ClockThứ Hai, 02/09/2013 05:50

Thăm lại Hồng Bắc anh hùng

TTH - Trở lại Hồng Bắc (A Lưới) những ngày này, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay vượt bậc của mảnh đất anh hùng đang bắt nhịp với sự tiến bước của quê hương. Hồng Bắc thực sự là vùng đất quật cường trong kháng chiến và xây dựng, phát triển hôm nay.

Quá khứ hào hùng

Trên đường dẫn tôi đi thăm Già làng Cu Xết - nguyên Xã đội trưởng xã Hồng Bắc, anh Lê Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Hồng Bắc có cụm địa đạo Động So – A Túc đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia. Trong thời kỳ kháng chiến, để chuẩn bị sức người, sức của chi viện kịp thời cho các chiến trường, ngay từ những năm 1966, Quân uỷ Trung ương đã chủ trương xây dựng một số hầm chứa vũ khí, quân trang, quân dụng gần ngay tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. Cụm địa đạo Động So - A Túc ra đời từ đó. Cụm địa đạo có khoảng 10 cái, được thiết kế theo hình chữ U, cửa vòm cao 1,5 - 1,8m, rộng 1,2m, dài từ 12 đến 18m. Sự tồn tại của cụm di tích Động So - A Túc đã đảm bảo yêu cầu về vật chất kỹ thuật cho bộ đội ta trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968; đồng thời là trạm trung chuyển một khối lượng hàng hoá lớn, kịp thời cho các chiến trường miền Nam.

Cụm địa đạo Động So - A Túc gắn liền với sự lớn mạnh và phát triển của tuyến đường mang tên Bác, là niềm tự hào của quân và dân A Lưới anh hùng.
 
Già làng Cu Xết chào khách bằng tiếng nói, cười rất to. Bên tách trà nóng, Già Cu Xết bắt đầu câu chuyện: “Những năm 1955 - 1959, nhiều gia đình ăn sắn, ăn khoai, còn thóc gạo, trâu, bò là tài sản quý giá của bà con đều nhường hết cho bộ đội. Lúc đó, nhà nhà đều là “căn cứ” che chở cách mạng, bảo vệ đường 559”. Mẹ Kan Ruơh - vợ của Già Cu Xết thêm vào: “Kháng chiến chống Mỹ, mẹ về làm xã đội và trực tiếp chỉ huy, cầm súng chiến đấu cùng đồng đội giáp lá cà với địch ở đồi A Bia. Trong những trận đánh ác liệt của bộ đội chủ lực phối hợp với du kích Hồng Bắc, tháng 5/1969, tại đồi A Bia, mẹ đã dùng súng trường bắn rơi một máy bay trực thăng của địch, được phong tặng Chiến sĩ thi đua”.
 
“Ra ngõ gặp anh hùng”. Câu nói ấy rất đúng với người dân xã Hồng Bắc, mảnh đất ghi dấu những trận đánh oanh liệt với sự hy sinh anh dũng của biết bao đồng bào, chiến sĩ. Chia tay gia đình Già làng Cu Xết, chúng tôi đến thăm Anh hùng Hồ A Nun, một trong những anh hùng đã làm nên nhiều kỳ tích huyền thoại ở mảnh đất này...
 
Gặp chúng tôi, Anh hùng Hồ A Nun chầm chậm nhớ lại: “Những năm 1961, thời điểm ác liệt nhất tôi cùng đồng đội vừa gùi hàng, tải đạn tiếp tế vừa đánh địch bảo vệ đường 559. Còn nhớ nhiều lần gùi trên lưng đến 98kg đạn vượt núi, băng rừng 6-7 tiếng đồng hồ mới đến trạm tiếp tế... Đang tải đạn và hàng gặp lúc địch càn quét hòng cắt đường tiếp tế, thế là tôi cùng đồng đội lập trận địa tấn công tiêu diệt địch, bảo vệ hàng và tuyến đường chi viện. Địch rút lui, chúng tôi lại tiếp tục lên đường...”. Ngày ấy, Quân khu 5 đã tổng kết, trong 7 năm Anh hùng Hồ A Nun đã gùi hàng, tải đạn chi viện cho miền Nam với số lượng 197 tấn. Trong ký ức hào hùng đó, chúng tôi được hiểu hơn về những chiến công oanh liệt, những gian khổ hy sinh của lớp lớp người con ở mảnh đất Hồng Bắc này. 
 
Đổi thay trên đất anh hùng
 
Sau ngày hoà bình, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Bắc nỗ lực khai thác những thế mạnh của địa phương để xây dựng phát triển quê hương. Anh Lê Văn Thiện cho biết: “Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư trên địa bàn xã đạt gần 50 tỷ đồng; trong đó, Chương trình 135 và các dự án ADB, WB gần 23 tỷ đồng, ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ 22,5 tỷ đồng... Các nguồn vốn này tập trung vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, xây dựng nhà tình thương. Đến nay, Hồng Bắc có tổng diện tích cà phê nông hộ gần 40ha; gần 200ha rừng kinh tế, góp phần đáng kể vào xóa đói nghèo ở địa phương”.
 
Để minh chứng về sự đổi thay của vùng đất này, anh Thiện dẫn tôi đi thăm các vùng diện tích rừng trồng kinh tế, thăm các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, đường vào khu du lịch A Bia... ”.
 
Hồng Bắc bây giờ đã có một bộ mặt khác. Ngày ở Hồng Bắc, tôi đã đi quanh các bản, làng, leo lên từng nếp nhà sàn phóng tầm mắt về phía những đồi cà phê, những cánh rừng trồng. Hồng Bắc đang chuyển mình rất mạnh, rất nhiều hộ biết tích lũy vốn từ trồng trọt, chăn nuôi để đầu tư kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Già làng Hồ Cu Lịch, ở thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc hồ hởi: Nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư thâm canh cây lúa nước, trồng rừng, cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi, cuộc sống của đồng bào bây giờ đã khác trước rất nhiều, không ít hộ đã giàu lên. Chị Dương Thị Gái, ở thôn Lê Lộc 2 phấn khởi không kém: “Mình đầu tư mở hàng quán kinh doanh đã hơn một năm nay nhờ nguốn vốn tích lũy từ chăn nuôi. Từ khi có hàng quán kinh doanh, thu nhập gia đình mình đã khá hơn nhiều...”. Hôm ở Hồng Bắc tôi còn được gặp anh Hoàng Văn Cường, ở thôn Lê Lộc 1, là người dưới xuôi lên vùng đất này mở cửa hàng kinh doanh để lập nghiệp. Tiếp xúc với tôi, anh Cường phấn khởi: “Toàn xã hiện có hơn 90% số hộ có xe máy, gần 100% hộ sử dụng điện và nước sạch. Một đến hai năm sau, khi những diện tích rừng kinh tế cho thu hoạch, đời sống bà con sẽ khá hơn rất nhiều”.
Bài và ảnh: Quốc Tuấn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top