Thế giới

Thái Lan: Du lịch khởi sắc, nhưng sự phục hồi kinh tế vẫn bị đe doạ bởi lạm phát

ClockThứ Tư, 11/05/2022 19:06
TTH.VN - Trong khi ngành du lịch Thái Lan đang bắt đầu khởi sắc sau khi mở cửa biên giới trở lại, thì lạm phát gia tăng và việc thúc đẩy tăng lương tối thiểu đang đe dọa sự phục hồi vốn vẫn còn mong manh của nước này.

Thái Lan là điểm đến du lịch hấp dẫn thứ 4 thế giới hậu COVID-19Thái Lan giảm bớt quy định khi nhập cảnh để hút khách du lịch

Du lịch Thái Lan có dấu hiệu khởi sắc, nhưng nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao. Ảnh: Hanoimoi

Nước này đã khởi đầu một năm đầy lạc quan, với dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt 4%, theo Bộ Tài chính Thái Lan.

Tính từ đầu năm đến nay, Thái Lan đã đón hơn 700.000 lượt khách du lịch quốc tế so với 428.000 lượt trong cả năm ngoái. Các nhà chức trách cho biết, lượng khách du lịch tăng lên dự kiến ​​sẽ mang lại doanh thu 1.200 tỷ baht cho quốc gia này.

Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát gia tăng và tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, Bộ Tài chính Thái Lan vào cuối tháng trước đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống 3,5%.

“Vào thời điểm cuối năm 2021 - đầu 2022, hy vọng về sự phục hồi hậu COVID-19 đã được nhen nhóm. Nhưng hiện tại, chúng ta đã đi được gần nửa năm và các điều kiện kinh tế toàn cầu đang diễn biến rất bất lợi”, nhà phân tích rủi ro Jay Harriman, Giám đốc cấp cao của công ty tư vấn chính sách công Bower Group Asia, nhận định.

Giống như ở nhiều quốc gia khác, quá trình phục hồi của Thái Lan đã chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ tháng 2 vừa qua, làm cản trở tăng trưởng kinh tế và đẩy giá năng lượng và các nguyên liệu thô (như lúa mì và thép) lên cao. Song song đó, chi phí sản xuất và vận tải toàn cầu cũng tăng vọt.

“Cuộc xung đột dường như sẽ không kết thúc sớm và chúng tôi dự đoán giá cả sẽ vẫn ở mức cao cho đến năm sau. Điều này chắc chắn gây áp lực lên sức mua của người dân Thái Lan”, Tiến sĩ Kirida Bhaopichitr, Giám đốc dịch vụ tình báo kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), cho biết.

Theo thông báo của một số nhà sản xuất, nhiều loại hàng hoá sắp phải tăng giá, từ dầu ăn cho đến các mặt hàng chủ lực quốc gia, ví dụ như mì ăn liền Mama. Chủ tịch Thai Foods - công ty sản xuất mì Mama, giải thích với các đối tác và nhà bán lẻ của họ rằng chi phí vận chuyển, giá bột mì và dầu cọ tăng đã làm tăng chi phí sản xuất, The Nation đưa tin.

Do đó, giá bán buôn của một số loại mì gói sẽ tăng từ 143 baht lên 145 baht  cho một thùng 30 gói. Điều này sẽ làm tăng giá bán lẻ của một gói mì từ 6 bath lên 6,5 - 7 baht.

Theo Tiến sĩ Kirida, giá lương thực tăng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, khi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những gia đình này thường chi đến gần một nửa thu nhập để mua thực phẩm.

Để hỗ trợ người dân, Chính phủ Thái Lan đã tung ra một số gói kích thích để thúc đẩy sức chi tiêu của người tiêu dùng, song song với việc triển khai các biện pháp cứu trợ có mục tiêu cho các nhóm có thu nhập thấp hơn. Tiến sĩ Kirida cho rằng các biện pháp này cũng khá đủ, nhưng đương nhiên, chúng sẽ không thể bù đắp 100% mức tăng giá do lạm phát.

Trong khi đó, Thái Lan vẫn phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao kể từ năm ngoái, và tăng vọt lên mức cao nhất trong 13 năm là 4,71% vào tháng 3/2022. Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng đã có sự giảm nhẹ, nhưng vẫn cao hơn 4,65% so với năm trước, phần lớn là do giá thực phẩm, phương tiện giao thông và năng lượng tăng cao hơn. Tuy nhiên, vào tuần trước, Bộ Thương mại nước này dự báo lạm phát sẽ sớm đạt mức 5%.

Giá năng lượng và vận tải trong nước đã tăng lên sau khi Chính phủ Thái Lan nâng mức trần đối với giá dầu diesel ở mức 30 baht/lít, được áp dụng từ tháng 12 năm ngoái nhằm hạn chế dầu tăng giá. Tuy nhiên, biện pháp này đã kết thúc vào tháng trước. Giá trần mới hiện được đặt ở mức 35 baht/lít và mức giá hiện tại là 32 baht/lít sẽ được nâng dần trong những tháng tới.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Thái Lan Apichart Pairoonrueng cho biết việc dỡ bỏ hạn chế có thể dẫn đến tăng phí vận tải - điều mà các công ty vận tải đã cố gắng kìm hãm kể từ tháng Giêng đến nay.

Ngoài ra, việc thúc đẩy mức lương tối thiểu cao hơn trên khắp cả nước gần đây của các liên đoàn lao động Thái Lan hiện vẫn chưa được giải quyết khi chính quyền và các doanh nghiệp phản đối mức lương đề xuất là 492 baht/ngày, tăng từ mức hiện tại là 313 - 336 baht/ngày.

Theo Tiến sĩ Kirida, dù mức lương cao hơn sẽ có lợi cho người lao động và giúp đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao, nhưng việc tăng lương gần 50% mà các công đoàn đang yêu cầu có thể dẫn đến lạm phát xoắn ốc. 

Trong khi đó, ông Harriman cho biết những lo ngại về lao động và chi phí năng lượng tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Thái Lan.

Nhưng nhìn chung, nền kinh tế Thái Lan đang có những dấu hiệu phục hồi, dù chưa thể đạt được mức như trước đại dịch nhưng đã tăng 1,6% trong năm 2021 nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh, sau khi giảm 6,1% vào năm 2020.

Mặc dù mức tăng trưởng này còn khá thấp nhưng Tiến sĩ Nonarit hy vọng nền kinh tế Thái Lan sẽ “tiếp tục đi lên, nhưng khá chậm” và có thể trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Return to top