ClockThứ Năm, 17/01/2013 11:22

Thăm nhà văn Chăn Thy

TTH - Tôi có một “đại gia đình” 17 thành viên gồm vợ, con, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại đang làm ăn, sinh sống ở Thủ đô Viên Chăn (Lào) nên hàng năm tôi vẫn thường sang Viên Chăn một hai lần. Mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những ấn tượng đẹp về đất nước “Triệu Voi”. Chuyến đi Viên Chăn cuối năm 2012 vừa qua, ấn tượng sâu sắc nhất là cuộc viếng thăm nhà văn Chăn Thy - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Lào.

Nghe tiếng ông Chăn Thy đã lâu nhưng phải đến khi đọc bài viết của nhà văn Hoàng Minh Tường, thuật lại cuộc du thuyền trên vịnh Hạ Long cùng vợ chồng ông trong chuyến ông sang Thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (tháng 1/2010), tôi mới biết kỹ hơn về ông. Thì ra bố ông là người Việt, tên là Hồ Sĩ Đường, gốc gác họ Hồ ở Quỳnh Đôi nhưng sinh sống ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Mẹ ông người Tày ở huyện Con Cuông. Theo lời ông kể thì bố ông đi bộ đội Việt Minh, mẹ ông sang Lào rồi bị bệnh mất. Ông được một gia đình giàu có người Mèo nhận làm con nuôi. Năm mười hai tuổi ông trốn nhà đi theo bộ đội Lào, làm giao liên… Năm 1961, ông được cử sang Việt Nam học trường báo chí, rồi trở về làm phóng viên Đài Phát thanh Lào. Năm 1970, ông lại được cử sang Việt Nam, học ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Tác phẩm đầu tay của ông là Người con yêu quý của Tổ quốc (xuất bản năm 1962). Đến năm 1965, ông cho ra mắt tập Ánh sáng của Cách mạng và bắt đầu nổi tiếng từ đó. Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô (cũ), CHDC Đức (cũ) đã dịch tác phẩm này…

 

Chỗ trang trọng nhất trong phòng khách nhà văn Chăn Thy

 

Ông từng làm Tổng Biên tập báo Nhân dân Lào, Tổng Thư ký và Chủ tịch Hội Nhà văn Lào, được nhận danh hiệu nhà văn ưu tú do Nhà nước Lào phong tặng. Sau chuyến đi dự Hội nghị uốc tế giới thiệu văn học Việt Nam về được đâu vài tháng thì ông bất ngờ bị tai biến mạch máu não, phải nằm bệnh viện điều trị một thời gian khá dài. Hiện sức khỏe của ông đã dần hồi phục nhưng đi lại còn rất khó khăn. Vào dịp tết Lào năm ngoái (giữa tháng 4, dương lịch), tôi cùng các anh chị trong đoàn Nhà văn Huế may mắn được dự lễ buộc chỉ tay chúc phúc ông do các bạn Lào tổ chức. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã ghi chép khá cụ thể và sinh động về buổi lễ giản dị mà nồng ấm này (bài đăng ở Tạp chí Nhà văn, số tháng 5-2012). Đó là lần đầu tiên tôi được gặp nhà văn Chăn Thy. Đến bây giờ những giọt nước mắt lăn trên gò má ông vẫn còn hiện rõ trước mắt tôi. Bởi vậy nên chuyến sang Viên Chăn vừa rồi, tôi dự định tìm đến thăm ông bằng mọi giá. Các con tôi có biết tiếng ông nhưng không biết nhà ông ở đâu. Những người bạn Lào của con trai tôi cũng chẳng ai biết. Nhưng tôi vẫn quyết tâm tìm cho bằng được. Và tôi đã gặp may.

 

Một buổi sáng đẹp trời, đang ngồi uống cà phê ở Sài Gòn quán với các con, tình cờ có người phát hiện ra tôi:

 

- Thầy là nhà thơ Mai Văn Hoan, em đọc thuộc rất nhiều bài thơ tình của thầy.

 

Một anh bạn trẻ, nói giọng Huế mừng rỡ đến bắt tay tôi. Thì ra cậu ta nguyên là cựu học sinh Quốc Học, sang Lào làm ăn đã bảy tám năm nay. Câu chuyện thơ phú nhờ đó mà trở nên rôm rả. Có một người đã đứng tuổi, nước da hồng hào, dáng dấp nghệ sĩ, ngồi ở bàn bên cạnh, lắng nghe rất chăm chú, rồi đột ngột hỏi tôi:

 

- Có phải khi lên làm Chủ tịch nước, Bác lấy tên Hồ Chí Minh để tri ân một người họ Hồ đã cứu Bác thời hoạt động bí mật không?

 

Thì ra, người đàn ông đứng tuổi, có nước da hồng hào, dáng dấp rất nghệ sĩ ấy là một người họ Hồ . Tên anh là Hồ Hữu Phú. Trước đây anh vốn là một “đại gia” Việt kiều ở đất Viên Chăn. Mới đây, anh được bà con họ Hồ ở Viên Chăn tín nhiệm cử làm trưởng ban đại diện. Dịp Thành nhà Hồ được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, anh có về dự. Anh kể về chuyến đi ấy một cách hào hứng. Anh quay sang hỏi tôi:

 

- Anh Hoan có biết ông Chăn Thy không? Ông Chăn Thy cũng người họ Hồ đó. Tên Việt của ông là Hồ Sĩ Thìn. Ông ấy sinh năm 1940, quê Nghệ An.

 

Tôi nói với anh Phú là tôi đã hân hạnh được dự lễ buộc chỉ tay chúc phúc ông Chăn Thy hồi năm ngoái. Tôi rất muốn đến thăm ông nhưng không biết nhà. Anh Phú sốt sắng:

 

- Thế thì tôi sẽ đưa anh đến nhà ông ấy ngay bây giờ. Tôi với gia đình ông ấy là chỗ thân tình với nhau.

 

Tôi mừng rỡ nhảy lên xe anh Phú. Chưa đầy mười phút, chúng tôi đã đến nhà ông Chăn Thy.

 

Nhà ông Chăn Thy ở gần chùa nên khá yên tĩnh. Cạnh bờ tường chùa là một hàng tháp và tượng Phật sơn màu vàng tươi. Ngôi biệt thự hai tầng gọn gàng, ngay ngắn, kiến trúc theo một kiểu riêng không giống các biệt thự của người Lào mà tôi từng thấy. Khuôn viên không quá rộng, chỉ đủ để trồng một ít cây ăn quả và cây cảnh. Tầng trệt gồm phòng ngủ, phòng khách, thư viện nhỏ, phòng ăn và bếp. Tầng hai dành cho các con. Tất cả đều được sơn màu trắng sữa, sạch và mát. Trong phòng khách, ông dành một chỗ trang trọng đặt ảnh Bác Hồ phóng to. Dưới ảnh Bác là chân dung thân sinh của ông thời còn trẻ, được vẽ truyền thần. Chỉ riêng điều này cũng đã phần nào nói lên tình cảm sâu nặng của ông đối với quê hương Việt Nam. Gần với phòng khách là thư viện nhỏ của gia đình ông. Trong thư viện đặt năm, sáu giá sách làm bằng gỗ tốt. Sách xếp theo thứ tự, hàng lối ngăn nắp. Tôi nhận ra tập tự truyện Đường đời khá dày của ông. Mặt trên giá sách đặt một số bức ảnh lồng khung kính, gồm: ảnh Thủ tướng Lào trao tặng bằng tôn vinh ông là Nhà văn uu tú của đất nước Lào, ảnh vợ chồng ông thời mới cưới, ảnh chụp với gia đình thông gia… Ông Chăn Thy nằm thư thái trong phòng ngủ, trên chiếc giường trải drap màu trắng. Trông ông vẫn hồng hào, khỏe mạnh. Có điều chân ông đi không được vững, phải dùng chiếc gậy làm bằng inox, có ba chấu ở phía dưới để chống. Bà vợ ông đặt hai chiếc ghế gần bên giường ông để chúng tôi nói chuyện. Biết tôi ở Huế, ông tò mò hỏi tôi về mối quan hệ giữa nhà văn Phùng Quán và Hà Khánh Linh. Tôi kể vắn tắt cho ông nghe xuất xứ tiểu thuyết tình Trăng Hoàng Cung của Phùng Quán. Ông tủm tỉm cười. Ông hỏi tôi về dòng dõi nhà văn Nguyễn Khắc Phê và cuộc sống hiện tại của nhà thơ Võ Quê. Vợ ông - một phụ nữ gốc Hoa phúc hậu và điềm đạm, kể chuyện đi Nông Phênh gặp nhà văn Hà Khánh Linh. Không ngờ hai người cùng trùng nhau ngày, tháng, năm sinh. Thật là trường hợp hy hữu! Bà nói khi nào gặp Hà Khánh Linh thì bảo chị ấy gửi sách mới xuất bản cho bà đọc. Bà là một “fan” hâm mộ văn Hà Khánh Linh. Thấy chiếc bàn máy may hiệu SINGER đã khá cũ đặt ở góc phòng, tôi lấy làm lạ. Hiểu ý tôi, bà Chăn Thy giải thích: Đó là chiếc bàn máy may đã từng giúp ông bà sống qua những ngày tháng khó khăn ban đầu. Nó đã được bán cho người ta từ lâu nhưng ông Chăn Thy tìm mọi cách chuộc lại để làm vật kỷ niệm…

 

Đã sắp đến bữa ăn trưa, hai chúng tôi xin phép cáo từ. Tôi nắm chặt tay ông. Ông nói bằng tiếng Việt, giọng miền Trung đặc sệt:

 

- Cho Chăn Thy gửi lời thăm tất cả!

Mai Văn Hoan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top