ClockThứ Tư, 31/03/2021 13:30

Thách thức cho cây trồng cạn

TTH - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem như giải pháp hiệu quả để tận dụng tài nguyên đất. Nhiều địa phương đang chọn cây trồng cạn để thay thế cho lúa nước ở những vùng thích hợp.

Cần giống lúa mới thích ứng biến đổi khí hậuNông dân cần tạo ra những mô hình trồng trọt mới

Mía của người dân Quảng Phú (Quảng Điền) hàng năm rất khó tiêu thụ. Ảnh: NP

Bên cạnh cây lúa, không khó nhận ra ở nhiều địa phương, tại những vùng đất hạn chế về nguồn nước tưới đang phủ màu xanh của các loại cây trồng ngắn ngày như, sắn, lạc, khoai lang, mía… Đây là xu hướng tất yếu để vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa tránh lãng phí đất đai.

Những năm gần đây, cây trồng cạn, ngắn ngày tỏ ra khá hiệu quả khi giúp nông dân có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, thậm chí có mô hình thu lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Thiên (phường Hương Chữ, TX. Hương Trà) phát triển kinh tế bằng việc trồng hành lá và lạc, rau màu. So với cây lúa, những loại cây trồng này cho thu nhập cao gấp nhiều lần.

“Thổ nhưỡng tại vùng Hương Chữ phù hợp với các loại cây trồng cạn. Sau khi thu hoạch vụ rau xanh, tôi cải tạo đất rồi tiến hành trồng lạc. Sau vụ lạc lại xoay sang trồng rau. Vùng đất này khó khăn về nguồn nước tưới nên những loại cây này phù hợp”, ông Thiên chia sẻ.

Những loại cây trồng cạn, ngắn ngày được trồng phổ biến ở vùng đất không chủ động nguồn nước

Dẫu hệ thống thủy lợi tại Thừa Thiên Huế đã và đang được đầu tư nhưng khắp các địa phương, đặc biệt là vùng ven biển, diện tích đất bỏ hoang không hề nhỏ. Vào vụ hè thu, đất hoang hóa tăng lên, điều này được các chuyên gia lý giải rằng đó là thách thức của biến đổi khí hậu. Hạn hán, xâm nhập mặn chính là tác nhân khiến nông dân khó khăn. Không chủ động được nguồn nước nên việc chuyển đổi cây trồng là hợp lý. Song, thay đổi cây phù hợp dường như chỉ giải quyết được “phần ngọn” trong việc tạo ra hướng phát triển bền vững.

Ở bất cứ thời điểm nào, nông dân cũng là chủ thể trong phát triển nông nghiệp. Nghĩa là chính nhà nông quyết định đến thành bại của họ. Trồng cây ngắn ngày không hẳn sẽ ít tốn công, mất sức hơn trồng lúa mà ngược lại để tạo ra một chuỗi liên hoàn hiệu quả từ khi xuống giống đến lúc sản phẩm được tiêu dùng là cả một quá trình. Nếu nông dân không chủ động sản xuất với những phương thức phù hợp sẽ tạo ra những mối nguy.

Đơn cử với cây sắn, bệnh khảm lá hoành hành từ năm ngoái đến nay khiến người dân nhiều địa phương khốn đốn. Cơ quan chức năng cho rằng, mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong đất nên loại bệnh lây truyền qua môi giới là bọ phấn trắng vẫn sẽ tồn tại nếu không có kỹ thuật canh tác, chăm sóc phù hợp. Hiện, với không ít gia đình, nguồn thu từ sắn khá lớn. Cây nhiễm bệnh từ khi xuống giống không được bao lâu khiến chi phí sản xuất tăng lên nhưng hiệu quả lại không được như mong đợi.

Không chỉ sắn, ở từng thời điểm khác nhau, những loại cây ngắn ngày sẽ đối diện với từng loại sâu bệnh khác nhau. “Tất cả các loại cây trồng đều có nguy cơ nhiễm bệnh nếu không có phương pháp trồng, chăm sóc phù hợp. Cây trồng cạn dẫu phù hợp với những vùng không chủ động được nước tưới, nhưng quá trình phát triển vẫn cần nước tưới. So với trồng lúa, một số cây trồng mang lại thu nhập cao nhưng chỉ khi được mùa”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Đắc Thọ nói.

Bất cứ trồng cây gì, nuôi con gì, yếu tố thị trường, đầu ra của sản phẩm đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra giá trị. Đối chiếu với đầu ra của các loại cây ngắn ngày hiện nay, nông dân gặp không ít khó khăn. Điệp khúc giá rau xuống dốc, lạc được mùa mất giá, những xe sắn xếp hàng dài chờ tiêu thụ, mía “đứng” đồng…đang lặp đi lặp lại trong những năm qua. Hình ảnh nông dân xếp hàng dài ngồi bên vệ đường bán hàng tấn khoai lang, dưa hấu, bắp, mía khiến người ta cảm nhận rằng, giá trị của những sản phẩm ấy đang không tương xứng với công sức của nông dân bỏ ra.

Xây dựng chuỗi liên kết là giải pháp cơ quan chức năng thường nêu để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm, trong đó có sản phẩm của các loại cây ngắn ngày. Ngoài ra, chế biến sâu là giải pháp hữu hiệu để giảm tổn thất sau thu hoạch, tận dụng hết tất cả các giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng được mùa mất giá. Song, khi hệ thống chế biến các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh đang còn thiếu và yếu thì nông dân vẫn phải phụ thuộc vào thương lái.

Chi cục trưởng Chi cục Chế biến nông lâm sản thủy sản tỉnh Hồ Đăng Khoa thông tin, đối với cây trồng cạn, ngoài nhà máy chế biến tinh bột sắn, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp, cơ sở chế biến nào đủ lớn để thu mua sản phẩm cho nông dân. Chính điều này khiến giá trị hàng hóa bấp bênh.

Tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chuyển đổi cây trồng phù hợp là hướng đi đúng, song phải bắt đầu từ những việc nhỏ và theo lộ trình phù hợp chứ không thực hiện theo kiểu phong trào. Dưới sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nông dân cần tăng cường kiến thức có thể thực hiện đúng các yêu cầu đặt ra, nắm bắt được thị trường trong từng thời điểm, từ đó tạo ra những sản phẩm tốt hơn.

“Người tiêu dùng đang hướng đến những sản phẩm chất lượng. Và để có sản phẩm chất lượng thì cần có vùng nguyên liệu vừa quy mô vừa đảm bảo được các tiêu chí, yêu cầu về kỹ thuật. Chúng tôi đang phối hợp với nông dân một số địa phương để trồng các loại nông sản hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường. Chưa bàn đến việc chế biến sản phẩm ra sao nhưng khi nông dân sản xuất ra sản phẩm đủ tốt chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thị trường với giá trị cao”, Giám đốc Công ty TNHH hữu cơ Huế Việt Nguyễn Thị Huệ chia sẻ.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top