ClockThứ Năm, 28/04/2011 05:06

Thàn Mát Hà Nội ngẫu nhiên xuất hiện ở Cố đô

TTH - Vào khoảng năm 2004, lần đầu tiên cây sưa Bắc bộ được đưa trồng trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế. Thời điểm đó, để có nguồn giống, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đã mua hạt từ Hà Nội đưa về vườn ươm. Trong quá trình dẫn giống, gieo ươm và đưa trồng đã có hiện tượng lẫn giống cây thàn mát, nhưng đội cây xanh của Trung tâm không phát hiện được, do cây con của cả hai loài có lá nhìn chung khá tương đồng.

Sau bao năm cùng so vai sinh trưởng, phát triển, nhiều cây thàn mát đã báo hiệu cho mọi người biết thân phận, mà một trong những dấu hiệu trình làng là màu sắc và kiểu hoa. Năm nay, vào giữa tháng tư dương lịch, nhiều cây thàn mát trên vỉa hè đường Lê Quý Đôn bung hoa trắng xóa, người tham gia giao thông bách bộ trên vỉa hè hoặc chạy xe trên lòng đường dễ dàng phát hiện, vì chiều cao cây khá khiêm tốn, những vệt trắng của các chòm hoa giữa nền xanh tươi sáng của tán lá dễ lọt vào tầm mắt. Đây là một sự vô tình đã làm cho cây xanh tuyến đường Lê Quý Đôn đa dạng, chệch hướng quy hoạch chủ đích của cơ quan chủ quản. Vào thời gian cây chưa phát dục, với cách cảm nhận bàng quan, nhiều người cứ tưởng suốt cả tuyến đường là một loài cây duy nhất – cây sưa Bắc bộ. Cảm nhận đó cũng là lẽ thường tình, vì cả hàng cây có kích cỡ tương đồng, hình thái tán cây, màu sắc lá cũng hao hao như nhau, thậm chí có quan sát nhưng với thái độ hời hợt thì thấy chúng đều có lá kép lông chim mang nhiều lá chét không mấy khác biệt.


Cành thàn mát ở đường Lê Quý Đôn

Thàn mát là một loài cây gỗ nhỏ, thường cao 10-15m khi ở trong điều kiện sống tối ưu. Thân cây có vỏ nhẵn, mỏng, màu trắng, khi trưởng thành thì vỏ nứt đều đặn. Cành nhánh dài, mềm mại, khi non có nhiều vảy nhỏ màu trắng. Lá kép lông chim 1 lần lẻ, gồm 5-9 lá chét mọc đối, hình xoan đỉnh nhọn, đáy tù, bìa phiến nguyên, mặt phiến nhẵn, màu xanh bóng. Rụng lá vào mùa đông, ra hoa vào mùa xuân, ở những cây son trẻ, cây vừa nảy lộc vừa đơm hoa, nhưng ở những cây trưởng thành, sau khi ra hoa mới nảy lộc. Hoa mọc thành hoa tự ở nách lá, dày đặc, màu trắng, kiểu hoa đậu với cánh cờ lớn, mềm, gân rõ. Quả dạng đậu thuôn nhọn đầu, dẹt.
Ở Việt Nam, thàn mát là tên gọi chung cho trên 20 loài thuộc chi Millettia, họ đậu (Fabaceae), chúng hiện hữu hầu hết khắp ba miền đất nước. Những cây thàn mát ở đường Lê Quý Đôn, Huế thường được gọi là thàn mát thuốc cá, hay còn được gọi là cây duốc cá, tên khoa học là Millettia ichthyotona. Đây là loài ít được chọn làm cây bóng mát đường phố, chủ yếu là gây trồng để lấy hạt đánh cá. Ở vài nơi trong thành phố Hà Nội có trồng cây thàn mát để tạo bóng và làm cảnh, đến mùa hoa, vòm tán của những cây trưởng thành trắng xóa cả một góc trời, nhiều du khách đã nhầm lẫn cây sưa. Ở nhiều cơ sở nuôi tôm, trước khi thả tôm giống xuống hồ, chủ hồ chọn hạt thàn mát làm vật liệu trừ khử nguồn cá tự nhiên để đảm bảo cho tôm giống thả vào hồ khỏi thất thoát. Ngoài tác dụng đánh cá, nhiều nơi còn dùng hạt thàn mát làm thuốc trừ sâu. Một số tài liệu cho rằng, hạt được tán nhỏ, pha thêm nước để phun diệt chấy, rận, trị ghẻ hoặc nấu thành cao đặc rồi chế thành thuốc mỡ bôi ngoài da để chữa ghẻ. Ở Vân Nam, Trung Quốc người ta còn dùng rễ và vỏ thân nấu nước rửa các vết lở loét, trị mụn lở, mẩn ngứa, nấm da.
Thàn mát thuốc cá thường được gặp phổ biến ở nhiều tỉnh thuộc miền Trung và miền Bắc nước ta. Chúng thường mọc ở những nơi đất ẩm, ven sông suối cỏ đủ ánh sáng, ven các thôn bản miền núi, ven cửa rừng. Do hạt có thể phát tán theo dòng nước nên thỉnh thoảng có thể bắt gặp cây thàn mát thuốc cá ven các bờ sông, bờ kênh của vùng đồng bằng.
Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top