ClockThứ Sáu, 28/10/2016 21:02

Thăm thẳm sang mùa

TTH - Huế có mùa thu không? Đó thực sự vẫn là câu hỏi còn tùy vào cảm nhận của mỗi người. Bởi thời tiết Huế đỏng đảnh như ái nữ vườn xưa, buồn vui thất thường khó lòng nắm bắt. Nhất là cứ độ tháng mười sang, Huế khi nắng khi mưa, khi oi khi lạnh thành ra người nhạy cảm đến mấy cũng chẳng dễ gì hiểu được.

Nhưng mà, dẫu có là đỏng đảnh như thế, Huế vẫn có phút thăm thẳm sang mùa, không chùng chình hay bối rối, mà yêu kiều ngấn lệ bên góc sông buồn. Huế thật xanh khi sang thu, tuồng như màu xanh ấy là tất cả nỗi buồn chiều mộng ở Huế. Bởi xanh nhưng không vui. Xanh mà như tiếc nuối nhiều điều.

Trở lại thăm Huế vào đúng tháng mười. Từ phi trường Phú Bài về thành phố, lòng chộn rộn không yên vì trước đó đã nghe “nì mi, bữa ni hoa sữa nở rồi”. Hoa sữa nở tức là thu đã sang đẫm lắm, dẫu cho ở Huế, sữa ít dậy mùi như ngoài Bắc.

Không thể chờ đợi thêm, nói bác tài đi tới cầu Dã Viên rồi từ đó qua Kim Long ngắm nước sông dâng. Không hiểu sao trong tất cả những nơi ở Huế, tôi thích Kim Long nhất. Chắc vì đây là một trong số ít con đường ở Huế có một mặt điểm xuyết nhà vườn, một mặt nhìn ra sông.

Ngày đó nắng không buông, nước sông Hương bồng bềnh vân vi trên từng con sóng nhỏ, cây lá bên bờ rũ xuống một nét xanh phai. Thuyền chài ung dung quăng lưới, đâu đây có giọng hò của vành nón Kim Luông thả xuống mui rồng cho thoả tâm tư. Đẹp Kim Long. Lam lũ cũng Kim Long. Mà sầu mộng cũng Kim Long. Và nếu như thu Huế có về những nơi mô đẹp nhất, thì chắc chắn phải có một góc ở Kim Long.

Về lại Huế độ thu, nghĩa là chấp nhận đánh cược sự tỉnh táo của lòng mình sẽ không bị nét rũ rượi xanh xao của mùa thu Huế làm cho khốn đốn. Mà thực ra có lúc biết trước sẽ bị làm cho say ngất thì... cũng cứ tự nguyện lao vào.

Sáng, dậy thật sớm đi bộ để cảm nhận chút se lạnh của hơi thu. Mưa mỏng hạt, gió từ sông thổi vào khiến Huế chìm trong màn sương huyền sử. Lòng run rẩy khi bất chợt nhìn thấy những sợi khói gầy guộc bốc ra từ vại nước hến của o nào bán bên Đập Đá. Sợi khói ấy nói cho ta biết sự lam lũ, tảo tần của người phụ nữ Huế trong cuộc mưu sinh.

Đi qua mấy con phố vòng quanh Đại Nội như Lê Duẩn, Lê Huân, Đinh Tiên Hoàng trong nắng chiều vàng ruộm liền nghĩ ngay đến câu ca họ Trịnh: “Ngày xưa sao lá thu không vàng/và nắng chưa vào trong mắt em”. Không biết chính xác Trịnh có viết Nắng thủy tinh ở Huế hay không nhưng mà đi giữa hai hàng cây xanh lá khi đó cứ đinh ninh một niềm câu hát ấy là y sì chất thu ở Huế. Huế dẫu có thu đến mấy vẫn xanh thật là xanh, thậm chí non thật là non và nắng trong veo đổ xuống từ trời.

Nói đến thu Huế, không thể không nói đến mưa đêm. Cơn mưa đêm Huế không sấm chớp báo hiệu mà cứ ập đến bất ngờ. Đêm ấy được nằm trong căn nhà rường của mạ nuôi, cảm nhận rõ sự hồi sinh của gỗ cũ sau nhiều ngày nắng gắt, cảm nhận sự trồi mình nữ tính mềm mại của đất, của lá mục và củi khô khi được tắm mưa. Chúng đã để dành sự khao khát hiền lành của mình và mong chờ một cơn mưa đến. Lắng nghe tiếng mưa khi khoan khi nhặt tưởng như có thể buông bỏ hết buồn phiền, lại muốn yêu thật nhiều, nhung nhớ thật lâu, giữ nhau thật chặt. Lòng dạt theo mưa, muốn chạy thật nhanh ra đầu hồi để ngắm vẻ trong suốt của bông sứ vườn khuya mà nói như Thiền sư Mãn Giác là “nghe tiếng hoa khai” vậy.

Nghe mưa thu ở Huế là nghe sự chuyển dạ của mùa trên từng phiến ngói liệt hoặc thảng trong cơn gió thật nhẹ lướt qua. Những cơn mưa đêm Huế tháng mười không xối xả lũ lượt mà điềm đạm, ân cần để đất trời về sáng được mang một vẻ trong sạch mới.

Mưa hiền như nụ cười của mạ.

Nhưng dẫu cho Huế mùa thu khi mưa hay nắng, sáng sớm hay đêm về thì Huế độ thu trong ý nghĩ của tôi, không phải nét võ vàng lả tả như mùa thu xứ Bắc mà điềm nhiên xanh. Từ màu xanh cây cối trên đường phố đến màu xanh đồi thông Vọng Cảnh, xanh tươi của lá sứ sau mưa đến xanh trầm ngâm bồ đề chùa Từ Hiếu những chiều rớt bão... Màu xanh ấy đã âu yếm nâng niu và gọi tên tất cả những nỗi lòng sang mùa của Huế, khiến cho con tim kẻ lữ khách như bị rơi vào một cơn mộng mị, không biết nhớ chi là nẻo lối đi về...

Nguyên Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xôn xao quả rụng

Những ngày chớm thu mưa giông sùi sụt, cây sấu cho quả đã lâu còn sót lại ít quả ra sau, ngày nào cũng rủ nhau rụng xuống. Sấu chín màu vàng rám nắng, cùi dai và có vị ngọt. Ngày nào mẹ cũng nhặt nhạnh, rửa sạch đất cát để ráo ở rổ đặt trên bàn ăn. Vui miệng, người ra, người vô tiện tay lại nhón một trái nhấm nháp. Tiếc của rơi rụng, mẹ siêng luộc rau hơn, lấy cớ để dầm mấy quả sấu. Rồi mẹ cẩn trọng khía trái sấu thành khoanh, đem ngâm mắm ớt. Mỗi bữa ăn, chén sấu ngâm mắm luôn được đặt giữa mâm, mọi người cứ đưa đũa gắp dằn lên chén cơm như một việc đã được lập trình thành nếp. Dẫu sấu xanh tươi ngon trữ đầy trong ngăn đá tủ lạnh dư sức ăn cả năm, nhưng nhà tôi vẫn luôn “ăn vớt” sấu chín cuối mùa như thói quen mặc định, như sự bảo chứng cho tình người, tình cây gắn bó.

Xôn xao quả rụng
Hào khí mùa Thu tháng Tám

Họ là những bậc cao niên, những cán bộ tiền khởi nghĩa mà chúng tôi may mắn được gặp và được nghe kể về hào khí của những ngày sục sôi giành chính quyền về tay Nhân dân - Cách mạng tháng 8/1945.

Hào khí mùa Thu tháng Tám
Trải nghiệm lễ hội mùa thu

Với chủ đề “Huế vào thu”, từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, lễ hội mùa thu trong khuôn khổ Festival Huế 2023 có rất nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn. Bên cạnh những nét quyến rũ, trầm mặc, cổ kính thường ngày của xứ Huế mộng mơ, du khách và người dân sẽ được hòa mình vào không khí sôi động của một mùa lễ hội.

Trải nghiệm lễ hội mùa thu
Thăm Hà Nội trong những ngày mùa Thu lịch sử…

Với sự lèo lái của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự xả thân của những lực lượng nơi tuyến đầu, sự chung tay đùm bọc lẫn nhau của toàn xã hội, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã vượt qua “tâm bão” COVID-19. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi và tăng trưởng rất ấn tượng…

Thăm Hà Nội trong những ngày mùa Thu lịch sử…
Return to top