ClockThứ Năm, 09/05/2019 14:13

Thầm lặng cứu chữa bệnh nhân phong

TTH - Đó là điều mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp “mặc định” cho bác sĩ CK I Lê Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Phong - Da liễu tỉnh. Bác sĩ Đông là người đã thầm lặng sẻ chia, cứu chữa bệnh nhân phong ở Thừa Thiên Huế gần 30 năm nay, một căn bệnh được xem là 1 trong 4 chứng nan y ngày trước.

Tận tụy với bệnh nhân“Duyên nợ” với bệnh nhân laoKỳ thị với bệnh nhân phong đã là chuyện quá khứ

Bác sĩ Lê Đông tư vấn, điều trị bệnh nhân phong tại BV Phong - Da liễu tỉnh

Làm bạn với bệnh nhân

Chiều đầy nắng, tôi tìm đến gặp bác sĩ Đông tại BV Phong-Da liễu tỉnh theo đúng hẹn. Đúng như nhiều người chia sẻ, ông cẩn trọng từ lời nói, cách thông tin về bệnh tật cho người mà ông gặp lần đầu. Qua những câu chuyện, tôi cảm nhận rõ hơn về bệnh phong và nhiều ký ức buồn của nó.

Vì hoài bão của bản thân và gia đình, sau khi rời quân ngũ ở chiến trường Campuchia, năm 1983 ông thi vào Trường ĐH Y dược Huế và nhận bằng bác sĩ đa khoa vào năm 1990. Sau đó, ông về đầu quân "không công" tại Khoa Da liễu, BV Trung ương Huế. Năm 1993, ông định biên vào Trạm Da liễu tại 243 Chi Lăng, Huế (Sở Y tế). Hàng ngày, công việc của ông là khám điều trị các bệnh xã hội liên quan về da, rồi "nối gót" đồng nghiệp đi trước, tiên phong trong hoạt động phòng, chống bệnh phong trên địa bàn.

Ông nói, thời điểm ông mới vào nghề và trước đó, phong là căn bệnh khủng khiếp, xã hội ấn tượng nặng nề. Có người biết mình mắc bệnh phong đã về nhà tự tử vì biết không thể sống với những định kiến của xã hội. Cũng chính định kiến ấy một ký ức buồn mà hẳn người dân Huế không thể quên làng phong tồn tại qua mấy thập niên bên chân đèo Hải Vân sống cách biệt với bên ngoài...

Là người trong cuộc, ông không hiểu sao thời điểm đó bệnh phong lại bị xã hội định kiến đến mức ghê sợ như thế. Trong khi đó, theo các y văn cũng như kinh nghiệm thực tế của ông, bệnh phong rất khó lây và không phải bệnh do tính di truyền. Thế nhưng khi ấy, khắc phục tâm lý sai lệch của xã hội là điều rất khó nên ông đành dấn thân "làm bạn" với bệnh nhân phong. Hàng tuần, ngoài công việc ở trạm, hễ rỗi rãi ông về cơ sở, gặp gỡ cán bộ địa phương với mong muốn tháo gỡ định kiến về bệnh phong. Ông tìm đến các gia đình có bệnh nhân phong cùng ăn, cùng ở, tư vấn phòng ngừa cách điều trị mà không ít đồng nghiệp lúc ấy gọi hành động đó của ông là “điên”, là “khùng”.

Thời điểm đó, việc "làm bạn" với bệnh nhân phong, cứ cuốn ông xa vợ con, gia đình. Không chỉ đồng bằng, cả vùng núi Nam Đông, A Lưới giao thông cách trở nhưng ông thường xuyên có mặt để truyền thông, tư vấn điều trị giúp mọi người hiểu về bệnh phong. Càng đi nhiều, ông càng bận lòng khi nhận thấy, ngay cả khi những trường hợp khỏi bệnh nhưng cũng khó thể hòa nhập cộng đồng vì đã trót mang tiếng bệnh “hủi”. 

Sau năm 1995, chương trình phòng, chống phong ở Việt Nam mới hình thành và trở thành chương trình y tế quốc gia. Quá trình thực hiện chương trình này, bác sĩ Đông như vớ được phao và có điều kiện quan tâm bệnh nhân phong nhiều. Từ tuyên truyền, tư vấn, khám điều trị tại Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh (lúc này, Trạm Da liễu trở thành Khoa Da liễu, thuộc TTPC các bệnh xã hội tỉnh) đến những chuyến công tác về cơ sở để khảo sát, giúp cơ sở tư vấn điều trị bệnh nhân phong, góp phần làm giảm tỷ lệ lưu hành bệnh trong dân ông đều có mặt.

Nhớ lại chuyện xưa ông nói, trước năm 2000 không riêng bệnh nhân phong, mà nhiều người mắc chứng bệnh về da ở các xã huyện Nam Đông đều "né" các cơ sở y tế mà chỉ tìm đến thầy mo cúng bái. Đó là thời điểm bác sĩ Đông thuộc nhiều tên đất tên làng ở Nam Đông, dốc sức tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh phong. Việc bác sĩ Đông vào xã Hương Lộc (Nam Đông) nhiều ngày nài nỉ xin tiếp cận người nhà chữa trị cho em bé 13 tuổi mắc phong mà gia đình không dám đưa cháu đến trường đã “thức tỉnh”, đem đến niềm tin cho người dân ở đây.

Xem bệnh viện là nhà

Năm 2014, Khoa Da liễu trở thành BV Phong Da liễu tỉnh, bác sĩ Đông được bổ nhiệm Phó Giám đốc BV. Ông tham mưu lãnh đạo đơn vị đào tạo nhân lực và xây dựng kế hoạch định hướng đầu tư trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật mới điều trị bệnh... Một đột phá quan trọng là ông đã tham mưu lãnh đạo đơn vị đổi mới phương cách phục vụ làm hài lòng bệnh nhân. Bên cạnh đó, ông mạnh dạn đề xuất dành trọn một khoa để điều trị nội trú cho các bệnh nhân phong, với 10 giường bệnh, không ảnh hưởng đến mọi người chung quanh.

Hiện nay, ngoài công tác quản lý, hàng ngày bác sĩ Đông vẫn đến các phòng bệnh để khám và hỗ trợ, chuyển giao "cầm tay chỉ việc" cho các đồng nghiệp trẻ thực hiện cụ thể từng ca bệnh, đặc biệt là bệnh nhân phong. Một người bạn của tôi làm việc ở BV Phong Da liễu tỉnh chia sẻ, bác sĩ Đông là người của công việc. Ông thường xuyên dặn dò, nhắc nhở đồng nghiệp trẻ dù ở vị trí nào khi mặc blouse trắng phải biết quan tâm chia sẻ để bệnh nhân giảm bớt nỗi lo bệnh tật.

Còn ông C. ở phường Hương Xuân, Hương Trà đang điều trị ở BV Phong Da liễu tỉnh tâm sự: “Bác sĩ Đông là người nhẹ nhàng mỗi khi đến thăm bệnh nhân. Dù có đau đớn về bệnh tật, tôi vẫn luôn được  mọi người và bác sĩ Đông động viên để sống tốt, lạc quan hơn”.

TTUT, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Nhật Nam, Giám đốc BV Phong Da liễu tỉnh cho hay, hành trình phòng chống bệnh phong trên địa bàn không còn nan giải như trước. Cộng đồng hôm nay không còn kỳ thị bệnh nhân phong như trước. Trước năm 2000, tỷ lệ bệnh phong quản lý trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 1.500 trường hợp nhưng về sau đội y, bác sĩ hoạt động trong chương trình phòng chống bệnh phong da liễu từng bước thu dung điều trị nội, ngoại trú theo đa hóa trị liệu và phẫu thuật phục hồi chức năng đã giúp bệnh nhân lành hẳn, hòa nhập  cộng đồng. Hiện nay, bình quân mỗi năm trên địa bàn chỉ phát hiện 5-7 trường hợp. Tháng 4 này, Thừa Thiên Huế được Trung ương đánh giá một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của quốc gia được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong cấp huyện theo Thông tư số 17 của Bộ Y tế. Giám đốc BV Phong Da liễu tỉnh Nguyễn Nhật Nam nói: "Thành quả loại bệnh phong cấp huyện là một hành trình của đội ngũ cán bộ y tế hoạt động trong lĩnh vực Da liễu tỉnh; trong đó, công đầu phải kể đến những thầm lặng của bác sĩ Lê Đông trong gần 30 năm qua".

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

Từ thời điểm ra tết, tình trạng bệnh nhân bị tim mạch tăng đột biến 20-30% so với thường lệ khiến các y bác sĩ khá vất vả trong điều trị. Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương (TTTM BVTW) Huế tăng thêm giờ làm, bố trí phẫu thuật cả ngày nghỉ xử lý ca bệnh.

Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn
BỆNH VIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI HUẾ:
Chú trọng chất lượng đội ngũ, phấn đấu nâng hạng bệnh viện

Cùng với tăng cường hiệu quả quản lý sau khi được chuyển giao về địa phương, Cấp ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải (BV GTVT) Huế chú trọng đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Đây là cơ sở tiền đề trong lộ trình đơn vị phấn đấu nâng hạng bệnh viện.

Chú trọng chất lượng đội ngũ, phấn đấu nâng hạng bệnh viện
Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

Triển khai chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử, giấy hẹn khám điện tử, cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính là những quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB) sử dụng BHYT bắt đầu từ tháng 4/2024.

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

TIN MỚI

Return to top