ClockThứ Hai, 13/12/2010 19:37

Thăm người có “hát”

TTH - Khi một số địa phương đang bận rộn với các hoạt động mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12), chúng tôi đã chạy xe máy về Quảng Điền, Phong Điền để thăm và chứng kiến cuộc sống của những người không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

Nhân vật có “hát” đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm là chị N, xã Q, huyện Quảng Điền. Đây là lần đầu tiên tôi biết chị nhưng với những người tôi đi cùng-thành viên Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV thuộc Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, chị là người bạn quen thuộc của họ 5 năm nay. Đó là một phụ nữ còn trẻ, mới 31 tuổi nhưng dáng người rất ốm yếu, xanh xao. Chị đang uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tôi muốn hỏi N nhiều điều nhưng nhìn mặt buồn bã của chị nên lại thôi. Tôi sợ mình trở thành người có lỗi khi khơi lại nỗi đau mà chị cố gắng chôn vùi suốt mấy năm nay.

Khi xuống nhà dưới ngồi chơi với bố mẹ đẻ của chị, cả hai ông bà lại không giấu giếm nguyên nhân dẫn đến nỗi đau của con gái mình. Chính bắt đầu từ con rể họ, trong những chuyến đi xa làm ăn ở Lào, TP Hồ Chí Minh, anh bị lây nhiễm “hát” lúc nào không hay, sau đó nhanh chóng truyền sang cho vợ. Căn bệnh đã đưa anh về với tử thần mấy năm trước. Sau ngày chồng mất, N khăn gói cùng hai đứa con về nhà bố mẹ đẻ. Từ ngày biết mình mang căn bệnh mà nhiều người rất sợ hãi, N đã khóc gần như cạn nước mắt. Chị khóc trong lúc ăn, lúc ngủ, lúc làm việc. Nhiều lúc chị đã muốn quyên sinh, nhưng nhìn hai đứa con thơ dại khoẻ mạnh, vui đùa, chị lại cắn răng chịu đựng nỗi đau trong tâm can. N phải sống để trở thành chổ dựa cho con. N buồn nhưng bố mẹ chị cũng có lúc nào vui đâu. “Mỗi lần nhìn thấy bạn bè con gái mình khoẻ mạnh, vui tươi, đuề huề chồng con là tui lại ứa nước mắt, nhưng tui lại khao khát sống để có chỗ dựa cho mẹ con nhà nó”-ánh mắt người mẹ già của N lại ngân ngấn nước.
 
Giống như trường hợp của N, chị H ở xã H, huyện Phong Điền cũng lây căn bệnh này từ chồng. 10 năm về trước, sau những chuyến đi làm ăn xa, anh mắc bệnh và lây cho vợ. “Mất chồng, lại mang trong mình HIV, tui buồn không tài nào tả xiết. Đó là khoảng thời gian đớn đau nhất trong cuộc đời. Buồn nhất là ngày ấy mọi người đều kinh hoàng khi nghe đến cái tên “sida” nên xa lánh, kỳ thị. Bây giờ, mọi chuyện cũng đã khá lên rồi, nhiều người đã hiểu về căn bệnh HIV/AIDS, không còn ghê sợ, ngược lại đã chia sẻ, hoà đồng cùng mẹ con tui”- giọng chị H phấn chấn. Có lẽ vì được nhiều người thương cảm, tinh thần cũng không hoảng loạn như trước đây, nên sau 10 năm mang bệnh, chị H vẫn khá khoẻ mạnh. Hiện chị mở quầy hàng tạp hoá buôn bán. Cuộc sống còn những khó khăn ở phía trước, nhưng sự đồng cảm của mọi người đã giúp chị vững tin để chèo chống nuôi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Bé N.L bị nhiễm HIV từ trong bụng mẹ
 
Ghé về xã P, chúng tôi có dịp gặp gỡ một gia đình có 3 người mắc “hát”. Thực ra, khoảng 5 năm trước, khi về xã, nhiều người đã kể cho chúng tôi về gia đình này. Đó là trường hợp một người chồng còn trẻ bị “hát” đã truyền bệnh cho vợ. “Hoạ vô đơn chí” khi do bất cẩn mẹ vợ và em gái vợ cũng dính luôn bệnh này. Đến nhà chị Th, vợ của người chồng quá cố, chị đã đi tham gia các hoạt động từ thiện. Chúng tôi rẽ sang nhà bà L- mẹ của chị, đúng lúc bà đang đi vớt bèo về. Đó là một phụ nữ đang ở tuổi lục tuần, dáng người đen đen, gầy gầy. Bước vào ngôi nhà của bà, chúng tôi đã gặp đứa con gái sau của bà L cũng mang bệnh “hát”.
 
Câu chuyện giữa chúng tôi cũng chỉ xoay quanh sức khoẻ họ hiện nay như thế nào, việc đồng áng dạo này ra sao. Nghe theo lời khuyên bảo của những người đi cùng, tôi không muốn khơi lại nỗi đau của họ. Chỉ khi đứng bên em gái của Th, tôi mới dám hỏi vài câu. Cô gái 24 tuổi này kể rằng, khi biết mình bị bệnh, em chẳng hiểu bệnh đó nguy hiểm thế nào. Chỉ biết rằng mọi người trong gia đình khóc lóc thảm thiết. Sau này hiểu được, em bắt đầu sống trong chuỗi ngày buồn bã, chỉ ở nhà, ít đi đâu xa. Tôi nhìn lên tấm ảnh treo trên tường của cô gái trẻ này chụp với mẹ. Đó là một cô gái tràn đầy sức sống với nụ cười hồn nhiên trên môi. Nhưng bây giờ thì em đã khác, ốm đi nhiều và đôi mắt buồn thăm thẳm. Em và mẹ hiện đang uống thuốc điều đặn để điều trị.
 
Nhân vật cuối cùng mà chúng tôi ghé thăm ngày hôm ấy là cô bé N.L ở xã P. Tim tôi như thót lại trước hình ảnh một cô bé 7 tuổi xinh xắn, nhỏ nhắn, mỏng manh co ro trong cái lạnh giữa đông. Số phận thật đắng cay khi bố mẹ N.L mất lúc em mới chập chững những bước đi đầu tiên. Điều không ai muốn đã xảy ra: em cũng mang trong mình căn bệnh ác nghiệt đó. Mới học lớp 2, nhưng N.L đã quen với “thực đơn” thuốc điều trị HIV hàng ngày: uống liều lượng bao nhiêu, thời gian lúc nào. Mồ côi ba mẹ, sống với ông bà ngoại đã già nên không chỉ thiếu thốn về tình cảm, em còn khó khăn về vật chất. Những người đi cùng với tôi kể lại, trước đây N.L sống thu mình như một con ốc, nhưng bây giờ em bắt đầu chịu nói chuyện với mọi người…
 
Một ngày đi thăm những người có “hát”, trong tôi dâng lên bao suy nghĩ, cảm xúc. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ gương mặt của từng người, đặc biệt là cô bé N.L nhỏ nhoi tội nghiệp bên đống sách vở lớp 2 và ngăn thuốc điều trị bệnh. Trong số họ, có người là nạn nhân nhưng cũng có trường hợp không phải vậy. Với tôi, họ cũng là những người đáng thương, đáng được chia sẻ, nhất là khi họ đang cố gắng vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội. Với suy nghĩ như vậy nên Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV thuộc Tuệ Tĩnh đường Hải Đức vẫn không ngại đường xa, mưa hay nắng, mỗi tháng đều đến thăm hỏi những người có “hát”. Tuy thế, câu chuyện của những người nhiễm HIV vẫn là bài học cho tất cả mọi người. Những lời khuyên “sống chung thuỷ một vợ, một chồng” “không quan hệ tình dục bừa bãi”, “khám sức khoẻ trước kỳ hôn nhân”… đến bây giờ và mai sau vẫn còn giá trị.
Thùy Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, sáng 16/4 Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong nước nhằm đánh giá những kết đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau cao hơn năm trước
Return to top