ClockThứ Hai, 11/02/2013 06:38

Tết xưa trong cung cấm

TTH - Bà Dinh kể: 30 Tết chạm ngõ Đại Nội, không khí cung cấm vẫn tôn nghiêm, nhưng rộn ràng, ấm cúng. Những cung nữ vốn hiếm khi được về nhà, có cảm giác được sống trong không khí gia đình. Lúc này, hương đèn, hoa trái, mứt bánh được trang trọng bày lên nơi thờ tự các vua đời trước ở Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu, Triệu miếu. “Mứt bánh cúng nhiều lắm, nên tui và vài cung nữ nữa phải chuẩn bị từ mấy tháng trước Tết. Làm món chi cũng phải đẹp, tinh xảo, công phu lắm…”.

Cũng giống như cuộc sống dân gian, món mứt gừng vừa nồng vừa ấm là cái hồn không thể thiếu trong “ba ngày Tết” chốn hoàng cung. Nhưng so với “ngoài dân gian”, món mứt gừng trong cung khác biệt ở chỗ, cung nữ không xắt gừng thành từng lát mỏng mà để nguyên cả củ, dùng kim thợ may tỉ mẩn xăm, ngâm và rất nhiều công đoạn khác, để đến khi “lên đĩa”, dù vẫn nguyên củ, nhưng độ cay nồng lại dịu nhẹ, tinh tế. Đủ các loại mứt, bánh in khác làm từ nguyên liệu dân dã bình thường như mứt bí đao, hột sen, quật... bánh bài (hình dáng cái thẻ bài), bánh càng, bánh như ý nhân mứt bí đao (tất cả các loại bánh này đều làm bằng bột gạo), bánh phục linh (làm bằng bột bình tinh)..., nhưng khi ra thành phẩm, hương vị tinh khiết, hình thức tinh xảo, đài các rất “vua chúa”. Rồi thì bánh chưng, bánh tét đẹp đẽ vừa vớt khỏi nồi, tỏa mùi thơm quyến rũ từ loại nếp dẻo nhất, thơm nhất, gói bằng những lớp lá chuối xanh tươi nhất… Bao giờ mâm cỗ mứt, bánh với những hương vị nồng nàn, ấm áp và ngọt ngào cũng được bày biện xong vừa trước thời khắc giao thừa thiêng linh, kịp để vua đến kính cẩn quỳ lạy, làm lễ, thắp hương dâng lên tổ tiên.

 

Cụ bà Lê Thị Dinh

 

Sau lễ cúng giao thừa thành kính, không gian Đại Nội và cả Kinh thành Huế bừng lên bởi một trời pháo hoa lộng lẫy, huy hoàng, kéo dài cả giờ đồng hồ. “Lúc xưa ngắm hoa trong nội đẹp tuyệt vời, thợ làm pháo hoa răng mà giỏi, bắn lên con rồng, con phụng, cờ bay phấp phới, khéo lắm”. - mắt bà Dinh lấp lánh cảm xúc. Trong cung, ai đứng ở cung nấy để thưởng thức, còn dân chúng tập trung tại Ngọ Môn ngắm pháo hoa - một đại tiệc hân hoan trời đất, hân hoan hồn người.

 

Đúng 5 giờ sáng mùng một Tết, khi các mâm cỗ thịnh soạn cùng vô số món ăn từ sơn hào hải vị như bồ câu hầm, chả, nem… đến dân dã bình thường rau củ (nhưng được chế biến bởi những đầu bếp tài hoa chốn cung đình) đã bày biện tươm tất tại các miếu, vua lại khăn áo chỉnh tề, lần lượt đến thắp hương, mời tổ tiên mâm cơm ngày thiêng đầu năm. Vua hành lễ trong miếu, ngoài sân, các quan đại thần kính cẩn quỳ lạy, không khí rất tôn nghiêm. Lúc hạ cỗ, tất cả các món ăn được chia, gánh ra ngoài thành, ban phát cho các quan ở lục bộ.

 

Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan: Mâm cỗ cúng sáng mùng Một, phần lớn lộc dành ban phát cho các đại quan, hoàng tử, quan ở các bộ… coi như là một ban tặng lấy hên đầu năm của nhà vua. Người được ban tặng đưa lộc về nhà dâng lên bố mẹ, biếu người trong nhà, để ai cũng được hưởng chút ân điển vua ban…

Bữa tiệc diễn ra trưa mùng một Tết, là thời khắc những người trong hoàng gia, các quan trong triều, nôn nao chờ đợi. Với họ, ý nghĩa bữa tiệc không chỉ là được thưởng thức các món ăn ngon, lạ vương giả mà được hưởng ân huệ của vua ban. Theo lời kể bà Dinh, vua Khải Định vốn tính nghiêm nghị nên trong bữa tiệc thết đãi quần thần này, vợ và con cũng không được ngồi cùng mâm với Ngài. “Mâm của hoàng thái hậu, của vua, của hoàng hậu, hoàng tử… các đại thần đều riêng hết. Đình thần còn lại đông lắm, trải chiếu ngồi một hàng dài thượt ra tận ngoài hiên cung Càn Thành, nơi diễn ra bữa tiệc.” Nhưng đến đời vua Bảo Đại, với tư tưởng “thoáng” vì ảnh hưởng văn hóa phương Tây, bữa tiệc thết đãi trưa mùng Một tết, cũng là bữa cơm quây quần của Ngài cùng mẹ, vợ và các con. “Nhưng sau bữa cơm ni, ai lại về bếp nấy. Vua có bếp của vua, Hoàng thái hậu có bếp của ngài… Đặc biệt, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường ăn đồ tây (những món rất chi là lạ lẫm với bà Từ Cung) nên đầu bếp của nhà vua cũng phải giỏi nấu món ăn Tây”. Điều mà cung nữ xưa, cho đến tận bây giờ vẫn liệt vào “danh mục” đặc biệt nữa là, sau hôm mùng một Tết với tất cả nghi lễ trang trọng đối với tổ tiên, với mẹ, với đình thần, vua Bảo Đại thường ra ngoài cung, đi săn bắn hoặc du xuân tận Đà Lạt.

 

Trong ký ức của người cung nữ xưa, vẻ đẹp quý phái, tinh khiết của những hoàng hậu, phi tần cũng khó phai như cảm xúc khó tả từ “ba ngày Tết” chốn hoàng cung, mà bà vẫn mang theo một đời. “Tui chẳng bao giờ quên pháo hoa những đêm giao thừa, cũng không quên các buổi biểu diễn hát bội, ca kim sanh (ca Huế), múa bài bông (người múa tay nắm đèn)…” Theo bà Dinh, ngày thường trong cung vẫn có các buổi biểu diễn này. Tuy nhiên điều khác biệt, những ngày Tết, khi có biểu diễn, khách (quan lại và gia đình) vào ra nội đông đúc, rộn ràng. niềm vui rất… Tết!

 

Quỳnh Anh - Nguyễn Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top