ClockThứ Hai, 17/09/2018 09:22

Tham nhũng vặt - vấn nạn nhức nhối

TTH - Chưa có khái niệm chính thức, nhưng tham nhũng vặt cũng là tệ nạn tham nhũng, chỉ khác nhau ở mức độ được quy ra bằng vật chất, trở thành vấn đề xã hội nhức nhối.

Chống tham nhũng: Phải dẹp “sân sau”, điều tra “giàu bất thường”Tham nhũng - Những “con sâu” gặm nhấm

Gây bức xúc trong xã hội

Tham nhũng vặt nói nôm na là nhận hối lộ, là vơ vét của Nhà nước, xã hội và của dân với hình thức nhỏ lẻ, đơn giản. Do tính chất không thường xuyên và mức độ ít nghiêm trọng nên người ta gọi đó là “vặt”. Trong giao dịch hàng ngày của người dân, khi cần làm các thủ tục giấy tờ với các cơ quan hành chính, muốn nhanh cần có phong bì lót tay. Cái phong bì trở thành thông lệ của người dân khi muốn được việc, từ khám chữa bệnh, xin học trái tuyến, cấp quyền sử dụng đất cho đến thủ tục giải tỏa đền bù, sửa chữa nhà cửa, vi phạm giao thông… Nhiều việc tương tự hàng ngày diễn ra mà chúng ta thành quen, không để ý hoặc coi chuyện đó như đương nhiên, chấp nhận tham nhũng vặt như một thực tế tồn tại, với hệ quả là duy trì một nhóm công bộc hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu trong bộ máy công chức.

Với hoạt động của doanh nghiệp thì việc phải duy trì nạn “bôi trơn” đã làm cho chủ các doanh nghiệp nhiều lúc điêu đứng. Khi có thương vụ nhưng chưa kịp “bôi trơn” là có thể bị gây trở ngại dù chỉ là những thủ tục đơn giản, dẫn đến dễ mất cơ hội kinh doanh. Những thủ tục tưởng như bình thường, hợp lệ nhưng khi qua “một cửa” mà quên làm “thủ tục bôi trơn” cũng dễ bị đẩy đi trả về nhiều lần. Có chủ doanh nghiệp bức xúc kiến nghị trong lần được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt rằng: Cần thiết tăng lương cho công chức làm các thủ tục như cấp phép, hải quan… Khoản này có thể được thu tăng thêm trong chi phí của doanh nghiệp để giải quyết cho nhanh. Đó cũng là một cách nhìn mang tính tiêu cực, nhưng phản ánh đúng thực trạng của hạch sách, nhũng nhiễu đang tồn tại thâm căn trong một số ngành có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ngay trong các cơ quan hoặc doanh nghiệp cấp trên và cấp dưới, giữa chủ đầu tư với nhà thầu cũng phải “biết điều” khi muốn làm ăn lâu dài. Chủ đầu tư hoặc cơ quan cấp trên đến kiểm tra hoặc nghiệm thu thì khoản phong bì là không thể thiếu. Đã nhận "lót tay" rồi thì dễ bỏ qua những sai phạm, chất lượng không đảm bảo, cố tình nhắm mắt ký hợp thức hóa cho đủ thủ tục. Đó cũng là lý do tất yếu của các dự án, các công trình bị rút ruột, xuống cấp nhanh khi đưa vào sử dụng.

Phải chống một cách quyết liệt

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Phải kiên quyết loại trừ khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Điều đó thể hiện sự kiên quyết của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy và đội ngũ cán bộ nhằm lấy lại niềm tin đối với Nhân dân. Khâu quan trọng có tính chất quyết định vẫn là con người khi thực thi công vụ. Cần xác định sớm vi phạm để xử lý, không bố trí những người này ở những khâu liên quan giải quyết công việc trực tiếp với dân. Cao hơn nữa đòi hỏi người lãnh đạo phải nghiêm túc làm gương, quan tâm kiểm tra, giám sát và công tâm nghiêm túc trong xử lý sai phạm. Nếu lãnh đạo lơ là, buông lỏng và thiếu trong sáng thì khó mà quyết liệt trong chống tham nhũng vặt. Điều cần thiết là phải loại bỏ cơ chế xin-cho, thực thi đạo đức công vụ liêm khiết, kiến tạo, phục vụ. Chúng ta có trung tâm hành chính công, có quy chế làm việc, tuy nhiên cần phải tiếp tục minh bạch, công khai các loại thủ tục để hạn chế kẽ hở. Nhất thiết phải đầu tư công nghệ mạng, tạo các phần mềm thủ tục thay thế tác động của con người vào các quy trình giải quyết công việc. Trước mắt, cần xây dựng quy chế chặt chẽ về thời gian, thủ tục và ứng xử của công chức khi tiếp dân, tạo cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, trừ thi đua, điều chuyển khỏi vị trí công tác.

Con tàu có thể bị đắm vì những lỗ rò nhỏ là cách nói hàm ý về nạn tham nhũng vặt và hậu quả của nó. Chớ nên xem "vặt" là "nhỏ", bởi nếu không được hạn chế, ngăn chặn thì tham nhũng vặt gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây ấn tượng xấu của người dân đối với cán bộ về đạo đức công vụ, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân vào bộ máy công quyền, cản trở sự phát triển.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Một trong những giải pháp quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) để ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ngay từ sớm, từ xa, tránh bị động...

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo như vậy tại buổi nói chuyện với cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh về định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra chiều 22/1.

Tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm
Ngành thanh tra
Cần nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sáng, làm việc công tâm

Ngày 29/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến, tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tham dự.

Cần nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sáng, làm việc công tâm
Return to top