ClockThứ Bảy, 06/09/2014 11:01

Thăm lại trường xưa

TTH - Hơn mười năm đi dạy, tôi có cái duyên là ở 4 ngôi trường là vùng giáp biên của huyện Hương Phú (nay là huyện Phú Vang và thị xã Hương Thủy); đặc biệt là hai ngôi trường ở thượng nguồn và hạ nguồn dòng Hương. Trước thềm năm học 2014- 2015, tôi có chuyến ngược dòng về thăm trường cũ.

Năm 1980, tốt nghiệp Trường Đào tạo cán bộ quản lý giáo dục Bình Trị Thiên, tôi được điều động về Trường phổ thông cơ sở (PTCS) xã Phú Thanh, với chức danh Phó hiệu trưởng. Ngôi trường nhỏ xinh xắn ở thôn Quy Lai. Biết tôi về Phú Thanh, nhiều học sinh, phụ huynh cũ đến thăm (những năm trước khi tôi dạy ở Trường PTCS Phú Dương, số học sinh cấp hai phổ thông ở Phú Thanh đến đây để học (Các xã Phú Thượng, phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân, Thuận An, Phú Mỹ, Phú An chưa có trường cấp hai). Phụ huynh học sinh thấy tôi ở nhà tập thể đơn lẻ nên muốn mời tôi về nhà ở. Tôi từ chối. Những lần đến thăm, thấy bữa cơm hàng ngày của tôi quá đạm bạc, bác Hồ Khắc Sâm, phụ huynh em Hồ Khắc Linh, cứ đến bữa sai con mang thức ăn ra trường. Nhiều lần như vậy ngại quá, cuối cùng tôi cũng đành dọn phòng vào ở nhà của hai bác và được gia đình yêu quý như con cái trong nhà.

 Sân trường THCS Phú Thanh đã rợp bóng cây xanh. Ảnh Cao Hương
Khi ở Trường PTCS Phú Dương, tôi làm chủ nhiệm lớp 9 cuối cấp, gồm học sinh Phú Dương và Phú Thanh. Các em ở Phú Dương học tập, rèn luyện tốt. Các em ở Phú Thanh thì ngược lại. Trong một lần sinh hoạt, thấy các em ở Phú Thanh bị bạn phê bình dữ quá, trai cũng như gái đều cúi mặt xuống bàn chịu trận. Cuối giờ tôi nói với các em, các bạn ở Phú Dương phê bình các bạn ở Phú Thanh là đúng không có gì sai. Thầy chỉ mong một điều là các em ở Phú Dương cũng cần thông cảm và yêu thương bạn mình. Các em có biết không, khi các em ở Phú Dương đang trong chăn ấm, chỉ nghe tiếng trống trường, tung chăn đến lớp đã kịp giờ, được khen, thì các bạn Phú Thanh đang vượt qua cánh đồng lầy lội trong mưa rét hàng cây số để đến trường đúng giờ? Bỗng các em gái Phú Thanh khóc nấc lên: “ Thầy ơi, lâu lắm rồi chúng em mới nghe những lời thông cảm như thế… Chúng em sẽ cố gắng!”. Từ một lớp yếu kém nhất trường, sau đó đã trở thành lớp tiên tiến của trường về học tập và giỏi nhất về lao động.
Trường PTCS Phú Thanh giờ đã tách thành hai trường với hai bậc cấp học tiểu học và trung học cơ sở. Cảnh cũ người xưa nhiều thay đổi, 34 năm rồi còn gì? Nhiều học sinh cũ trở thành giáo viên kỳ cựu của trường. Cậu học trò cũ Hồ Khắc Linh, con bác Sâm giờ là Bí thư Đảng ủy xã. Hôm gặp Linh ở trường tôi chỉ kịp nói với đồng chí bí thư: “Xã mình nghèo, để thoát nghèo bền vững là phải đầu tư cho giáo dục em nhé!”
Trong những bước chuyển mình của Phú Thanh, nổi trội có lẽ là giáo dục. Từ một trường thuộc tốp dưới của ngành giáo dục Phú Vang, nay vươn lên tốp đầu. Các cấp học mầm non, tiểu học, THCS thành trường chuẩn quốc gia. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thanh cho hay: 2013-2014 là năm học đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, không có học sinh cá biệt vi phạm đạo đức, tệ nạn xã hội; 100% học sinh trong trường được xếp loại hạnh kiểm tốt và khá; 68% học lực giỏi và khá, không có yếu kém. Số học sinh thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh xếp thứ 7 và 9 trên 20 trường THCS trong huyện.
Tôi trở về thăm lại Quy Lai, đi trên con đường rải nhựa phẳng lì. Nhìn ngôi trường cao tầng khang trang, trước sân rợp bóng phượng đã xanh màu lá, lác đác những cánh hoa đỏ vẫn còn như cố níu giữ những chấm nhỏ ký ức về một ngôi trường nơi cuối nguồn dòng Hương chảy về với phá Tam Giang.
Ngày Phú Thanh nhập phố, cũng là ngày tôi chia tay với Trường PTCS Phú Thanh, lên đường nhận công tác tại một trường vùng núi chiến khu Dương Hòa: Hiệu trưởng Trường PTCS Thanh Vân. Trường mới ở khu kinh tế mới với tên trường rất lãng mạn. “Thanh Vân” là tên ghép của dân kinh tế mới hai xã Thủy Vân và Thủy Thanh, huyện Hương Thủy. Đây là ngôi trường ở ven sườn đồi bên tả dòng Tả Trạch, thượng nguồn sông Hương. Trường được thành lập năm 1976 cùng việc thành lập khu kinh tế mới Dương Hòa- Lương Miêu. Trường PTCS Thanh Vân có 3 cơ sở: Dương Hòa, Thanh Vân, Hai Nhánh. Thanh Vân văn phòng trung tâm trường. Mỗi cơ sở cách nhau năm đến bảy ki lô mét có cả đường rừng, nếu từ Thanh Vân muốn đến cơ sở Hai Nhánh. Đây là ngôi trường gây ấn tượng nhất trong đời đi dạy học của tôi.
Đầu tháng 11/2013, thầy giáo Lê Văn Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trưởng TH&THCS Dương Hòa gọi điện: “Trường mình được công nhận là trường chuẩn Quốc gia rồi anh ạ. 20/11 này, trường tổ chức kỷ niệm và đón quyết định luôn. Báo trước với anh…”. Hai tiếng “trường mình” làm tôi xúc động. Năm đầu tiên tôi lên nhận nhiệm sở, Ngọc là sinh viên mới ra trường. Ngọc là một trong số ít còn lại bám trường suốt 35 năm niên học đã qua. Cô Trần Thị Tình, Hiệu trưởng bây giờ cũng là người như thế. Hôm gặp nhau kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, giáo viên cũ của trường từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế về hội ngộ khá đông đủ. Ký ức trường cũ cứ râm ran. Nhớ lại năm 1981-1982, có một đoàn cán bộ địa chất đến công tác tại Dương Hòa. Họ mang theo những máy khoan thăm dò, đo đạc. Họ cho biết rằng, đang khoan thăm dò địa chất để xây dựng một công trình thủy điện tại đây. Nghe vậy, ai cũng mong điều đó mau thành sự thật. Và điều đó đã thành sự thật hôm nay, những… 30 năm sau!
Thầy Ngọc dẫn tôi đi lên tầng thăm các phòng học và phòng chức năng. Nhiều trường ở phố chưa hẳn sánh kịp. Các thầy cô giáo đều giảng dạy bằng giáo án điện tử. Các phòng học đều có màn hình máy tính được kết nối internet thay cho bên cạnh bảng đen. Đội ngũ giáo viên nhà trường 100% đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn gần 82%... Điều làm tôi ngỡ ngàng là tại phòng truyền thống của trường, có treo các bức ảnh chân dung các thầy giáo từng là hiệu trưởng qua từng thời kỳ và có cả bức ảnh tôi tự tay chụp hội đồng giáo viên trước ngôi nhà lợp tranh được xem là “văn phòng hội đồng” mà thầy giáo Ngọc cố công cất giữ mấy chục năm qua.
 Cô giáo Nguyễn Thị Huê, từ thành phố Đồng Hới, Quảng Bình vào từ hôm trước ngày gặp mặt, ôm lấy Hiệu trưởng Trần Thị Tình mà rằng: “Ôi, ngày ấy sao mà khổ thế. Lớp học chỉ là những mái tranh, học sinh lèo tèo. Thỉnh thoảng, giữa chừng lại có em lên cơn sốt rét. Cô trò chỉ biết ôm nhau vào lòng cho đỡ run qua cơn sốt mà thôi… Mới đó mà đã gần 35 năm… Có gian khổ ấy nên nhớ được lâu!
Năm học mới này, hầu hết các cô giáo lứa đầu tiên này sẽ nghỉ hưu. Những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp trồng người đã để lại trong tâm trí mỗi người những ký ức về ngôi trường chứa chan kỷ niệm buồn, vui xen lẫn tự hào. Trường TH&THCS Dương Hòa sẽ là “trường mình” mãi mãi yêu thương phía thượng nguồn, hợp thành con sông mang theo dòng chảy hương hoa- sông Hương, dòng thơm bất tận.
Bài và ảnh: Tâm Hành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng

Sáng 20/4, Trường cao đẳng Du lịch Huế (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm việc, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng
“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Return to top