ClockThứ Ba, 03/05/2016 22:03

Thầm lặng

TTH - Hầu như ai cũng lên kế hoạch cho những ngày nghỉ trong dịp 30/4, 1/5. Người thì đi xa du lịch, thăm người thân, người ở nhà đón người từ xa về. Nhưng, nhiều người vì đặc thù công việc nên không được nghỉ lễ, hoặc nghỉ không trọn vẹn. Gia đình họ cũng không thực hiện được những cuộc vui. Họ là cán bộ công nhân viên các ngành: y tế, truyền hình, bưu điện, đường sắt…

Chọn nghề thì phải theo nghề

Gặp tôi trước sảnh thang máy tầng 1 Bệnh viện Trung ương Huế, hộ lý Nguyễn Thị Thúy, sống trong một con hẻm trên đường Điện Biên Phủ (TP. Huế) vừa cười vừa trả lời: “Bệnh nhân có nghỉ lễ mô mà mình nghỉ lễ.”. Thúy theo ngành y đến nay đã gần 20 năm. Chị thường xuyên có ca trực vào những ngày lễ, vì thế mà gia đình chị ít có kế hoạch cho những kỳ nghỉ dài ngày.

Đặc thù ngành y khó nghỉ lễ

Đối với cán bộ, viên chức ngành y tế, công tác chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho người dân luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu. Họ vui vẻ nhận lịch trực, thậm chí sẵn sàng đáp ứng lệnh điều động bất cứ lúc nào. Bác sĩ D., Khoa Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế, tâm sự: “Bệnh nhân của chúng tôi nhiều người chỉ còn đếm tháng, đếm ngày, thậm chí là đếm giờ. Những khoảnh khắc cuối cùng được sống trên thế gian với họ quan trọng hơn những cuộc vui của chúng tôi, nên chuyện nghỉ lễ không trọn vẹn đã trở thành quen thuộc”. Tuy nhiên, không phải tất cả những người làm trong ngành y đều không có ngày nghỉ lễ. Họ thường chia phiên cho nhau. Người nghỉ dịp này thì dịp khác phải trực. Song, nhiều bác sĩ, y tá… đến phiên nghỉ của mình lại từ chối vì không yên tâm với bệnh nhân họ đang trực tiếp theo dõi. Bệnh nhân thì lúc nào cũng có, nhiều khi ngày lễ lại đông hơn. Nhất là ở khoa cấp cứu, cường độ công việc những ngày này tăng nhiều lần. Họ đón bệnh nhân bị tai nạn giao thông, say xỉn, ngộ độc… nên có khi phải làm việc liên tục 24/24 giờ.

Lễ, tết đối với ngành bưu chính viễn thông cũng bận rộn hơn bình thường và không mấy ai được nghỉ lễ trọn vẹn, bởi những kiện hàng, những con tem, những lá thư… là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống mỗi ngày. Chị Lê Thị Hương Giang ở đường Lương Y (TP. Huế), công tác tại ngành bưu chính đến nay gần 25 năm, tâm sự: “Làm việc ngày nghỉ ư? Bình thường thôi, chẳng có kỳ nào mình được nghỉ trọn vẹn, nên cũng quen rồi”. Không chỉ bưu điện trung tâm, hầu hết các bưu cục ở huyện, xã đều mở cửa phục vụ liên tục, nhất là bộ phận dịch vụ. Vào dịp Tết Nguyên đán, khách hàng còn có nhu cầu tặng quà cho người thân. Người thì đặt hàng cho bưu điện, người thì mua quà đến nhờ đóng gói trước khi gửi… Số lượng bưu kiện thường gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Theo đó, các kíp trực cũng phải tăng thêm người mới cáng đáng hết công việc.

Không phải ai cũng được hưởng phụ cấp

Rất nhiều cán bộ, công nhân viên không được nghỉ lễ, tết trọn vẹn. Vẫn biết rằng, họ phải chấp nhận công việc mình đã chọn. Mỗi người rồi cũng tìm được niềm vui khi người khác đang quên đi những mệt nhọc để tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch.

Nghỉ lễ, nhân viên bưu điện vẫn thay nhau phục vụ khách hàng

Anh Nguyễn Hồng Khoa, làm việc tại Khách sạn New Time ở đường Đội Cung (TP. Huế) cho biết: “Những kỳ nghỉ lễ dài ngày là mùa thu hoạch của các khách sạn, nhân viên không được nghỉ lễ mà còn phải tăng ca”. Vậy nhưng, không phải ai làm việc ngày nghỉ cũng được hưởng chế độ phụ cấp ngoài giờ, nhất là các khách sạn tư nhân, nhân viên làm tăng ca chỉ được chấm thêm ngày công bình thường. Một số đơn vị như bưu chính, dịch vụ… lãnh đạo của họ có kế hoạch sắp xếp cho nhân viên nghỉ bù nên người đi làm việc ngày nghỉ không được hưởng thêm khoản phụ cấp nào. Riêng ngành Công an thì chuyện tăng cường trong các dịp lễ, tết đã trở thành nhiệm vụ. Cứ lễ, tết thì cường độ công việc của ngành này tăng lên nhiều lần do lưu lượng người nhộn nhịp hơn, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp xảy ra như trộm, cướp, đua xe… Chiến sĩ Lê Thị Thủy, làm việc tại Công an tỉnh cho biết: “Bất cứ khi nào, dù đang nửa đêm mà có lệnh điều động thì chúng tôi phải lập tức có mặt. Những kỳ nghỉ chúng tôi phải xử lý nhiều vụ trọng án hơn bình thường”. Tất cả chiến sĩ phải trực 100% trong những ngày nghỉ lễ là nhiệm vụ của ngành. Lực lượng vũ trang là lực lượng đặc biệt nên họ chẳng quan tâm đến phụ cấp hay chế độ khi phải tăng cường công việc.

Nói về phụ cấp, anh T., điều dưỡng viên Bệnh viện Quốc tế tâm sự: “Trực lễ, tết chúng tôi được hưởng phụ cấp tối đa 150%. Nhưng thực tế, áp lực công việc những ngày đó nặng nề hơn nhiều. Đã chọn nghề thì theo nghề chứ đâu thể tính toán.”.

Chẳng ai thích hưởng phụ cấp để không có những kỳ nghỉ cùng gia đình. Những kỳ nghỉ dài ngày là thời gian các gia đình thoải mái cho các hoạt động văn hóa, du lịch. Vì thế, sự hy sinh cho công việc của những công nhân viên chức làm việc ngày nghỉ là không thể đong đếm.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguyễn Thanh Hiếu - người anh hùng thầm lặng - Bài 1: Người anh, người đồng đội tình nghĩa

Khi làm phim “Huế - bản hùng ca Xuân 68”, tôi được các ông: Nguyễn Trung Chính và Phan Nam, lúc ấy đều là Thành ủy viên nằm trong Ban Chỉ huy cánh Bắc của Mặt trận Huế cho biết, tham gia “mở cửa Chánh Tây”, ngoài lực lượng tại chỗ, ta còn phái vào một cán bộ đặc công. Người đó tên là “Hiếu” nhưng họ là gì, quê quán ở đâu các ông không rõ. Mãi đến gần đây, trong một cuộc trò chuyện, khi nhắc đến nhân vật này, nguyên Bí thư Thành ủy Huế Nguyễn Văn Quang thốt lên: “Tôi vừa là đồng đội và là người em thân mến của anh Hiếu!”.

Nguyễn Thanh Hiếu - người anh hùng thầm lặng - Bài 1 Người anh, người đồng đội tình nghĩa
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh Chính trị nội bộ (10/5/1958 – 10/5/2023)
Thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, các tên gọi khác nhau, lực lượng An ninh Chính trị nội bộ (ANCTNB), Công an tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng; tận tụy với công việc, vì Nhân dân phục vụ, lập nên những chiến công thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, quyết liệt.

Thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng
Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”

20 thành viên trong tổ nuôi quân vẫn ngày ngày âm thầm lặng lẽ đi sớm, về muộn cùng công việc “anh nuôi” của mình, phục vụ mỗi ngày hơn 1.000 suất ăn cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đó là hình ảnh những chiến sĩ nuôi quân ở Tiểu đoàn 1, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, những người lặng lẽ đóng góp vào những thành tích chung của đơn vị.

Thầm lặng những chiến sĩ “anh nuôi”
Thầm lặng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép

3 năm cam go vừa bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã nỗ lực gấp bội để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép.

Thầm lặng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép
Thầm lặng góp những chiến công

Bằng sự tận tâm, nhiệt huyết, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (HSNV) Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ phá thành công nhiều chuyên án, vụ án quan trọng.

Thầm lặng góp những chiến công
Return to top