ClockThứ Hai, 23/10/2017 07:13

Thân thiện hơn, cụ thể hơn

TTH - Chắc chắn là không thể thay đổi ngay một hành vi, một thói quen, một cách ứng xử mà cần có sự chuyển hóa dần.

Bên cạnh việc quan tâm đến tốc độ tăng trưởng, các giải pháp đột phá cộng với việc làm thế nào phát huy được nguồn lực từ doanh nghiệp và người dân tại buổi đối thoại trực tuyến “Văn hóa, văn minh đô thị với môi trường du lịch” mới đây trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, người dân đã gửi tới diễn đàn những câu hỏi thể hiện rõ mối quan tâm của họ về môi trường du lịch cũng như những ứng xử với chính môi trường du lịch đó. Chẳng hạn như các vấn đề về xe dù bến cóc, tình trạng nhũng nhiễu du khách, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, quảng cáo tờ rơi…

Khác với những điều mang tầm vĩ mô, hoặc có tính vĩ mô hơn, gắn với trách nhiệm, vai trò điều hành cũng như sự linh hoạt của chính quyền trong việc tạo ra những cơ chế tốt cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận hành lang pháp lý, thủ tục hành chính cũng như các tiềm năng và cơ hội đầu tư… những điều mà số đông người dân có thể tham gia lại bắt đầu từ những điều rất cụ thể, gần gũi với họ trong cuộc sống hàng ngày. Những điều mà họ có thể thấy được, làm được và thay đổi được. Chính vì thế, những vấn đề thuộc về văn hóa, văn minh đô thị trong môi trường du lịch là điều được người dân tương tác hàng ngày và có thể thay đổi cách ứng xử để tạo dựng một môi trường tốt hơn, thân thiện hơn.

Không có cháo chửi, bún mắng; chưa có những hóa đơn “cắt cổ” thực khách đến nỗi cơ quan công vụ phải vào cuộc, nhưng có những hành vi tiêu cực đã trở nên mãn tính và đang làm xấu đi hình ảnh của môi trường du lịch Huế. Vấn đề là ở chỗ, nó đã được chỉ đích danh, cộng với những lần kiểm tra, chấn chỉnh; những đợt ra quân lập lại trật tự và cả không ít những cuộc hội thảo, tọa đàm để thảo luận, hiến kế và tìm giải pháp nữa nhưng cho đến bây giờ, mọi thứ xem ra vẫn chưa khác đi là mấy. Vẫn còn có hiện tượng chèo kéo, đeo bám du khách; nhiều tuyến phố vẫn đầy rác, chưa kể người dân vứt rác rất bừa bãi xung quanh các điểm tập kết như tuyến đường du lịch như Lê Ngô Cát, Minh Mạng chẳng hạn.

Tôi cũng không rõ du khách khi đến Huế cảm thấy điều gì về những “điểm rác” dưới chân thực khách từ quán vỉa hè đến nhà hàng, về những điểm phát tờ rơi quảng cáo trắng đường, những bờ tường đầy các dòng chữ quảng cáo to nhỏ lớn bé các loại, những vỉa hè thiếu lối đi hay những góc phố mà người ta nhốn nháo thả khách vốn đã dạt hết chỗ này đến chỗ kia mà không ít cơ quan báo chí đã lên tiếng. Hôm nọ một đồng nghiệp còn khuyến cáo tôi về việc xem chừng bị hớ khi vào chợ Đông Ba vì giờ người ta vẫn nói thách nhiều lắm. Một người khác thì lại nhắc nhớ xem lại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi tôi bảo, cũng muốn trải nghiệm thức ăn bên chợ vì trông nó rất hấp dẫn khi xem trên mạng…

Chắc chắn là không thể thay đổi ngay một hành vi, một thói quen, một cách ứng xử mà cần có sự chuyển hóa dần. Vì đã được phát động, tuyên truyền từ rất lâu nhưng vẫn chưa đạt được ngưỡng của thay đổi, nên có khi, phải bắt đầu bằng chế tài đủ sức nhắc nhở, răn đe để ít dần sự lặp lại. Có khi cũng phải chấp nhận một hình thức không thân thiện để xây dựng lại một trật tự thân thiện. Và cần được lượng hóa, cụ thể hóa để người dân dễ nhớ mà tự mình thay đổi từ những việc làm cụ thể nhất.

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo dựng môi trường du lịch tốt hơn, an toàn, thân thiện hơn

Buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế với chủ đề “Văn hóa, văn minh đô thị với môi trường du lịch” diễn ra sáng 19/10, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương chủ trì với mong muốn tạo dựng một hình ảnh mới về Thừa Thiên Huế tươi đẹp, thân thiện hơn trong mắt du khách.

Tạo dựng môi trường du lịch tốt hơn, an toàn, thân thiện hơn
Return to top