ClockThứ Ba, 13/07/2010 10:50

“Thả thơ” trên sông Hương

TTH - Chiếc thuyền rồng ngược dòng Hương lên phía chùa Thiên Mụ trong ánh nắng vàng hươm ấm áp trải lên khắp mặt sông lấp lánh và đôi bở xanh mướt ngàn cây.

Chưa đến giờ “G” và trong tiếng máy nổ xình xịch không ai có thể tạo nên diễn đàn chung cho gần hai chục du khách. Từng nhóm 2-3 người ngồi sát bên nhau tỉ tê, tâm sự chuyện riêng và chung một cách ngẫu hứng, chẳng ai biết được hết, nhưng giả như “ghi âm” được tất cả thì cũng thú vị. Vì đó thường là những tiếng nói thật lòng. Chỉ nói riêng với nhau thôi mà, việc chi phải phải đóng kịch hay giả dối. Hơn nữa, tốp du khách tập hợp này, tuy cũng rất “ngẫu hứng”, nhưng lại khá đặc biệt. Thì đây: bác sĩ Bùi Duy Tâm, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y khoa Huế trước 1975, vừa từ Mỹ về - người chủ xướng cuộc “chơi” ngẫu hứng này, bên nhà phê bình Đặng Tiến từ Pháp về thăm quê hương hình như đã cả tháng nay.

Tôi ngồi gần, nên nghe “lỏm” anh Đặng Tiến đang kể lại cho vị bác sĩ nổi tiếng - không chỉ vì những công trình khoa học mà vì hình như ông là người Việt Nam đầu tiên đã đặt chân lên Bắc Cực và có cả một “Bảo tàng Việt Nam” trên đất Mỹ - nghe về cuộc trò chuyện tại Tạp chí Sông Hương hôm chủ nhật, trong đó có vấn đề: “Vì sao Việt Nam chưa có tác phẩm lớn?”… Rồi dịch giả Bửu Ý bên tiến sĩ Thái Kim Lan từ Đức về quê nhà cũng đã cả tháng nay - hình như hai vị đang bình phẩm bài viết của tôi về đêm diễn nhạc Trịnh của ATB ở Huế vừa rồi hay chuyện “dịch-diệt” chi đó thì phải. Còn những ai nữa? Nhà nghiên cứu Phan Thuận An - người tổ chức chuyến du thuyền này, bên nhà thơ Ngô Minh; nhà “Huế học” Nguyễn Đắc Xuân bên nhà thơ Nguyệt Đình - đồng thời là một nhà thư pháp nổi tiếng ở Huế; tiến sĩ Bửu Nam bên bác sĩ Dương Đình Châu; một vị được nhiều người phong tặng danh hiệu “văn võ toàn tài” là võ sư Nguyễn Văn Dũng bên nhà văn kiêm chủ quán “Nét Huế” tại TPHCM Nguyễn Đặng Mừng - người vừa ra tập truyện ngắn đầu tay “Bóng chiều hôm” nhưng đã được hai nhà văn Tô Nhuận Vỹ và Đặng Tiến ghi lời tựa lời bạt một cách trân trọng…
 
Ờ, mà không nghe được hết các vị tâm sự những gì thì kể làm chi cho nhiều. Thuyền đã vượt qua Thiên Mụ, lên ngang Văn Miếu thì quay mũi và tắt máy. Đã đến giờ “G”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đứng giữa vuông chiếu trải rộng trên sàn, “long trọng” tuyên bố trò chơi “Thả thơ” bắt đầu.
 

Thả thơ trên sông Hương
 
Không phải là thả những câu thơ xuống sông như có người lầm tưởng. Theo nhà thơ Hải Trung “tác giả” chủ trương khôi phục trò chơi này thì đây là thú chơi tao nhã của giới nho sĩ, quý tộc ngày xưa ở Kinh đô Huế. “Người cầm cái” và người tham gia phải có kiến thức về văn chương mới hòng thắng cuộc. Đề ra là một, hai câu thơ nổi tiếng nhưng bỏ trống một hoặc hai từ, kèm theo gợi ý là 5 “đáp án khác nhau”. Người thắng cuộc khi chọn đúng 1 trong 5 “đáp án” đó để điền vào chỗ bỏ trống trong đề ra. Ngày trước, tất nhiên đề thi là các câu thơ chữ Hán, còn các buổi “Thả Thơ” trong “Đêm Hoàng Cung” do Hải Trung tổ chức tại Đại Nội Huế bắt đầu từ năm ngoái thì đề thi hầu hết là câu thơ Quốc ngữ. Đến chiều nay, “Thả thơ” lần đầu được tổ chức trên thuyền rồng sông Hương.
 
Theo cách bố trí của nhóm hướng dẫn viên thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hai “chiếu thơ” được bày ra trên thụyền - mỗi “chiếu” có 5 người tham gia. Mỗi đợt thi có 3 “đề”, nên mỗi người dự thi có 3 thẻ gỗ (tựa như bài ngà các quan đeo ngày xưa) để đặt vào vòng tròn “đáp án” mình chọn.
 
Tốp du khách chưa ai chơi bao giờ, nghe qua có vẻ rắc rối, tuy nó cũng tương tự như một số trò chơi trên truyền hình hiện nay, nên có người đề nghị “làm nháp một lần thử coi!” nhưng có tiếng nói phản bác: “Cứ chơi thì biết thôi. Cụ Nguyễn Tuân đã tả cảnh thả thơ rồi mà!” Người nhắc vậy là vị bác sĩ đã ở bên Mỹ mấy chục năm. Kể cũng là điều bất ngờ vì tôi (và chắc là không chỉ mình tôi) mang tiếng là nhà văn thuộc loại “mọt sách” đã không nhớ ra điều ấy. Nào! Thì chơi. 5 người “ngẫu hứng” sà xuống bên nhau quanh mỗi “chiếu” thơ, chẳng kể là đã quen thân hay chỉ mới gặp lần đầu, chẳng ngại “ông” từ Mỹ về hay từ Pháp sang. Cả 5 chăm chú hướng về “người cầm cái” đang mở túi đề thi. Nhà thơ Hải Trung đã công phu chuẩn bị cả trăm túi đề thi, toàn là những câu thơ của các nhà thơ danh tiếng những lại có “từ”, khi để trống dễ đặt ra nhiều “đáp án” tương tự, phải tinh ý lắm, hoặc thuộc thơ, hiểu phong cách nhà thơ mới đoán đúng.
 

" Câu gì đây?"
 
Câu thơ đề thi đã được trải ra trên “chiếu” – một trang giấy trắng khổ lớn, phía dưới có 5 vòng tròn ghi A, B, C, D, E để người tham gia bỏ “thẻ” khi chọn đáp án. Câu thơ trải xuống “chiếu” như sau: “Tiếc thay lưu lạc giang hồ / Nghìn vàng O cũng nên mua lấy tài”. 5 “đáp án” gợi ý kèm theo là: A = nghĩ ; B = thực; C = muốn; D = chắc; E = thôi.
 
Sau tiếng “thả thơ bắt đầu” của “người cầm cái”, những chiếc thẻ gỗ lách cách đưa ra, nhắm nhe chỗ bỏ trống biểu hiện bằng một vòng tròn (O) kèm theo tiếng lẩm nhẩm các “đáp án”. Có tiếng kêu: “Kiều rồi!” Đúng là một câu trong “Kiều” của Nguyễn Du, nhưng nào, bạn chọn đáp án nào? Một vài chiếc thẻ trên hai “chiếu” thơ bắt đầu thả xuống. Lại có tiếng đùa: “Chị Kim Lan! Chỉ chơi thôi, chứ có phải mất tiền triệu mô mà chị nghĩ lâu thế!” Quả là Thái Kim Lan thả thẻ xuống cuối cùng. Chị chọn phương án A (nghĩ) nhưng đáp án lại là B (thực). Chỉ một người “thả” trúng là thầy Trần Đại Vinh ở Khoa Văn Trường đại học Sư phạm Huế. Nữ sĩ họ Thái trong màu áo tím Huế thuộc hàng “chuyên gia” nghiên cứu về “Kiều” mà lại “thả” trật, nên càng… vui và tất nhiên càng hăng hái tiếp tục cuộc chơi!
 
Thả thơ lần 2 bắt đầu: “Gió càng to, sóng càng to / Mấy O cũng đứt, mấy đò cũng xiêu”. 5 đáp án gợi ý là dây, lèo, neo, buồm, thuyền. Nào, bạn chọn đáp án A, hay B, hay C…
 
Mỗi đợt 3 câu thơ, sơ kết rồi chung kết… Mười mấy con người thay phiên nhau mê mải như quên tuổi tác, quốc tịch, chính kiến, nghề nghiệp… ngồi sát bên nhau quanh 2 “chiếu” thơ, chỉ nghĩ đến chữ nghĩa, chẳng bận tâm hơn thua, nhiều khi còn “nhắc bài” cho nhau: “Câu này không chừng của Tản Đà. Nguyễn Bính mới dùng từ đó…” Và vì thế quên cả hoàng hôn đã buông và ánh đèn đã nhấp nháy phía cầu Trường Tiền; cũng như quên cả bữa “tiệc” đầy phong vị Huế đang chờ trên sân ngôi nhà “rất Huế” của anh Phan Thuận An…
 
Nguyễn Khắc Phê
 
 
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Return to top