ClockThứ Năm, 29/08/2013 05:34

Thái độ sửa chữa khuyết điểm, sai lầm

TTH - Khuyết điểm là những điểm chưa tốt, là thiếu sót của bản thân, cơ quan, đơn vị trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình. Sai lầm là những việc làm sai, trái với quy định của pháp luật, trái với nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị đã đề ra. Trong thực tiễn hoạt động của cá nhân, của các ngành, các cấp, khuyết điểm, sai lầm vấp phải là vấn đề tất yếu. Có thể nói, trong quá trình hoạt động, trước những yêu cầu mới của cách mạng đề ra, mắc phải khuyết điểm, sai lầm là điều khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, cơ quan không tự phân tích và kiểm điểm một cách nghiêm túc công việc của cá nhân, đơn vị mình, không dám công khai thừa nhận khuyết điểm. Chính điều đó, cá nhân, đơn vị đã tự làm mất uy tín nội tại và mất niềm tin đối với nhân dân, dẫn đến sai lầm, khuyết điểm lớn hơn.

Vấn đề đặt ra hiện nay theo định hướng của Đảng, Nhà nước, trước những khuyết điểm, sai lầm, người cán bộ, tập thể, cơ quan, đơn vị phải có thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ những khuyết điểm, tồn tại của chính cá nhân, đơn vị mình. Không chỉ là công khai thừa nhận mà điều quan trọng hơn là có thái độ khách quan, phân tích toàn diện để tìm ra nguyên nhân mắc phải khuyết điểm, sai lầm để đề ra hướng khắc phục, sửa chữa.

Trong hoạt động thực tiễn cho thấy, mắc phải khuyết điểm, sai lầm có hai nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trên bình diện khách quan tác động cho thấy, sống và làm việc trong môi trường xã hội có nhiều biến động, người cán bộ chịu tác động cả mặt tích cực và tiêu cực của xã hội. Do đó, con người nếu không vững vàng kiên định thì khó tránh khỏi khuyết điểm, sai lầm. Từ góc độ chủ quan, khuyết điểm, sai lầm bắt nguồn từ nhận thức, năng lực, tri thức của người cán bộ trước sự vật mới, tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới, nhận thức của người cán bộ có thể nhanh, chậm, nhận thức đúng và chưa đúng có khác nhau. Trước cái mới, công việc mới có người nhạy cảm, tiến bộ, có người tỏ ra lạc hậu, bảo thủ hoặc cá nhân chủ nghĩa nên khó nắm bắt cái mới, cái đúng. Tựu chung là không thường xuyên học tập, rèn luyện để bồi bổ kiến thức, quan điểm trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể để đảm đương công việc của mình nên dẫn đến phạm khuyết điểm, sai lầm trong công việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong từng giai đoạn, từng thời kỳ của cách mạng, trên cơ sở nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc sinh hoạt Đảng.

Thực hiện tự phê bình và phê bình tốt sẽ có hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm hiệu quả. Bác Hồ còn nhắc nhở, không chỉ tự phê bình và phê bình trong Đảng mà Đảng còn phải biết tổ chức để nhân dân phê bình cán bộ. Thái độ đúng đắn của người cán bộ trước khuyết điểm, sai lầm của mình là biểu hiện sự trung thành của mình đối với Đảng, với nhân dân. Đó là tiêu chuẩn quan trọng của người cán bộ trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Tình hình trong nước và quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức đối với bản lĩnh chính trị của Đảng. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hước XHCN; sự hội nhập, mở cửa đang mở ra những cơ hội phát triển của đất nước, nhưng các thế lực thù địch đang lợi dụng tình thế khó khăn về kinh tế-xã hội, những thiếu sót của Đảng và Nhà nước ta để đẩy mạnh tấn công phá hoại đất nước ta cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Lúc này, mọi sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị là “điểm nóng” để các phần tử phản cách mạng lợi dụng tung hô nói xấu Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, thái độ đúng đắn của cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị trước sai lầm, khuyết điểm của mình là việc làm cần thiết để củng cố niềm tin trong nhân dân, đồng thời “chữa bệnh” cho mình, củng cố bản lĩnh chính trị cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, xác lập sức mạnh của Đảng và Nhà nước ta.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng trên tinh thần cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng để nhìn thẳng vào sự thật, thẳng thắn nhận ra sai lầm, khuyết điểm, có kế hoạch, lộ trình sửa chữa khuyết điểm, sai lầm đạt hiệu quả. Tránh tình trạng kiểm điểm, tự phê bình xong rồi cho qua, không có biện pháp sửa chữa. Biểu hiện này sẽ dẫn đến tác hại xấu hơn, làm xói mòn lòng tin trong nhân dân.

Nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó khăn hơn. Thực tế cho thấy nhiều vụ việc sai lầm, khuyết điểm của cá nhân, cơ quan, đơn vị được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chậm giải quyết dứt điểm, chưa có câu trả lời thỏa đáng trước công luận, trước nhân dân.

Nằm trong bối cảnh chung, ở Thừa Thiên Huế cũng vậy. Thời gian qua nhiều sai phạm của cá nhân, cơ quan, đơn vị được phanh phui trên diễn đàn báo chí, ngoài xã hội mạn đàm râm ran nhưng các cơ quan chức năng chậm điều tra kết luận rõ về những khuyết điểm, sai phạm cụ thể để công khai trước nhân dân và công luận.

Thái độ sửa chữa khuyết điểm, sai lầm là khâu quan trọng trong thực hiện nghị quyết của Đảng. Sửa chữa khuyết điểm, sai lầm công khai, dám nhìn thẳng vào sự thật là thái độ tích cực nhằm củng cố sức mạnh của tổ chức Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị xã hội. Thái độ sửa chữa khuyết điểm, sai lầm qua loa, đại khái là thái độ né tránh sự thật gây nguy hại đến uy tín cá nhân và tổ chức Đảng. Thái độ né tránh sửa chữa sai lầm là thái độ cần lên án và xử lý kỷ luật triệt để.

Sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân đang nhìn vào kế hoạch hành động sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên, các cơ quan, đơn vị. Hơn lúc nào hết, cá nhân và các tổ chức chính trị-xã hội cần đề cao thái độ sửa chữa khuyết điểm, sai lầm của mình một cách tích cực, công khai nhằm đạt hiệu quả cao trong đợt sinh hoạt chính trị này.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top