ClockThứ Năm, 26/05/2011 05:47

Thấm sử cho lớp trẻ

TTH - Mới đây, Trường tiểu học Phước Vĩnh đã có sáng kiến rất hay là tổ chức Đại hội cháu ngoan Bác Hồ cho 400 học sinh xuất sắc của trường ngay tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng. Kỳ đại hội này đã trở thành một kỷ niệm khó quên trong quãng đời học sinh của các em. Thật xúc động khi thấy các em như một đàn chim nhỏ, háo hức trước hiện vật lịch sử. Lạ lẫm là những khẩu thần công bề thế, to như chân voi. Quen thuộc là chiếc mũ tai bèo dễ thương “như một bàn tay nhỏ” của anh bộ đội giải phóng quân mà các em từng biết đến qua một bài thơ từ thời vỡ lòng…


Học sinh Trường TH Phước Vĩnh tổ chức Đại hội cháu ngoan Bác Hồ và tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Cách mạng

Thầy Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để có được những buổi dã ngoại như thế, cái khó nhất là khâu tổ chức, tập hợp, quản lý an toàn cho các em học sinh trong quá trình di chuyển và tham quan. Ngoài bố trí giáo viên, nhà trường phải cắt cử 7 chuyến xe để đưa, đón các em đến điểm tham quan… Vất vả nhưng năm nào trường cũng cố gắng tổ chức cho các em một, hai chuyến dã ngoại nhân kỷ niệm Ngày Thành lập đội, Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế; kết nạp đội viên mới… kết hợp với tham quan di tích lịch sử Chín Hầm, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Đại Nội-Huế… Những chuyến ngoại khóa mới lạ, sinh động này đã giúp các em gắn kết hơn với bạn bè, trường lớp. Đây chính là cách giúp các em hiểu hơn về lịch sử, từ đó thấm sử vào mình.

Cũng với mục đích này, chương trình “xây dựng môi trường thân thiện, học sinh tích cực” trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều trường học đã phối hợp với ngành văn hóa nhận chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng trên địa bàn. Từ bàn tay nhổ cỏ, nhặt rác của các em trong các giờ lao động ngoại khóa, nhiều di tích trở nên sạch hơn, khang trang hơn. Những việc làm thiết thực ấy cũng góp phần giúp thế hệ trẻ gần hơn, gắn bó hơn với di tích, từ đó hiểu hơn, yêu hơn và có ý thức hơn trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Học sinh Trường Quốc Học chăm sóc di tích Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu
Gần đây, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng đã có nhiều nỗ lực trong công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng, đặc biệt là phối hợp tổ chức nhiều hơn các cuộc trưng bày cổ vật, thu hút một lượng lớn công chúng là sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố Huế. Riêng bảo tàng Hồ Chí Minh, ngoài trưng bày tại chỗ, mỗi năm, đơn vị này đưa hàng chục đợt trưng bày, triển lãm về cơ sở, đến vùng sâu, vùng xa. Theo TS Trần Đức Anh Sơn, để lớp trẻ học nhanh hơn, ngấm sâu hơn lịch sử cha ông, một trong những cách tốt nhất là tạo mọi điều kiện tối đa, phối hợp giữa các bảo tàng, nhà nước và nhà trường, để các em được tiếp xúc với hiện vật lịch sử, nhân vật, tư liệu sống… Đó chính là những bài học lịch sử gần gũi nhất, dễ hiểu và dễ tiếp nhận nhất. Tuy nhiên, do nhiều lý do, hiện nay, công tác này chưa được phổ cập mạnh mẽ.
Tiểu Muội
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top