ClockThứ Năm, 27/02/2014 06:03

Thả con tép, bắt con tôm

TTH - Gần đây, thả tôm giống, cá giống nhằm tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản được nhiều nơi trong cả nước thực hiện. Từ việc làm ban đầu mang tính tuyên truyền, khơi dậy của Nhà nước, phong trào phát triển rộng khắp với những hình thức phong phú. Với không ít địa phương, đây được xem là một việc làm mang ý nghĩa thiết thực trong dịp đầu năm mới bên cạnh phong trào Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ.

Ví như ở Thừa Thiên Huế, hạ tuần tháng 2 vừa qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền thả 1.800 con cá dìa giống xuống khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ trên phá Tam Giang. Việc thả con giống xuống biển và đầm phá cũng được tiến hành nhiều đợt trong năm. Chẳng hạn như trong năm 2012, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức 3 đợt. Hàng ngàn con cá dìa cùng hàng vạn con tôm sú giống đã được thả. Hay ở quy mô nhỏ hơn, cách nay không lâu bà con chi hội nghề cá Hà Giang ở Vinh Hà (Phú Vang) đã đóng góp mua tiền mua cá dìa giống thả xuống khu vực đầm phá được cấp quyền sử dụng khai thác.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nổi tiếng đa dạng sinh học. Người ta tính rằng, ở đây có tới 171 loài thực vật phù du, 37 loài động vật phù du, 54 loài thực vật và đặc biệt có đến 230 loài cá các loại. Thế nhưng chỉ qua 3 thập niên, sản lượng khai thác ở đây chỉ còn một nửa. Viễn cảnh về một tương lại cạn kiệt là điều có thể nhận thấy khi mà còn đó và đang ngày càng phát triển là rất nhiều tác động xấu như tình trạng môi trường môi trường ô nhiễm, sự phát triển ồ ạt các loại hình khai thác mang tính hủy diệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Hiệu quả hướng tới của việc thả con giống vùng đầm phá này do thế nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản và qua đó, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân quanh vùng là điều dễ nhận thấy.

Ở khía cạnh mang tính tổng quát về kinh tế - xã hội đó là việc “ăn cây nào, rào cây nấy”. Còn từ góc nhìn kinh tế, đó được xem là cách “thả con tép, câu con tôm” đầy tính thực dụng. Nghĩa đen là rất rõ khi làm phép tính so sánh giữa “con tép” và “con tôm”. Mở rộng ra với hoạt động kinh doanh, đó là bài học về vấn đề đầu tư, tìm đối tác, chớp lấy thời cơ và cả chuyện lựa chọn thị trường. Chẳng hạn như vấn đề chủ doanh nghiệp dám chấp nhận hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn để có những địa điểm tốt nhằm mở rộng thị trường hay không? Hay từ góc độ quản lý, liệu trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay, đó là vấn đề Nhà nước có mạnh dạn “thả con tép” như thực hiện giảm thuế hay xây dựng các quỹ hỗ trợ giúp doanh vượt khó và phát triển để thành “con tôm” đem lại nhiều ích cho cá nhân và cả cộng động?.

Nhân chuyện thả con giống xuống sông hồ, đầm phá, nhắc lại đúc kết của dân gian “thả con tép” để “câu con tôm” như một gợi ý về tư duy và cách làm mạnh dạn cần được khuyến khích và cổ súy trong kinh doanh, làm ăn kinh tế.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top