ClockThứ Hai, 30/01/2017 14:46

Tết ở làng biển

TTH.VN - Dù trải qua một năm “biển khó” nhưng Tết này, các làng chài ven biển vẫn đón một mùa Tết ấm. Ở đó có những cuộc hồi hương nghĩa tình và cả những chuyến vươn khơi đầu năm mang theo hi vọng.

Nghĩa tình làng biển

28 Tết, căn nhà lụp xụp của bà Lê Thị Đinh (thôn 10, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) trở nên ấm áp hẳn bởi những chuyến hồi hương của bà con chòm xóm.  Bà Đinh là một trong những hộ nghèo, neo đơn của xã Điền Hòa. Ngày Tết cũng là lúc nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai bà. “Tui tuổi cao sức yếu, thường xuyên đau ốm, sống một thân một mình với gánh nặng cơm áo. Con cháu làm ăn xa không khấm khá nên chẳng giúp được chi. Ngày Tết, cần chi phí hương khói cho tổ tiên nên càng khó khăn”, bà Đinh trầm tư.

Thanh niên làm ăn xa trở về quê mang theo tấm lòng trao tặng những hộ có hoàn cảnh khó khăn

Biết hoàn cảnh khó khăn của bà Đinh, những thanh niên làng biển làm ăn xa nơi đây trở về mang theo những tấm lòng, trao cho bà suất quà Tết, giúp bà vơi bớt khó khăn, đón một mùa Tết ấm. Anh Hồ Hữu Trường (thôn 10, Điền Hòa) chia sẻ: “Trước khi về Huế, nhóm thanh niên làm ăn xa chúng tôi quyên góp tiền làm quỹ hỗ trợ đồng hương. Năm vừa qua, vì sự cố môi trường biển nên ngư dân quê gặp khó khăn. Tết này, với nguồn quỹ được quyên góp, chúng tôi trao đến họ những suất quà Tết ý nghĩa. Đặc biệt là hỗ trợ tiền cho những hộ khó khăn trong làng để họ ăn Tết. Dù số tiền không lớn nhưng cũng một phần giúp đồng hương ấm lòng, đón Tết vui hơn”. Cầm trên tay số tiền 2 triệu đồng từ những con cháu đồng hương xa quê trao tặng, bà Đinh rưng rưng: “Số tiền này với tui không phải là ít, đủ để trang trải chi phí ngày Tết. Nhưng điều quan trọng là tấm lòng của các cháu”.

Tại xã biển Phong Hải, dịp Tết là thời điểm nhiều Việt kiều hồi hương đoàn viên cùng gia đình. Họ trở về không chỉ ăn Tết mà mang theo nghĩa tình của những người con xa quê. Nhiều suất quà được trao tận tay cho các hộ ngư dân khó khăn nơi đây. Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải bảo rằng, dịp Tết năm nay, ngư dân trải qua một mùa biển khó khăn nên bà con dè xẻn, tiết kiệm hơn trong việc chi tiêu, xã cũng không tổ chức nhiều hoạt động như mọi năm. Tuy nhiên, người dân cũng có một có một cái Tết sum vầy với niềm vui đoàn viên.

Các xã ven biển như, Điền Hòa, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) cũng có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, giúp không khí Tết nơi đây nơi đây trở nên nhiều màu sắc. Nếu như Quảng Ngạn có hội chợ quê thì Điền Hòa người dân đắm mình trong hội đu tiên, văn nghệ, xổ số vui xuân. Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa chia sẻ, những hoạt động văn hóa, văn nghệ giúp thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm.

Đu tiên là nét đẹp truyền thống của xã ven biển Điền Hòa

Không chỉ cấp xã, ở các thôn, làng cũng có riêng cho mình những hoạt động giải trí lành mạnh. Ông Hồ Ngọc Sởi, trưởng thôn 10, xã Điền Hòa nói: “Thôn tui có truyền thống về bóng đá. Hàng năm đều tổ chức vào mùng 2 Tết, chia đội để giao lưu đá với nhau, già trẻ chi cũng đá. Hoạt động này giúp không khí Tết trở nên sôi nổi, các thế hệ trong thôn có dịp ngồi lại với nhau, lỡ mai có mưu sinh nơi xứ người, biết để chào nhau, nhận đồng hương”.   

“Mì xưa” với biển

Dịp Tết năm nay, tiết trời tạnh ráo, nắng đẹp, biển xanh một màu khiến những chuyến biển “mì xưa” của ngư dân trở nên thuận lợi. Sau những lời chúc nhau ngày Tết, sáng sớm mùng 2, mùng 3 Tết họ lại vươn khơi đánh bắt cá. Hải sản ngày Tết đắt giá hơn thường ngày, điều đó khiến những chuyến biển của ngư dân trở nên “đậm” hơn. Ngư dân Hồ Công Luận (thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) cho biết: “Vào dịp Tết, thường sáng mùng 2, bà con rủ nhau vươn khơi lấy lộc đầu năm. Tết này, thời tiết thuận lợi nên nhiều thuyền ra khơi đánh bắt. Trung bình mỗi chuyến biển, một thuyền đánh bắt được gần tạ cá khoai. Cá ngày Tết cũng bán được giá hơn, giá từ 80-120 nghìn đồng/kg, người dân tranh giành nhau mua. Riêng ngày mùng 2 và mùng 3, có thuyền vươn khơi thu nhập đến 10 triệu đồng”.

Ngư dân vùng biển huyện Phong Điền trở về sau chuyến biển ngày mồng 3 Tết

Với cư dân miền biển, ra khơi “mì xưa” là điều mà họ nằm lòng. Tết không chỉ đoàn viên, sum họp cùng gia đình mà còn là lúc hái lộc biển đầu năm. “Dịp Tết, biển thường êm, trời thuận nên thuyền mô cũng ra khơi. Ra biển “mì xưa” không chỉ hái lộc biển đầu năm mà còn mong suốt năm được "thần biển" ủng hộ, đánh bắt thuận lợi. Sau đó, khoảng mồng 10, mỗi hộ một mâm cỗ mang xuống biển làm lễ cúng, bắt đầu một năm đánh bắt mới”, ngư dân Phan Văn Cáng (thôn 10, Điền Hòa) bày tỏ.

Sau sự cố môi trường biển, ngư dân đã nhận được tiền bồi thường. Ngoài có thêm chi phí cho ngày Tết, với nhiều ngư dân đó là chi phí để mua sắm thêm ngư lưới cụ chuẩn bị cho mùa biển mới. Bên ly trà và dĩa hạt dưa ngày Tết, ngư dân trẻ Lê Văn Mĩnh (thôn 10, Điền Hòa) chia sẻ: “Tết phát sinh nhiều chi phí nhưng phải tiết kiệm. 32 triệu đồng nhận được từ tiền bồi thường đợt 1 tui đã sắm lưới mới để đánh bắt. Không phải vì có sẵn tiền mà phung phí trong ba ngày Tết. Với ngư dân, biển gắn bó suốt cả cuộc đời nên phải đầu tư để có những chuyến vươn khơi đầy ắp cá tôm”, Mĩnh quả quyết.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấm áp nghĩa tình

Bằng tình yêu thương và trách nhiệm xã hội, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an tỉnh kịp thời chia sẻ, động viên, tri ân những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; nhân lên những hành động đẹp, ấm áp nghĩa tình.

Ấm áp nghĩa tình
Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết

Sáng 11/2 (mồng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), trên các tuyến phố chính như Lê Lợi, Hà Nội, Lê Duẩn, Hùng Vương...và hai đầu cầu Phú Xuân, Dã Viên (TP. Huế), tình trạng kẹt xe diễn ra nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết giao thông để kéo giản lượng người, phương tiện qua lại an toàn.

Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết
Đi lễ nhà thờ họ

Trong mưa xuân lất phất bay ngày đầu tiên của năm mới, dân làng lại tề tựu về nhà thờ họ với mâm cúng đủ đầy, mang theo bao ước vọng.

Đi lễ nhà thờ họ
Return to top