạng “không quốc tịch”, nay họ đã thực sự trở thành công dân Việt Nam, và lần đầu tiên được đón Tết cổ truyền của người Việt trong niềm vui khôn tả.

Tạo sự đồng thuận trong cán bộ và Nhân dânMang xuân đến với người dân biên giới“Nối dài” những ngôi nhà vững chắc

Bà Kăn Pinh được nhập quốc tịch Việt Nam trong niềm vui khôn tả

Trọn vẹn, sum vầy

Từ ngoài đường, chúng tôi đã nghe thấy tiếng cười đùa vui vẻ của những đứa trẻ trong gia đình bà Kăn Pinh (SN 1935 tại Lào), ở thôn A Bả, xã Nhâm (A Lưới). Năm nay, bà Kăn Pinh cùng các con, cháu trong gia đình đón Tết cổ truyền đầu tiên với tư cách là công dân Việt Nam.

Theo lời kể của bà Kăn Pinh, gia đình bà trước đây sinh sống tại xã A Ling, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào). Đến năm 1997, sau khi chồng mất, bà cùng con cháu di cư tự do sang Việt Nam. Những ngày đầu mới sang, cuộc sống của những người trong gia đình hết sức khó khăn, không có phương cách làm ăn, muốn vay vốn sản xuất cũng không được do không có hộ khẩu, chỉ đi làm thuê…

Ông Hồ Văn Pinh, người con trai đầu của bà Kăn Pinh nhớ lại: Trước đây ở Lào, gia đình không có giấy tờ gì, nên khi sang đây rất thiệt thòi. Ngày ngày, ngoài làm thuê việc đồng áng khắp nơi, lúc nông nhàn ông cùng vợ đi làm công phụ thu hoạch cây keo, tràm cho các chủ rừng.

Ngày được trao quốc tịch Việt vào đầu tháng 9/2019, bà Kăn Pinh vỡ òa trong sung sướng. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, lần đầu tiên trong đời bà Kăn Pinh cầm được trong tay quyết định cho phép nhập quốc tịch Việt Nam, nên cảm giác như được sinh ra lần thứ 2. “Gia đình tui vui lắm, từ nay gia đình tui là người Việt Nam rồi, con cháu sẽ có giấy khai sinh, làm được hộ khẩu, chứng minh nhân dân nên không còn lo nữa. Cám ơn Nhà nước Việt Nam nhiều lắm” - bà Kăn Pinh nói.

Cách nhau bởi một đường phân chia ranh giới hành chính quốc gia, lại có sự tương đồng, gần gũi về phong tục, tập quán, nhiều chàng trai, cô gái các bản làng giáp biên giới Việt Nam - Lào đã nên duyên vợ chồng.

Gia đình mang 2 dòng máu Việt - Lào anh Hợi, chị Ân vui vầy, ấm áp hơn trong mùa xuân này

Chị Kêr Thị Ân (SN 1980 tại Lào) kết hôn không giá thú qua biên giới, hiện ở tại thôn Diên Mai, xã A Ngo (A Lưới) là trường hợp như thế. Làm vợ anh Kêr Văn Hợi từ năm 2006, đã có hai mặt con nhưng đến nay chị mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Chị Ân mừng rỡ: “Đây là cái tết đầu tiên, tôi và anh Hợi được công nhận chính thức vợ chồng”. Chị Ân chia sẻ: Khi kết hôn chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản yêu nhau thì về sống với nhau thôi. Sau này mới thấy mình thiệt thòi, không làm được giấy đăng ký kết hôn, không vào được sổ hộ khẩu gia đình, không có chứng minh nhân dân, vì vậy gặp khó khăn rất nhiều… Anh Hợi thì cười nói: “Ở với nhau 13 năm, tết này mới có vợ hợp pháp”.

Chị A Viết Thị Nót (SN 1986 tại Lào) kết hôn không giá thú qua biên giới với anh Hồ Viết Ah ở xã Nhâm (A Lưới) cũng được nhập quốc tịch Việt Nam đợt này, bộc bạch: “Lập gia đình được 10 năm, nhưng đi đâu, làm gì tôi cũng không có giấy tờ tùy thân nên nhiều lúc tủi thân lắm. Giờ mới thấy vô cùng sung sướng khi được trở thành công dân Việt Nam”.

Anh A Viết Ngốt, hiện trú tại thôn A Ho, xã A Roàng (A Lưới) là người gốc Lào kết hôn không giá thú qua biên giới được trao quốc tịch Việt hân hoan: “Năm nay có nhiều niềm vui nên sẽ chuẩn bị tết đầy đủ hơn. Cả gia đình cùng nhau mổ heo, mổ dê, có xôi, có gà để thắp hương báo với ông bà tổ tiên về niềm vui này. Sau đó đi chúc tết từng nhà”.

Là một trong số người Lào được nhập quốc tịch Việt ở A Lưới, gia đình ông Quỳnh Ui, ở xã A Ngo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngôi nhà đã bị xuống cấp trầm trọng. Để kịp thời mang miền vui lớn đến với gia đình ông trong dịp đón Tết cổ truyền Canh Tý 2020, UBND xã A Ngo đã vận động và trao tặng cho gia đình ông số tiền 70 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Đến nay, căn nhà đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trước thềm Xuân Canh Tý, trong niềm vui sướng vở òa của cả gia đình.

Sau khi căn nhà xây dựng hoàn thành, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng đã tặng cho gia đình ông Quỳnh Ui bộ bàn ghế tiếp khách với trị giá 7 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, tất cả những người Lào đã được nhập quốc tịch Việt Nam trên đất A Lưới, từ nay sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ và đảm bảo các quyền lợi hợp pháp nhằm từng bước ổn định cuộc sống.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây, nhiều hộ gốc Lào chưa nhập quốc tịch nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên họ không đón Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Tết năm nay sẽ là dấu mốc đáng nhớ với những người chính thức trở thành công dân Việt. “Huyện đã có kế hoạch tặng quà, tổ chức cho bà con ăn tết tại địa phương. Năm đầu tiên ăn tết với tư cách là công dân Việt Nam nên họ rất phấn khởi, vui mừng”, ông Hùng cho hay.

Bốn thế hệ trong đại gia đình bà Kăn Pinh quây quần bên nhau trong niềm vui bởi tất cả đã được mang quốc tịch Việt Nam

Hành trình hiện thực ước mơ cho bà con

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng đã kể cho chúng tôi nghe về quá trình khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ việc lập và tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho bà con ở biên giới A Lưới với không ít gian nan. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Đề án “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, qua khảo sát song phương của Tổ chuyên viên liên hợp với tỉnh Salavan và tỉnh Sê Kông (Lào), kết quả có 9 trường hợp người di cư tự do, kết hôn không giá thú từ tỉnh Salavan, tỉnh Sê Kông qua cư trú tại huyện A Lưới. Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và UBND huyện A Lưới tổ chức Đoàn công tác lưu động đến UBND các xã có người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú để lập các thủ tục.

“Lúc đầu khi đoàn đến các địa phương làm việc, bà con hiểu nhầm là điều tra để đẩy đuổi nên thường trốn tránh. Nhiều trường hợp do trình độ bà con còn hạn chế nên khai báo thông tin không đúng với lý lịch. Nhờ các già làng, trưởng bản, người có uy tín đến giải thích, bà con hiểu mới hợp tác và khai báo đầy đủ, chính xác”, ông Hưng giải thích.

Bà Lương Thị Lanh, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đánh giá: “Việc làm thủ tục cho bà con có một ý nghĩa quan trọng. Qua đó, thể hiện sự quyết tâm vào cuộc và trách nhiệm rất lớn của các cơ quan chức năng Việt Nam đối với việc nhập quốc tịch và đăng ký kết hôn cho người Lào di cư theo đúng thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước đã ký kết”.

Tận tay trao các quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho bà con, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định, với quyết định của Chủ tịch nước, từ nay bà con đã trở thành công dân của nước Việt Nam. Từ dấu mốc quan trọng này, ai chưa đăng ký khai sinh sẽ được cấp Giấy khai sinh, ai chưa đặng ký kết hôn sẽ được cấp Giấy chứng nhận kết hôn. Bà con cũng sẽ được được đăng ký hộ khẩu và cấp các giấy tờ nhân thân, được hưởng các chính sách hỗ trợ và đảm bảo các quyền lợi hợp pháp nhằm từng bước ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, hộ khẩu cho bà con. Qua đó, nhằm tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt vốn có của ta và bạn, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình cảm đoàn kết đặc biệt và hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh bạn Lào.

Ngày 6/9/2019, 9 trường hợp người di cư tự do, kết hôn không giá thú qua cư trú tại huyện A Lưới đã được trao quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam và trước đó, năm 2012 là 147 trường hợp.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ
Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia

A Lưới tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xóa nhà tạm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia
Hái lộc rừng

Sau tết Nguyên đán, mọi người trở lại với nhịp sống ngày thường. Tiết xuân chan hòa mọi nơi khiến nhiều người như vẫn còn lưu luyến những ngày vui.

Hái lộc rừng
Return to top