ClockThứ Năm, 25/07/2013 05:40

Thăm đồng

TTH - Vào thời điểm này khi cây lúa ngoài đồng đang trong giai đoạn sinh trưởng, ở phố tôi lại nhớ đến hình ảnh của mẹ một dạo nơi quê nhà. Sau khi xong chuyện cày cấy là lúc mẹ tôi thường xuyên thăm ruộng. Thời gian đầu khi cây lúa mới cắm xuống đồng, thỉnh thoảng thấy mẹ nhổ về nguyên cả một bụi lúa. Lúc lúa làm đòng, ngậm sữa rồi, lại thấy đong đưa ở tay mẹ là một nhành lúa. Cây lúa mới cấy, mới gieo thường mắc bệnh ở toàn thân, đặc biệt là bộ phận rễ, vậy nên muốn phát hiện bệnh phải nhìn toàn cục. Còn lúa lúc làm đòng, ngậm sữa và chín thì mọi thứ đổ dồn ở hạt lúa trổ. Nhìn nét mặt mẹ là tôi có thể đoán ngay có chuyện gì xảy ở thửa ruộng khoán của gia đình.

Chuyện thăm đồng lâu nay ít thấy người đời đề cập trong quy trình, nhưng xem ra lại là một công việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sản xuất và thâm canh lúa. Dân gian có câu “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Ngụ ý xác định trong sản xuất nông nghiệp, yếu tố quyết định mùa màng bội thu là quá trình chăm bón của người nông dân - công làm cỏ, nhắc nhở mọi người phải quan tâm đến ruộng lúa, không được bê trễ, bỏ rơi.

Sự cố ngoài ý muốn trong quá trình cây lúa sinh trưởng là không thể tính hết. Nào là nguồn nước không bảo đảm, các loại dịch bệnh phát sinh gây hại, sự phá hoại của chuột... Sự vô ý hay lơ là không chịu thăm ruộng kỹ càng trong nhiều trường hợp khiến cho người nông dân phải lãnh đủ. Ví như vấn đề nóng trên đồng ruộng vụ lúa hè thu trong tỉnh thời điểm này là nạn chuột phá hoại, sự bùng phát của các loại sâu bệnh. Đó là chưa tính đến tình hình nguồn nước đang trở nên khan hiếm do nắng hạn gây nên.

Lướt đọc thông báo mới đây của Chi cục Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế về tình hình sinh vật gây hại trong 7 ngày từ 26/6 đến 2/7/2013, tôi giật mình. Đủ thứ tác oai tác quái trên cây lúa tội nghiệp. Nào sâu cuốn lá với mật độ nơi cao nhất lên tới 40-50 con/m2 ở đồng ruộng Quảng Điền, Hương Thủy. Nào là rầy các loại với mật độ 100-500 con/m2 ở Hương Trà, Hương Thủy, Huế. Rồi nhện gié ở Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc. Còn nữa là bệnh khô vằn, sâu đục thân, bọ phấn... nơi nào cũng thấy có. Dữ dằn nhất là nạn chuột phá hoại từ đầu vụ cho đến nay; nơi cao như ở một số địa phương ở Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang, Phong Điền tỷ lệ gây hại đạt tới 20-30%.  

Nhà nông ta xưa còn có câu “Nước chảy ào ào, không bằng hao lỗ mội”. “Lỗ mội” có khi chỉ là một lỗ thoát nước nhỏ bên “dường ruộng” bất ngờ xuất hiện. Sự vô ý, thiếu quan sát thấu đáo không phát hiện “lỗ mội” khiến nước cứ thế từ từ chảy hết ra ngoài khiến ruộng khô nẻ thiếu nước trong khi ta chủ quan là điều nguy hại vô cùng. Việc thường xuyên thăm đồng, thăm ruộng không chỉ là nắm tình hình phát triển cây lúa như thế nào mà còn nhằm phát hiện những sự cố nảy sinh hại lúa. Nó là việc cần thiết và phải làm tốt của nhà nông vì sự an toàn của mùa vụ và hơn thế là để đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh lúa hiện nay. 

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top