ClockThứ Hai, 15/02/2016 10:59

Tết và điện thoại

TTH - Tôi già rồi, tôi nhất quyết không dùng điện thoại. Tôi nghe người ta nói dùng điện thoại có hại cho sức khỏe với lại mắt tôi kèm nhèm, tai tôi cũng yếu, tôi không thích cái giọng nói rè rè qua điện thoại. Từ Sài Gòn con cháu tôi đã kéo về Huế ăn tết. Dĩ nhiên, chúng về quê với mỗi đứa một chiếc điện thoại. Riêng thằng Châu có tới ba cái điện thoại. Nghe nói nó làm giám đốc, công việc nhiều nên cần nhiều điện thoại.

Tôi có ba đứa con, Châu là con trai đầu, nó có vợ và hai đứa con gái. Hai đứa cháu nội của tôi cũng dùng điện thoại. Hôm mới về, ngay từ trên xe bước xuống tôi đã thấy mắt chúng dán vào điện thoại. Nếu như thằng Châu không nhắc chúng chào nội thì có lẽ chúng cũng không chào tôi. Hai đứa cháu nội rời mắt khỏi điện thoại để chào tôi rồi một đứa lại nhìn vào điện thoại. Tôi xuống bếp cất mấy hộp bánh mà con dâu mua về từ Sài Gòn. Điện thoại con dâu tôi to khủng khiếp, nó to bằng một viên gạch nhưng rất mỏng. Con dâu hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi trong khi những ngón tay của nó không ngừng miết trên cái điện thoại. “Ngày mai bọn con sẽ vào mộ thắp hương cho ba.” Con dâu tôi nói trong khi thằng Châu đang nói chuyện với đồng nghiệp của nó qua điện thoại. Rồi thằng Châu bỏ điện thoại vào túi quần, nó xuống bếp ôm lấy tôi từ phía sau. “Mẹ khỏe không?”, nó nói. Nó định nói thêm điều gì đấy nữa nhưng tôi nghe điện thọai nó lại rung lên, nó bỏ tôi ra rồi lại nghe điện thoại. “Khiếp, công với việc chi mà lắm rứa?”, tôi nói. Tôi và con dâu dọn cơm. Trời lạnh khủng khiếp, khó khăn lắm thằng Châu mới lôi được hai đứa nhỏ ra khỏi chăn để dậy ăn cơm. “Hai đứa cất điện thoại ra ăn cơm mau”, thằng Châu quát. Trong bữa cơm hai đứa cháu nội của tôi nói cái gì đó về các loại điện thoại tôi nghe không hiểu. Giữa bữa ăn điện thoại thằng Châu lại rung. Nó lại bỏ đũa nừa chừng. “Chồng con bận lắm”, con dâu tôi nói với tôi.

Loan là con gái út của tôi. Năm ngoái nó về quê chồng tận Lào Cai ăn tết nên năm nay nó cùng chồng con về ăn tết với tôi. Tôi thấy điện thoại của con Loan màu vàng, điện thoại của chồng nó màu xanh. Con cái tôi đứa nào cũng thành đạt, cho tới bây giờ tôi thực sự mãn nguyện với con cái, chỉ tiếc là chồng tôi mất sớm nên không nhìn thấy ngày con cái lớn khôn. Con gái tôi mua về từ Sài Gòn cho tôi một chiếc khăn ấm, hai cái áo len, nó bảo nó mua qua mạng. Tôi hỏi mua qua mạng là mua qua ai. Cả nhà phá lên cười. Loan nói: “Mẹ thật là lạc hậu.” Rồi nó bảo với tôi chỉ cần một cái điện thoại là có thể mua bất cứ cái gì và ở đâu trên trái đất nhỏ bé này. Cái điện thoại thật là ghê gớm.

Năm nay lạnh hơn năm ngoái. Con cháu tôi về đông đúc nhưng chúng cứ nằm ườn trong chăn với chiếc điện thoại của chúng. Thỉnh thoảng thằng Châu và chồng con Loan có nói chuyện với nhau nhưng chỉ được một lúc là chúng lại túm lấy cái điện thoại. Con rể tôi làm nghề buôn bán điện thoại mà tôi thì không thích điện thoại kể cũng hơi kỳ cục. Con rể nói với tôi rằng công việc chủ yếu của nó đều làm qua điện thoại. Càng lúc tôi thấy cái điện thoại quả thật kỳ diệu.

Tôi cũng không biết từ đâu mà cái điện thoại xuất hiện. Tôi cũng không biết cái điện thoại nó làm mọi người xích lại gần nhau hay là đẩy mọi người ra xa nhau hơn. Chỉ có một điều chắc chắn tôi biết đó là tôi không thích điện thoại.

Điện thoại kỳ diệu nhưng tôi hơi mủi lòng. So với những năm về trước, không khí tết năm nay có cái gì đó lạnh lạnh, lạnh như gió đông. Con cháu của tôi về quê mà không ngồi bên bếp lửa trò chuyện với tôi như hồi mấy đứa đang còn là sinh viên. Tôi nhớ mấy năm trước, con cái tôi mỗi khi về quê ăn tết chúng lại tíu tít quanh tôi, chúng kể đủ thứ chuyện, chúng lớn rồi nhưng cứ ôm lấy tôi kể chuyện trường, chuyện lớp. Nhưng bây giờ khác quá. Chúng về đông đúc nhưng tối đến lửa trong bếp lại tắt ngấm, bánh chưng, giò chả, mứt tết... chúng cũng mua về từ thành phố. Chúng nói mấy thứ đó chúng cũng gọi điện cho nhà hàng đặt từ một tháng trước. Tôi thực sự thèm cái không khí cả nhà ngồi xung quanh bếp lửa trò chuyện với nhau, tôi thèm cái không khí các cháu nội ngoại của tôi vây lấy tôi mà bắt tôi kể chuyện. Điều đó giản dị thôi nhưng có lẽ không dễ xẩy ra. Những cái bình dị như vậy rồi sẽ trở thành cổ tích.

Ngày xưa, khi chưa có điện thoại thỉnh thoảng con cái tôi lại viết thư về cho tôi. Tôi thích những lá thư của con cái. Nhìn những hàng chữ của chúng tôi thấy thân thương, dường như đó là những hàng chữ được viết ra từ chính trái tim của chúng vậy. Nhưng rồi khi có điện thoại thì những lá thư không còn được viết nữa. Thay vì những lá thư, mỗi khi muốn biết tình hình của tôi ở quê con cái tôi thường gọi điện thoại về cho hàng xóm, có khi tôi chạy qua để nói chuyện với chúng nhưng cũng có khi tôi thấy làm phiền hàng xóm nên bảo với họ nói với chúng là ở nhà mẹ khỏe.

Bây giờ những cái điện thoại thay cho những ngọn lửa trong bếp. Hai đứa cháu nội của tôi hết giờ ăn chúng lại cuộn tròn chăn rồi dán mắt vào điện thoại. Cứ tối đến, thay cho ánh sáng ấm áp của ngọn lửa trong bếp là những ánh sáng xanh lạnh hắt ra từ những chiếc điện thoại. Tôi cũng không biết “phây-búc”  là gì nhưng vợ thằng Châu nói “phây-búc” của nó toàn bị “hắc”. Tôi không biết “hắc” là gì mà cũng không dám hỏi sợ cả nhà lại phá lên cười vì tôi lạc hậu. Hai đứa cháu nội của tôi nói với nhau rằng cô giáo của chúng đang “on-lai”. Tôi định buột miệng hỏi “on-lai”.  là gì nhưng lại sợ chúng phá lên cười. Ngoài tôi, chỉ duy nhất một người không dùng điện thoại là cháu ngoại tôi. Nó mới chín tháng tuổi. Cứ mỗi tối, khi cả nhà dính mắt vào điện thoại là tôi ẵm nó ngủ. Mắt nó tròn xoe nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười với tôi. “Lớn lên cháu có dùng điện thoại không?”, tôi nựng yêu nó và cảm nhận hơi ấm của con trẻ.

Sáng mồng Một Tết cả nhà thức giậy sớm. Con trai tôi thắp thêm nhang lên bàn thờ. Trong bữa ăn, điện thoại của nó lại reo chuông liện tục. Nó nói nhân viên của nó gọi điện chúc mừng năm mới. Con dâu tôi cũng gọi điện chúc mừng năm mới đồng nghiệp nó. Con gái, con rể và hai cháu ngoại của tôi cũng gọi điện chúc mừng năm mới người khác. Cả nhà lại nói chuyện điện thoại rôm rả.

Tôi ngồi một chỗ, tôi nhìn lên bàn thờ nghi ngút nhang thơm. Tôi nhìn ảnh chồng tôi trên bàn thờ rồi lại nhớ về những ngày xưa ấy. Ngày ấy chúng tôi yêu nhau qua những cánh thư, những cánh thư nhỏ xinh như loài chim báo tin mừng của chồng tôi được gửi về từ chiến trường khói súng. Đến bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ những lá thư ấy. Tháng năm đã khiến mực nhòe đi, giấy vàng ố đi nhưng linh hồn của những lá thư, những con chữ vẫn còn đó. Đôi khi, ở nhà một mình, tôi thường lấy những lá thư xưa cũ ấy ra rồi mân mê chúng và lắng nghe âm thanh của ngày xưa cũ nhưng êm ái vô cùng.

Ba ngày Tết trôi vèo đi trong tiếng chuông và ánh sáng màu xanh của điện thoại. Con gái tôi nói với con trai của tôi là sẽ thuê cho mẹ một người giúp việc. Chúng bảo rằng tôi già yếu rồi cần có người chăm sóc. Chúng nói sẽ kiếm một người giúp việc có dùng điện thoại để chúng tiện liên lạc.

“Hay mẹ cố gắng dùng điện thoại đi?”, con rể tôi nói với tôi trước khi cả nhà nó vào thành phố. Tôi dụi nước mắt nói: “Tao không cần điện thoại. Tao cần chúng mày.”

Ngày mồng năm Tết, người giúp việc mà con gái tôi đã kiếm được tới nhà. Nhà cửa giờ này vắng hoe. Người giúp việc chào tôi rồi lấy điện thoại ra nghe. Điện thoại của cô ấy màu hồng nhạt.

Lê Minh Phong

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn máy 2G không hợp chuẩn từ 1/3

Điện thoại 2G only, không thuộc danh sách chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố sẽ không được phép nhập mạng mới.

Chặn máy 2G không hợp chuẩn từ 1 3
Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết

Sáng 11/2 (mồng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), trên các tuyến phố chính như Lê Lợi, Hà Nội, Lê Duẩn, Hùng Vương...và hai đầu cầu Phú Xuân, Dã Viên (TP. Huế), tình trạng kẹt xe diễn ra nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết giao thông để kéo giản lượng người, phương tiện qua lại an toàn.

Ô tô ken dày các trục phố chính, cảnh sát giao thông phải căng mình điều tiết
Đi lễ nhà thờ họ

Trong mưa xuân lất phất bay ngày đầu tiên của năm mới, dân làng lại tề tựu về nhà thờ họ với mâm cúng đủ đầy, mang theo bao ước vọng.

Đi lễ nhà thờ họ

TIN MỚI

Return to top