ClockThứ Năm, 07/09/2017 13:21
KIẾN NGHỊ LÙI THỜI GIAN ÁP DỤNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI:

“Thà chậm nhưng đảm bảo”

TTH - Cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đồng quan điểm kiến nghị lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) mới với lý do cần thời gian để chuẩn bị.

Đến thời điểm này, chương trình GDPT mới được đánh giá khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên vẫn cần thời gian đồng bộ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và chương trình, sách giáo khoa...       

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã thông qua chương trình GDPT tổng thể sau một thời gian lắng nghe góp ý và điều chỉnh. Theo chương trình mới, hệ thống môn học các cấp chỉ chia hai loại: môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn, không chia làm nhiều loại như dự thảo lần trước.

Nhiều điểm mới

Cụ thể ở bậc tiểu học, các môn học và hoạt động bắt buộc, gồm có toán, tiếng Việt, ngoại ngữ (ở lớp 3, 4, 5), đạo đức (thay cho môn giáo dục lối sống trong dự thảo cũ), tự nhiên và xã hội của lớp 1, 2, 3 (thay cho môn cuộc sống quanh ta), khoa học của lớp 4, 5 (thay cho tìm hiểu tự nhiên), lịch sử và địa lý lớp 4, 5 (thay cho tìm hiểu xã hội), tin học và công nghệ ở lớp 4, 5 (thay cho môn tìm hiểu công nghệ và tìm hiểu tin học), giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm (thay cho tên hoạt động trải nghiệm sáng tạo).

So với dự thảo cũ, chương trình tiểu học đã bỏ môn thế giới công nghệ ở lớp 1, 2, 3. Thời lượng một số môn học được giảm, như giảm 50% thời lượng môn đạo đức ở lớp 1, 2, 3 so với dự thảo cũ, môn tin học và công nghệ thời lượng chỉ có 70 tiết/năm (bằng 1/2 thời lượng khi nó được tách làm hai môn như trước). Chương trình cũng lưu ý dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Mỗi tiết học từ 35 phút đến 40 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Trong khi đó, các môn học ở bậc THCS, gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1 (không thay đổi so với dự thảo), giáo dục công dân, lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, tin học, công nghệ (thay cho môn công nghệ và hướng nghiệp trong dự thảo cũ), giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm.

Môn giáo dục công dân điều chỉnh thời lượng lớp 8, 9 từ 52,5 tiết/năm xuống 35 tiết/năm, giống lớp 6, 7; môn công nghệ giảm từ 52,5 tiết/năm xuống 35 tiết/năm với lớp 6, 7 và giảm từ 70 tiết/năm xuống 52 tiết/năm với lớp 8, 9. Môn tin học, giáo dục thể chất, công nghệ được thiết kế thành những học phần. Hoạt động trải nghiệm được chia thành các chủ đề để học sinh lựa chọn theo nguyện vọng và khả năng tổ chức của nhà trường. Nội dung giáo dục địa phương ở bậc trung học cơ sở (THCS) được tách riêng với 35 tiết/năm. Các môn tự chọn gồm tiếng dân tộc, ngoại ngữ 2 với thời lượng 105 tiết/năm.

Không chia thành giai đoạn dự hướng (lớp 10) và định hướng (lớp 11, 12), theo chương trình công bố trước đó, bậc trung học phổ thông (THPT) bao gồm các môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương. Trong đó giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm chia theo học phần, chủ đề. Điểm khác biệt ở bậc học này là sẽ thiết kế các chuyên đề học tập theo định hướng nghề nghiệp.

Cụ thể, mỗi môn học ngữ văn, toán, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học. Việc này giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết. Ngoài ra, các môn học tự chọn ở bậc học này là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

... nhưng vẫn nên dời lại

Khi hỏi về chương trình GDPT mới này, nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh cho rằng có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn cảm thấy lo lắng. Theo các giáo viên, với yêu cầu chương trình mới, tình trạng thiếu giáo viên các môn nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, tiếng dân tộc cũng là một bất cập vì chưa biết lấy từ nguồn nào ra. “Theo tôi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2018-2019 là quá sớm khi công tác đào tạo giáo viên còn chưa đáp ứng được nhu cầu”, một giáo viên đang theo dạy một trường THCS trên địa bàn huyện Phú Vang nhìn nhận. Một số giáo viên khác cho rằng, cần có chương trình tập huấn, có sách giáo khoa sớm và phổ biến rộng rãi để giáo viên nắm được chương trình. Từ đó phải thí điểm dần, sau đó lấy ý kiến học sinh, giáo viên, phụ huynh...

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, chương trình GDPT mới đã được Bộ GD&ĐT thông qua là khá hoàn chỉnh, đáp ứng dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Các môn học, dung lượng kiến thức, phân bổ thời gian từng môn học và trong tổng thể chương trình được tính toán cân đối, phù hợp. Thế nhưng, điều quan trọng khi thực hiện chương trình mới là các điều kiện phải đồng bộ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và chương trình, sách giáo khoa. Với lý do đó, ông Hùng đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu lùi thời gian triển khai chương trình mới 1 năm vào năm học 2019-2020 (thay vì như kế hoạch đưa ra thực hiện năm học 2018-2019).

Theo ông Hùng, việc lùi lại là cần thiết, để tính toán thời gian cho tất cả giáo viên đều được tập huấn, bồi dưỡng và hiểu tinh thần đổi mới giáo dục. Công tác này phải thực hiện kỹ lưỡng, cẩn trọng. Đối với Thừa Thiên Huế, với hơn 17.000 giáo viên cũng cần được sắp xếp, tổ chức theo phương án cụ thể, giúp cho đội ngũ này nắm chắc các nguyên lý, kỹ thuật về dạy học, kiểm tra, đánh giá.

“Cùng với đó, cần có thời gian để tăng quy mô trường học hiện nay, tăng thêm các loại phòng chức năng, thực hành... Chuẩn bị, viết, thẩm định nội dung giáo dục địa phương. Thà chậm nhưng đảm bảo chứ không nếu chỉ cần sai một giáo viên sẽ ảnh hưởng hàng trăm học sinh, sai cách làm ảnh hưởng một thế hệ”, ông Hùng nhấn mạnh.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền các cấp. Công tác giám sát vấn đề này đã được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm.

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri
Người dân kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường

Ngày 22/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân và Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Sửu đã có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 2.

Người dân kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường
Return to top