ClockThứ Năm, 25/04/2013 05:39

Tham bát bỏ mâm.

TTH - Con tôm chân trắng, còn được gọi là tôm thẻ chân trắng, vốn có nguồn gốc Nam Mỹ, không phải là loài bản địa của Việt Nam mình. Và, xung quanh vấn đề nhập cư của con tôm này cũng đã lắm chuyện. Nghe đâu thời còn Bộ Thủy sản, người ta không cấp phép cho con tôm chân trắng, nhưng rồi sau đó lại cho phát triển. Tôi cũng lại nghe chuyện, đó là do suy thoái kinh tế, dân những nước giàu như Mỹ hay Nhật Bản không đủ tiền để ăn những con tôm lớn, mà tôm chân trắng có cỡ nhỏ nên nó xuất khẩu được nhiều hơn. Cũng là một thực tế đáng suy nghĩ.

Vòng vo như thế để thấy rằng, không phải vô cớ mà con tôm chân trắng lại có mặt nhiều ở Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế và rồi, đã có lệnh cấm nuôi nhưng người dân nhiều nơi vẫn cứ nuôi, dẫn đến bao hệ lụy đáng phiền. Ví như ở Thừa Thiên Huế, mặc dù đã có chỉ thị của UBND tỉnh về việc cấm thả nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô, nhưng người nuôi vẫn cứ phớt lờ. Có nơi bị phát hiện xử lý, họ cũng coi thường và lại tiếp tục thả nuôi hay “đánh tráo” sang từ hồ nuôi này qua hồ nuôi khác, kiểu “đá ném ao bèo”.

Thật ra thì con tôm chân trắng cũng không phải là thứ của nợ như mấy thứ ốc bươu vàng đang tràn lan hiện nay. Ngay cả những nhà quản lý chuyên môn cũng khẳng định, tôm chân trắng dễ nuôi, đầu tư ít, chỉ cần quản lý môi trường, giống tốt (đang là vấn đề nan giải hiện nay) thì sẽ có hiệu quả cao. Với con tôm chân trắng, người ta có thể vừa nuôi vừa đi chơi được chứ không phải lúc nào cũng lo ngay ngáy như khi nuôi tôm sú. Thế nhưng, cái hại đi kèm cũng thật ghê gớm.

Đầu tiên, đã nuôi tôm chân trắng thì khi ao không thể nuôi tiếp loài này được nữa chỉ cách chuyển sang trồng cây để phục chế đất, vì lúc đó đất chết rồi. Còn nữa, con tôm chân trắng nhiều bệnh hơn tôm sú mà nguy hiểm nhất là bệnh Taura. Đó là bệnh nguy hiểm gây chết tôm hàng loạt, xuất hiện quanh năm, có nhiều ở vùng có độ mặn thấp và lây rất nhanh cho các loài tôm khác, kể cả tôm sú và tôm hoang dại. Người ta tính chỉ trong 5 năm, từ 1992 đến 1997 bệnh Taura đã gây thiệt hại kinh tế khoảng 2 tỉ USD cho nền nuôi tôm công nghiệp của châu Mỹ.

Bất chấp sự ngăn cấm, người nông dân vẫn cứ nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá là vì họ chỉ mới tính toán xung quanh nguồn lợi trong cái hồ nuôi của mình. Đó là kiểu “tham bát bỏ mâm”. Bát chỉ là phần nhỏ nằm trong mâm cỗ lớn. Thế mà, cố giành lấy bát, quên rằng mâm cỗ còn nhiều hơn, còn to hơn, âu cũng là tư tưởng được miếng nào hay miếng ấy, không biết nhìn xa trông rộng. Còn vì sao lại xảy ra nông nổi này, trách nhiệm lại thuộc về những người quản lý, chỉ mới thấy cái lợi trước mắt mà không nhìn ra hậu họa lâu dài khi cấp phép để bây giờ con tôm chân trắng lan tràn khiến việc quản lý càng gặp khó khăn, tốn kém. Cũng là bài học chua đau về quản lý kinh tế!

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top