ClockThứ Tư, 04/02/2015 16:31

Tết này, nhất định vui…

TTH - Cho đến thời điểm này, có thể nói, đường Điện Biên Phủ - “điểm nóng” gây bức xúc trong dư luận đã được giải quyết.

Trước đó, suốt cả thời gian dài - Mà không, phải nói là quá dài mới đúng. Từ người dân cho đến du khách, đặc biệt là những hộ gia đình sinh sống dọc hai bên đường Điện Biên Phủ đã hết sức muộn phiền, hết sức mệt mỏi, hết sức ngán ngao với tiến độ của công trình. Điều đáng nói, đó không chỉ là một con lộ dân sinh, mà là một tuyến phố chính của Huế, là trục “trung đạo” dẫn du khách đến với các danh thắng, các di tích chính yếu của thành phố du lịch, thành phố di sản. Những tưởng với “vị thế” như vậy, tiến độ nếu đưa ra 1 năm, người ta sẽ cố đẩy nhanh để còn 8 tháng. Vậy mà ngược lại, tiến độ một năm, tiếp tục được kéo thêm năm, rồi năm nữa… Huế mất điểm ngay cả với người dân của mình, nói gì đến du khách!

Thế cho nên thật dễ hiểu, hễ tiếp xúc cử tri, hễ gặp cán bộ-dù không biết ông ấy/bà ấy là cán bộ gì - người dân “trong vùng dự án” sẽ không ai, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để hỏi có mỗi câu: “Bao giờ xong?”
Cho đến kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh dạo thượng tuần tháng 12-2014 vừa rồi, nỗi bức xúc dai dẳng ấy đã được đại biểu Đoàn Thị Thanh Huyền (UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ) thẳng thắn nêu ra chất vấn giữa nghị trường. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế - Trưởng ban điều hành dự án đường Điện Biên Phủ - Thừa ủy quyền UBND tỉnh đã giải trình vấn đề và hứa trong phạm vi quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của mình, ông sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh công việc. Phấn đấu hoàn thành dự án trong quý I năm 2015, trong đó ưu tiên hoàn thành hạng mục nền, mặt đường trước Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Dân nghe hứa phấn khởi. Nhưng không ít người vẫn nghi ngờ, nghe ngóng. Bởi tâm lý, lâu nay không ít cán bộ đã được dân cho “cải” sang họ… Hứa. Nghĩa là cứ thấy hứa, nhưng không thấy làm. Hoặc làm không đến nơi đến chốn.
Vậy rồi, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy không chỉ “cử cán bộ kỹ thuật bám sát hiện trường”, mà đích thân ông Chủ tịch thành phố cũng đeo bám “hò hét”. Từ ngạc nhiên đến cảm mến, nể phục. Và càng nể phục hơn khi thấy tiến độ công trường đã chuyển động, đã đẩy lên đến cao trào.
Và, cho đến trước Tết Ất Mùi hơn nửa tháng, con đường đã nên vóc nên hình. Thậm chí còn trên cả mong đợi, không chỉ có nền đường, mặt đường như đã hứa. Mà cả lề đường, bó vỉa, điện chiếu sáng, cây xanh đường phố cũng đang dần hoàn thiện. Tuy còn có vị trí mặt đường buộc phải hơi thắt lại do còn một ít hộ vướng giải toả, song việc thực hiện thi công cuốn chiếu, chỗ nào vướng tạm thời để lại như vừa qua là giải pháp hay, được dư luận đánh giá cao.
Vậy là nỗi lo lắng, bức xúc của người dân đã được giải toả. Huế có thêm một công trình mới, một điểm nhấn mới. Lòng tin của của cử tri đối với lời hứa của cán bộ, của những người đại biểu cho dân lại được “hâm nóng” và củng cố. Tết này, nhất định sẽ là Tết vui!
Trở lại một vài “điểm vướng” còn lại trên tuyến đường, sắp tới thành phố chắc chắn sẽ tổ chức giải toả. Cứ phải giải toả đã để công trình được hoàn thiện, để đảm bảo công bằng và để pháp luật được nghiêm minh. Còn sau đó sẽ “hạ hồi phần giải”. Chính quyền sai chính quyền sẽ chịu, người dân sai thì buộc phải chấp hành. - Một cán bộ có trách nhiệm của thành phố đã trao đổi với chúng tôi như vậy.
Đường Điện Biên Phủ bây giờ, dù vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, nhưng công trình, nhà cửa đã sáng rực cả lên. Hơn hết và trước hết, những người có nhà, có đất, có cơ sở kinh doanh mua bán ở đôi bên tuyến đường là người hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp. Giá trị của mảnh đất, giá trị của ngôi nhà, hiệu suất kinh doanh… thảy đều được nhân lên và sẽ tiếp tục được nhân lên theo thời gian. Nhiều người “so bì” họ quá sướng. Vừa được hưởng lợi lại còn được đền bù. Vậy mà có người còn “cò kè bớt một thêm hai” với Nhà nước; mà suy cho cùng là với tiền thuế của dân mình. Và chính những trường hợp này đã góp phần gây ra bao nhiêu phiền luỵ cho tiến độ công trình. Kiểu ấy, xin… “vô phép”, khác chi như dân ta vẫn nói: “mía ngon đánh cả cụm”. Có lẽ, cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng phải tính toán lại công tác đền bù. Chẳng hạn, nếu đã có chỉ số trượt giá thì cũng phải tính đến cả chỉ số sinh lợi. Trường hợp nào quá thiệt thòi thì tính đúng, tính đủ cho bà con. Trường hợp nào vừa được hưởng lợi lớn mà vẫn cố kỳ kèo, chây ì thì áp giá thị trường rồi giải toả toàn bộ. Vị trí ấy sau khi đường sá, hạ tầng xong sẽ mang cho đấu giá để thu lại tiền cho ngân sách v.v… Xây dựng một “bộ phương án chuẩn” để làm nguyên tắc và công khai cho mọi người cùng biết. Rồi cứ chiếu đó mà thực hiện. Biết đâu sẽ nhanh và không phát sinh vấn nạn dây dưa cho các công trình.
Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Return to top